Hướng đi nào để phát triển bền vững ngành thủy sản?

NGUYỄN QUANG VIỆT 15/07/2016 08:12

Dù có tiềm năng lớn nhưng kinh tế thủy sản Quảng Nam vẫn bấp bênh. Do vậy, vấn đề phát triển lĩnh vực kinh tế này sẽ tiếp tục được đặt ra tại Kỳ họp HĐND tỉnh khai mạc đầu tuần tới.

Thời điểm này, đang vụ sản xuất thứ 2 nhưng các cánh đồng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hiu hắt, nhiều nơi vắng bóng người, ao đìa trơ trọi, hoang hóa. Trong vụ 1, đa số diện tích thả nuôi ở gần 1.000ha (trong tổng số 3.000ha diện tích nuôi tôm của tỉnh), tôm đồng loạt bị bệnh, chết. Trong khi đó, các ao, đìa nuôi thủy sản mới như cá dìa, điêu hồng, rô phi cũng không mấy khả quan. Nuôi cá lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 hay sông Tam Kỳ, hồ Khe Tân (Đại Lộc), bệnh xuất hiện liên miên, đầu ra không ổn định, hiệu quả kinh tế kém lại thêm gây ô nhiễm môi trường. Thực tế này lột tả sự bấp bênh của nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Muốn giải quyết căn cơ, phải điều chỉnh quy hoạch, từ đó mới có thể nhận diện phạm vi và áp dụng các giải pháp thiết thực.

Nuôi cá nước ngọt ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Q.VIỆT
Nuôi cá nước ngọt ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Q.VIỆT

Lựa chọn hướng phát triển

Theo Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản Bộ NN&PTNT (đơn vị tư vấn lập Điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030), có 2 phương án khả dĩ. Phương án 1, chuyển đổi diện tích ruộng trũng ở một số vùng ven sông Trường Giang sang nuôi trồng thủy sản; đồng thời điều chỉnh một phần diện tích nuôi thủy sản sang phát triển du lịch, công nghiệp, xây dựng khu dân cư. Trên cơ sở đó, xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung theo quy mô công nghiệp làm tiền đề cho sản xuất hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt hơn 8.843ha (nuôi lợ mặn hơn 2.997ha và nuôi nước ngọt 5.846ha). Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 25.000 tấn (nuôi lợ mặn đạt 16.000 tấn và nuôi nước ngọt 9.000 tấn). Phương án thứ 2 dựa trên việc phát huy các lợi thế về diện tích, chuyển đổi tối đa vùng ruộng trũng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu đề ra đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 9.400ha. Sản lượng nuôi đến năm 2020 đạt khoảng 43.680 tấn (nuôi lợ mặn khoảng 23.390 tấn, nuôi nước ngọt 20.290 tấn).

Theo dự thảo điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản dự kiến đến năm 2030 vẫn sẽ ổn định ở mức hơn 8.843ha như thời điểm năm 2020. Sản lượng sẽ tăng từ 25.000 tấn ở năm 2020 lên 34.000 tấn năm 2030. Thực hiện với giải pháp chú trọng thâm canh tăng năng suất, phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng kỹ thuật nuôi tiến bộ nhất đến thời điểm đó.

Có thể thấy rằng, ở cả 2 phương án đều tính đến tăng diện tích nuôi trồng thủy sản từ nay đến năm 2020, nhưng có sự khác biệt về mức độ. Phương án 1 mở rộng diện tích ít hơn phương án 2. Cũng có sự khác biệt về sản lượng đến năm 2020 trong 2 cách nêu vấn đề của Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản. Ở phương án 1, sản lượng ước đạt 25.000 tấn, tốc độ tăng bình quân là 5,4% so với thời điểm hiện nay. Ở phương án 2, sản lượng ước đạt đến 43.680 tấn, tăng 14,1% so với hiện tại. Chưa bàn đến các nội dung cụ thể và các giải pháp triển khai để có thể đạt được các chỉ tiêu dự tính, nhưng đối chiếu với thực tế sản xuất trong vài năm trở lại đây, khi đưa ra lấy ý kiến, phương án 1 đã được thống nhất lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản lên hơn 8.843ha vào năm 2020 như phương án 1 không phải là điều quá khó, vấn đề là khó có thể nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ diện tích đó, nếu không giải quyết vấn đề “nguồn lực sản xuất còn hạn chế” như hiện nay.

Làm gì để đạt được mục tiêu?

