Nuôi tôm nhỏ lẻ, manh mún trên vùng cát ven biển: Cái giá phải trả
Tình trạng nuôi tôm trên cát tràn lan khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân ven biển bị nhiễm mặn, ô nhiễm.
Nhiều ao nuôi tôm trên cát nằm trong vườn nhà, ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: QUANG VIỆT |
Nước ngầm nhiễm mặn
Cuối tháng 7, chúng tôi trở lại các vùng nuôi tôm trên cát ở các địa phương ven biển của tỉnh. Nắng cháy da, nhiều người dân ở thôn Bình Phú (xã Tam Tiến, Núi Thành) hì hục lọc nước. Chị Ngô Thị Thủy một người dân địa phương nói: “Không biết phải tính sao, nước bẩn quá, lọc khó sạch. Hồi trước, chúng tôi vẫn dùng nguồn nước này để uống, vậy mà chừ dùng để tắm, giặt rửa cũng không yên tâm. Phèn thì lọc được chứ mặn thì bất lực”. Xung quanh nhà chị Thủy là các ao nuôi tôm. Chị cho biết, gia đình lấy nước biển rồi dùng ống nhựa dẫn vào ao nuôi tôm, hòa lẫn với nước ngọt được hút lên tại chỗ, dung hòa độ mặn nuôi tôm ngay sát vườn nhà. Nguồn nước nuôi tôm ngấm ra xung quanh lâu ngày gây nên hiện tượng mặn trong nước ngầm. “Càng ngày nguồn nước được gia đình chúng tôi bơm lên càng nặng mùi và mặn hơn. Xung quanh đây nhà nào cũng phải dùng nước ô nhiễm mà đành chịu” - chị Thủy than thở.
Theo Điều chỉnh quy hoạch thủy sản, Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm công bố các nội dung đến từng địa phương của tỉnh, xây dựng kế hoạch và các biện pháp triển khai thực hiện quy hoạch cụ thể cũng như đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển ngành thủy sản. Sở Tài nguyên - môi trường có trách nhiệm quản lý và bảo vệ môi trường, nguồn nước, đồng thời phối hợp với Sở NN&PTNT đánh giá tác động môi trường của các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Các địa phương ven biển phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức xây dựng các quy hoạch chi tiết về nuôi trồng thủy sản, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư thủy sản và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy hoạch. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, 5 thôn ven biển của xã đều bị hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngầm. Nguyên nhân là nuôi tôm trên cát tràn lan không kiểm soát được, người nuôi thải bừa bãi nước mặn ra bên ngoài. Dần dà, mặn ngấm vào mạch nước ngầm và phủ khắp lòng đất. Việc này diễn ra từ năm 2012 đến nay và ngày càng trở nên gay gắt hơn. Xã không đủ điều kiện để lấy mẫu nước ngầm kiểm tra nên đã tham mưu huyện đề xuất ngành môi trường của tỉnh đến lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, nguồn nước ngầm không chỉ bị nhiễm mặn mà còn bị nhiễm các chất bẩn độc hại khác từ nuôi tôm. “Thức ăn thừa cho tôm ăn, hóa chất, kháng sinh, chlorin và nhiều loại thuốc khác dùng cho nghề nuôi tôm tự thẩm lậu hoặc bị người dân tùy tiện thải ra bên ngoài. Chúng tôi nhắc nhở họ phải quan tâm đến bảo vệ môi trường xung quanh, bảo vệ nguồn nước; họ bảo vẫn tuân thủ nhưng chẳng qua là do bạt nhựa dùng lâu ngày bị tự thẩm lậu ra bên ngoài” - ông Luận nói.
Ở huyện Thăng Bình, biến động nguồn nước ngầm cũng đang diễn ra gay gắt, là hệ lụy của quá trình nuôi tôm trên cát tự phát bấy lâu nay. Ở các thôn Hiệp Hưng, Kỳ Trần, Phước An 1, Phước An 2 của xã Bình Hải, hoạt động nuôi tôm trên cát diễn ra hết sức lộn xộn. Công tác bảo vệ môi trường không được các hộ nuôi tôm quan tâm vì cho rằng đầu tư quá nhiều chi phí mà họ thì chỉ nuôi được vụ nào hay vụ ấy. Trong các vùng nuôi, nhiều ao tôm nằm trong vườn nhà và hầu như không có ao xử lý nước thải. Chúng tôi chứng kiến nhiều hộ nuôi tôm thay nước ao nuôi bằng cách xả trút nước trong ao ra bên ngoài rồi dẫn nước từ biển vào.
Quản lý chưa chặt chẽ
Theo ngành môi trường, mỗi héc ta ao nuôi tôm trên cát trong quá trình nuôi thải ra hàng chục tấn chất thải đủ loại. Cần phải xử lý chất thải đó mới cho ra bên ngoài nhưng công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Vậy nên nguồn nước ngầm ở các khu vực ven biển bị ảnh hưởng. Thời gian qua, hoạt động nuôi tôm trên cát đã được các địa phương ven biển triển khai nhiều biện pháp quản lý nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường. Cách đây chưa lâu, khi tình trạng nuôi tôm diễn ra ồ ạt, UBND huyện Thăng Bình, Núi Thành đã huy động các ngành, các cấp vào cuộc, gồm môi trường, nông nghiệp, tài chính, đội kiểm tra quy tắc, công an, dân quân… để chấn chỉnh tình hình. Các phương án nuôi tôm hạn chế tác động xấu đến môi trường cũng được đưa ra… Vậy nhưng, theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, hiệu quả trong công tác quản lý nuôi tôm trên cát không cao do vận hành thiếu chặt chẽ, chỉ mang tính nhất thời chứ không lâu bền. Sau khi ra quân chấn chỉnh tình hình, một thời gian ngắn thì nạn đào ao quanh vườn để nuôi tôm lại âm ỉ diễn ra. Ngành chức năng cắt điện thì người dân lén lút sử dụng máy nổ. Cưỡng chế thì người dân chống đối hoặc thương lượng, thỏa hiệp. Sau đó lại tiếp tục phá vỡ quy định, quy hoạch...
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, biến động nguồn nước trong vùng nuôi tôm trên cát là cái giá phải trả do chạy theo lợi nhuận, sản xuất tràn lan, manh mún. Trong khi đó, dù đã được giao trách nhiệm quản lý hiện trạng nhưng các địa phương ven biển vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng sử dụng đất sai mục đích. Đất vườn không thể là đất nuôi tôm, nhưng vẫn không ngăn được người dân đào ao, gây nên hiện tượng nhiễm bẩn. Để chấn chỉnh điều này, cần triển khai thực hiện tốt đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được HĐND tỉnh thông qua. Trong thời gian đến, nuôi tôm trên cát sẽ được siết chặt quản lý bằng cách đưa vào các vùng sản xuất tập trung. Tại đây, các hộ nuôi riêng lẻ phải phối hợp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung. Mỗi ao nuôi phải có hệ thống thoát nước bằng đường ống được nối vào các hố ga xây dựng dọc theo bờ ao. Từ hố ga, nước thải được thu về ao xử lý bằng các tuyến ống. Sau khi được lắng và xử lý đạt tiêu chuẩn, nước thải mới được đưa ra bên ngoài. Các địa phương ven biển có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt dưới sự hướng dẫn và kiểm tra của các cơ quan chuyên môn thủy sản và giám sát của ngành môi trường. Trong thời gian đến, các hộ nuôi tôm tập trung sẽ được tập huấn kỹ thuật, sản xuất theo mô hình VietGAP vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường vừa đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.
NGUYỄN QUANG VIỆT