Nuôi thủy sản nước lợ ở vùng triều: Vẫn được chăng hay chớ
Chưa bao giờ nuôi thủy sản ở các vùng triều ven sông của tỉnh lại rơi vào cảnh hiu hắt như vào thời điểm này. Nuôi tôm thất bát, nuôi các đối tượng thủy sản khác thay thế như cua, cá cũng thất bại.
Nuôi cá tại gia đình ông Nguyễn Hữu Nhiên. Ảnh: QUANG VIỆT |
Nguồn nước ô nhiễm
Sau vụ 1 nuôi tôm nước lợ 2016 kết thúc, lúc này là thời điểm các nông hộ trên địa bàn tỉnh bắt tay vào vụ nuôi thứ 2 nhưng hiện các cánh đồng tôm đều im vắng. Nông dân cho rằng nguồn nước đã ô nhiễm tới… đáy rồi, không cách nào tự xử lý nổi. Ông Nguyễn Chín (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) bắt vội mấy con tôm đất ở sông Trường Giang rồi thả vào ao nuôi tôm đã bỏ hoang của mình, chưa đầy 10 phút sau, tôm đất trồi lên mặt nước, lắc lư, thoi thóp rồi bất động. Ông Chín bảo, tôm đất có sức đề kháng tốt hơn tôm thẻ chân trắng vì vẫn hằng sống trong các vùng ao đìa tự nhiên. Vậy mà, chết nhanh thì làm sao tôm thẻ chân trắng có thể tồn tại được. “Vụ trước tôi đã cải tạo ao nuôi trong nửa tháng trời, trước tiên dùng Clorin rửa sạch ao nuôi, sau đó xới tung bề mặt, phơi khô cả tuần lễ rồi lại vét bùn làm sạch. Cho nước vào ao nuôi sau khi đã lắng lọc kỹ càng, vậy mà chỉ chừng 10 ngày là phải lại thay nước chứ không thì tôm chết. Be đắp bờ kỹ càng nhưng nước từ bên ngoài cứ thẩm lậu vào ao nuôi biến nước sạch thành ô nhiễm. Làm sao nuôi tôm cho đạt” - ông Chín nói.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Nhiên (thôn Diêm Trà, xã Tam Tiến, Núi Thành) gặt hái được nhiều thành công về nuôi thủy sản trong thời gian qua. Cách đây chừng 5 năm, ông Nhiên là điển hình tiên tiến về nuôi tôm trên địa bàn. Cách đây 2 năm, khi thấy khó có thể cầm cự với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Nhiên chủ động chuyển đổi sang nuôi cua, cá đối, cá dìa. Năm ngoái, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng sau 1 năm nuôi thủy sản bằng các đối tượng nuôi mới trên tổng cộng 60 sào mặt nước. Vậy nhưng, từ đầu năm đến nay, cá đối, cua, cá dìa lần lượt nhiễm bệnh và chết. Ông Nhiên bảo, khó có thể kiểm soát được các yếu tố tác động đến môi trường nước trong ao nuôi dù gia đình đã đầu tư nuôi bằng hình thức lót bạt. “Cá đối, cá dìa, cua vốn sống tốt trong tự nhiên thì càng dễ sinh trưởng khi được chăm sóc trong điều kiện đảm bảo hơn. Tôi nghiệm ra, chúng chết vì chim, cò bay sang, gieo rắc mầm bệnh từ nơi khác tới. Hơn nữa, vùng triều ven sông ngày càng thoái hóa, đã cải tạo kỹ nhưng khí độc trong nước ngầm len lỏi, trồi lên mặt nước, làm hỏng cả điều kiện nuôi thủy sản” - ông Nhiên nói.
Bệnh trên diện rộng
Ở thôn Hội Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), hộ ông Ngô Văn Tám nuôi cua tương đối đạt hiệu quả trong thời gian qua nhưng gần đây cũng rơi vào bế tắc. Một số hộ nuôi cua trên địa bàn xã Bình Giang (Thăng Bình) cũng “méo mặt” vì cua nuôi chết hàng loạt trong điều điện vùng triều ven sông Trường Giang ngày càng biến động. Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, cua biển là một trong những lựa chọn tối ưu để thay thế tôm nuôi không đạt hiệu quả ở vùng triều ven sông. Cua tương đối dễ nuôi mà còn thích hợp với nhiều điều kiện ao hồ và có thể nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu các hộ nông dân đầu tư thuận lợi, chăm sóc đúng mức, cua sẽ đạt năng suất cao. Vậy nhưng mô hình nuôi cua cũng không đem lại hiệu quả, môi trường ô nhiễm nên dịch bệnh xuất hiện thường xuyên.
Ở các vùng triều ven sông của các phường Cẩm Châu và xã Cẩm Thanh (TP.Hội An), vài năm gần đây, nông dân cũng được ngành thủy sản khuyến cáo nuôi cua, cá dìa, cá chẻm, cá đối thay thế các diện tích tôm nuôi. Thời gian đầu, một số hộ nuôi cua ở khối An Mỹ (phường Cẩm Châu) thu được sản lượng tương đối lớn. Thế nhưng, khi các nông hộ mở rộng diện tích thì lại không đạt hiệu quả. Nguồn nước ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, nước biển dâng rồi khô hạn, nhiễm mặn đã khiến cho nhiều diện tích nuôi các đối tượng thủy sản mới rơi vào cảnh nhiễm bệnh và chết. Có thể thấy rằng, các dự án nuôi cua thương phẩm, nuôi cá dìa, cá chẻm, cá đối là một trong những chương trình đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản nước lợ, thay thế dần vị thế ngày càng “chết yểu” của con tôm. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu cũng như môi trường nước ngày càng ô nhiễm đã khiến cho các mô hình nuôi đối tượng thủy sản mới thường xuyên gặp thất bại. Vì thế mà diện tích ao nuôi bị bỏ hoang ngày càng nhiều.
Cần đầu tư đồng bộ
Để nuôi tôm bền vững, ngành thủy sản của tỉnh đã thí điểm xây dựng mô hình nuôi thủy sản tập trung, áp dụng mô hình VietGAP ở nhiều địa phương như Duy Vinh (Duy Xuyên), Tam Tiến (Núi Thành) và Bình Nam (Thăng Bình). Tuy nhiên, các mô hình này chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng. VietGAP vẫn chỉ là vỏ bọc bên ngoài trong khi cái lõi của vấn đề là phải kiện toàn lại hạ tầng vùng nuôi, trong đó các yếu tố thủy lợi, điện, giao thông nội đồng, kênh cấp, kênh thoát nước vẫn chưa được thực hiện. Vậy nên nhiều ý kiến cho rằng, mô hình xa rời thực tế, chưa giải quyết rốt ráo vấn đề nuôi tôm nước lợ. Theo UBND huyện Thăng Bình, mặc dù tỉnh thí điểm xây dựng vùng nuôi tập trung trên diện tích 15ha nhưng có rất ít hộ nuôi tôm tham gia mô hình. “Nuôi tự phát vẫn tồn tại dai dẳng. Do thiếu hụt nguồn vốn huy động nên người dân chỉ mới đầu tư lẻ tẻ. Để giải quyết dứt điểm việc này chỉ có quy hoạch vùng nuôi, tỉnh đầu tư vốn để kiện toàn đồng bộ các yếu tố về hạ tầng. Sau đó, người nuôi thủy sản vào đầu tư nuôi khép kín, đảm bảo thủy sản nuôi phát triển trong điều kiện đảm bảo, cô lập dịch bệnh” - ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói.
Nguyện vọng của huyện Thăng Bình cũng là yêu cầu chung của nghề nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Sở NN&PTNT triển khai điều chỉnh quy hoạch ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư lại các yếu tố hạ tầng vùng nuôi như thế nào khi triển khai quy hoạch mới là điều quan trọng. Thứ nữa, nạo vét sông Trường Giang ra sao cho khả thi khi hệ thống sông ngòi này kéo dài không dưới 70km, đi qua nhiều vùng trọng điểm của tỉnh. Quan trọng là nguồn vốn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần năng động tiếp thu nhiều nguồn vốn, từ ngân sách của tỉnh, đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là khai thác được các cơ chế, chính sách khuyến khích nuôi thủy sản của trung ương.
NGUYỄN QUANG VIỆT