Đến năm 2020, hơn 60% số lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn
Sở NN&PTNT cho biết, Quy hoạch ngành thủy sản Quảng Nam đã được UBND tỉnh xây dựng và ban hành từ năm 2003 và đã có điều chỉnh vào năm 2007. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số chỉ tiêu không đạt; nguồn lực chưa đáp ứng với yêu cầu. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu thực tế của sản xuất, phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh,… việc một lần nữa điều chỉnh quy hoạch là điều cần thiết. Theo dự thảo, Điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu:
- Đến năm 2020: Giá trị sản xuất ngành thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 4.200 tỷ đồng, chiếm 29 - 30% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; trong đó khai thác thủy sản đạt 2.500 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản 1.700 tỷ đồng. Tổng sản lượng thủy sản đạt 110.000 - 120.000 tấn; trong đó khai thác thủy sản chiếm 77%, nuôi trồng thủy sản 23%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 46 triệu USD, tăng trưởng bình quân 15 - 17%/năm. Giải quyết việc làm cho khoảng 41.000 người; trong đó hơn 60% số lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn. Phấn đấu giảm tổn thất sau thu hoạch sản phẩm khai thác hải sản dưới 10% (theo mục tiêu của trung ương).
- Đến năm 2030: Giá trị sản xuất ngành thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 5.700 tỷ đồng, chiếm 32 - 33% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; trong đó khai thác thủy sản đạt 3.500 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản 2.200 tỷ đồng. Tổng sản lượng thủy sản đạt 125.000 - 130.000 tấn; trong đó khai thác thủy sản chiếm 73%, nuôi trồng thủy sản 27%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 110 triệu USD, tăng trưởng bình quân 8 - 10%/năm. Giải quyết việc làm cho khoảng 46.000 người; trong đó hơn 70% số lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn.(T.S)

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến năm 2020, huyện Núi Thành vẫn là địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản của tỉnh, diện tích khoảng 2.119ha. Trong số đó, nuôi mặn lợ 1.949ha, nuôi nước ngọt 170ha; nuôi 50 lồng bè trên hồ chứa; nuôi 200 lồng bè tại vũng An Hòa; tổng sản lượng ước đạt 9.318 tấn. Thăng Bình sẽ là huyện trọng điểm thứ 2 về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi mặn lợ với đối tượng chính là tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Thăng Bình ước hơn 880ha, sản lượng thu được ước đạt 6.122 tấn. Thực tế sản xuất từ đầu vụ đến thời điểm này vẫn cho thấy Núi Thành là địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh nhưng sản lượng thu hoạch đã giảm đến hơn 1/3 so với năm trước. Điều tương tự cũng xảy ra với huyện Thăng Bình.

Nhìn vào 2 địa phương trọng điểm trên, có thể thấy, để đạt được mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 là 25.000 tấn cần phải vượt qua nhiều trở ngại. Khi đến thời điểm này, hạ tầng của các vùng nuôi thủy sản của tỉnh vẫn còn rất sơ sài, chưa có kênh cấp, kênh thoát nước trong khi giao thông nội đồng, điện, thủy lợi rất hạn chế. Đối với người nuôi, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, được chăng hay chớ; tùy tiện xả thải ra bên ngoài vẫn là những hạn chế tồn tại lâu nay. Trong khi đó, con giống thủy sản chất lượng kém, đặc biệt trong ngành sản xuất chủ lực là tôm giống vẫn chưa được cải thiện, tràn lan giống thủy sản không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Do đó, muốn đạt được mục tiêu đề ra, trước hết phải khống chế bệnh và dịch bệnh, từng bước nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản. Nguồn vốn đầu tư đòi hỏi phải lớn mới có thể xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, ứng dụng kỹ thuật để tăng năng suất. Môi trường ao nuôi phải được quản lý tốt, từ nâng cao ý thức của người dân cũng như quản lý chặt chẽ hơn của ngành thủy sản và các địa phương ven biển.

Về loại hình mặt nước, theo ngành chức năng, ngoài các ao, đìa ven sông, có thể triển khai ở các hồ thủy điện Sông Tranh 2, hồ Khe Tân (Đại Lộc) hay hồ Phú Ninh... Điều đó sẽ khả thi nếu vượt qua được thói quen sản xuất manh mún của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc huy động nguồn vốn đầu tư lớn, quy trình nuôi đảm bảo cũng như liên kết ổn định đầu ra cũng cần phải được giải quyết ổn thỏa.

Nói đến giải pháp về giống thủy sản, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt cấp I ở Phú Ninh do Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam quản lý và Trung tâm Chọn giống cá rô phi do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I quản lý sẽ cung cấp khoảng 30 - 40 triệu cá giống/năm cho người nuôi và cung cấp cá bột cho các cơ sở ương dưỡng. Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống vào Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam, ở thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình (thực tế là dù đã kêu gọi nhưng khu vực này vẫn im ắng trong vài năm nay). Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, cùng với chủ động về con giống, Quảng Nam cần phải triển khai sát thực tế và phù hợp các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh và cả trung ương.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT