Ra khơi sau sóng dữ

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/07/2016 09:05

Chọn biển làm sinh nghiệp, ngư dân Phạm Phú Thành (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) lại vươn khơi sau biến cố bị tàu nước ngoài đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa hồi tháng 5 vừa qua.

  • Khen thưởng tập thể, cá nhân hỗ trợ tàu cá gặp nạn ở Hoàng Sa
  • Thủ tướng tặng Bằng khen tàu cá cứu nạn tàu bị đâm chìm ở Hoàng Sa
  • Chủ tàu bị đâm chìm ở Hoàng Sa sẽ được hỗ trợ đóng tàu mới
  • Thuyền trưởng Phạm Phú Thành: "Tàu lạ đâm bất ngờ, chúng tôi không kịp trở tay"
  • Video: Phút đoàn tụ của những ngư dân bị đâm chìm tàu
  • Toàn bộ ngư dân tàu bị đâm chìm ở Hoàng Sa về đất liền an toàn
  • Bộ GT-VT tặng bằng khen thuyền trưởng cứu tàu bị đâm chìm
  • Tàu câu mực Thăng Bình bị đâm chìm tại Hoàng Sa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh động viên ngư dân Phạm Phú Thành khi trở về đất liền sau tai nạn bị đâm chìm tàu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh động viên ngư dân Phạm Phú Thành khi trở về đất liền sau tai nạn bị đâm chìm tàu.

Sinh nghiệp

Phạm Phú Thành sinh năm 1966, đi biển từ khi mới hơn 10 tuổi. Hơn 40 năm “ăn sóng nói gió”, biển đã trở thành một phần máu thịt và theo như lời ngư dân ấy, không thể vì bất cứ hiểm nguy nào mà bỏ biển. Anh Thành kể, những năm 1980, phần lớn ngư dân đi biển bằng thuyền thúng; hễ trời nổi gió là mọi người í ới gọi nhau, mau chóng vào bờ. Riêng bản thân anh thường chọn cập bến khi tôm cá đầy thúng. Có lần, thả lưới trong điều kiện gió giật, sau khi về bờ mọi người xôn xao, lo lắng thì mãi đến khuya khoắt, Phạm Phú Thành mới lên bờ. “Hễ có gió, sóng lớn hơn bình thường thì cá tôm hay xôm tụ. Lúc đó đánh bắt hiệu quả hơn. Nghề biển không giữ lại những người e dè. Phải thật cật lực thì mới tích lũy để mà có vốn liếng đóng tàu lớn vươn khơi xa” - Phạm Phú Thành lý giải.

Tham vọng phải có tàu lớn vươn khơi, anh Thành lại khăn gói ra TP.Đà Nẵng vừa đi bạn vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm rồi dần dà được chủ tàu tin tưởng giao làm tài công trong nhiều chuyến biển. Anh luôn bình tình xử lý những tình huống gay cấn trên biển khi thời tiết thất thường. Quả cảm lại giàu năng lực nên những chuyến biển do anh làm tài công thường đem lại sản lượng cao. Mãi đến đầu những năm 2000, huy động tổng lực nguồn vốn, vay mượn thêm, anh đóng được tàu công suất lớn sau bao năm nỗ lực, thỏa chí vươn khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2006 có lẽ là sự kiện sẽ mãi không bao giờ quên với ngư dân xã biển Bình Minh, trong đó có ngư dân Phạm Phú Thành. Cơn bão Chanchu bất ngờ gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử vươn khơi của người dân Bình Minh. “Trong lúc hiểm nguy, phải quyết đoán trước hai phương án: hoặc là gấp rút quay vào bờ hoặc khẩn trương đưa tàu lên phía bắc của Hoàng Sa để tránh gió. Sự lựa chọn nào cũng khó vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng, tôi chọn điều tàu lên phía bắc Hoàng Sa như một mách bảo thiêng liêng từ biển cả. Bình an trở về sau đận đó, tôi giày vò mãi vì sao không mạnh dạn khuyên ngư dân khác chọn cách như mình” - anh Thành kể. Có lần, anh trút toàn bộ hải sản khai thác được cùng nhiều thiết bị trên tàu cá xuống biển để cứu nạn một tàu cá không quen biết đang lâm nguy. Các thuyền viên sững sờ nhìn hành động của Phạm Phú Thành mà khâm phục.

Đạp sóng mà đi

Nhắc lại nạn bị tàu nước ngoài đâm chìm tàu QNa 95959 khi đang sản xuất ở quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5 vừa qua, Phạm Phú Thành xót xa: “Hơn 2 tháng rồi xa lìa con tàu như mất đi một phần máu thịt, gắn bó lắm. Chỉ mong lại đóng được tàu lớn để ra khơi, giữ gìn Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc”. Anh bảo, trong cái rủi có nhiều cái may. Trước hết là đón nhận tấm lòng tuyệt vời của ngư dân Phạm Phú Trung, người cùng quê đã quyết định bỏ chuyến biển đang sản xuất để đến cứu 34 thuyền viên trên con tàu đang chìm. Thứ nữa là biết bao tấm lòng đã đến chia sẻ, động viên anh và gia đình tai qua nạn khỏi. Đích thân các lãnh đạo của tỉnh, huyện đã trực tiếp đến đón anh và các bạn biển ở TP.Đà Nẵng rồi đưa về Bình Minh đoàn tụ cùng gia đình. “Trong hoạn nạn sẽ thấy hoặc là mình yếu đi hoặc là mạnh mẽ hơn. Tôi không tiếc nuối chi hết vì nghiệp biển tất nhiên có lúc thăng, lúc trầm. Chỉ mong có tàu lớn đạp sóng dữ mà đi” - Phạm Phú Thành trăn trở. Từ hy vọng nhỏ nhoi lúc con tàu bị chìm, đến nay anh Thành đã có thể hiện thực hóa mơ ước. Sau khi được UBND tỉnh quyết định đủ điều kiện vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, anh Thành đã tức tốc ra TP.Đà Nẵng liên hệ làm thiết kế tàu vỏ thép, gửi ra Hà Nội chờ phê duyệt làm cơ sở đầu tiên để vay vốn của ngân hàng.

Những ngày này, Phạm Phú Thành bận rộn liên hệ với Bảo Việt Quảng Nam để làm các thủ tục cần thiết, mong nhận được bảo hiểm có giá trị 2 tỷ đồng cho con tàu QNa 95959 bị đâm chìm. Có vậy thì ngư dân mới đủ chi phí theo đuổi dự án đóng tàu vỏ thép. Anh cũng đã bước đầu liên hệ, mong chọn được cơ sở đóng tàu vỏ thép ưng ý, đảm bảo chất lượng cho dự án khi triển khai. Phạm Phú Thành cho biết, Sở NN&PTNT cũng như Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình luôn động viên, đồng hành giúp đỡ để việc đóng tàu được triển khai thông suốt. Anh tin tưởng: “Khi tàu bị chìm, viễn cảnh trắng tay, không thể nào trả nổi nợ nần hiển hiện ngay trước mắt. May còn có cái phao bảo hiểm để mà bám víu chứ không thì xoay xở bằng cách chi. Nếu hoàn thành được dự án đóng tàu vỏ thép thì không những không mất mát mà còn có được “ngôi nhà” sừng sững trên biển lớn”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT