Bảo vệ môi trường biển Cù Lao Chàm: Cần ngăn ngừa những tác động xấu

NGUYỄN QUANG 24/05/2016 08:58

Vùng biển Cù Lao Chàm đang phải đối diện với nhiều tác động xấu từ các hoạt động kinh tế - xã hội, vì thế cần phải có các giải pháp và hành động cụ thể để thích ứng.

Diệt sao biển gai để khôi phục san hô tại biển Cù Lao Chàm. Ảnh: N.Q
Diệt sao biển gai để khôi phục san hô tại biển Cù Lao Chàm. Ảnh: N.Q

Nhiều mối nguy

Các rạn san hô tại vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) có đến 277 loài thuộc 40 giống. Quanh các rạn này, có đến 270 loài cá và 97 loài thân mềm sinh sống. Trước sự suy giảm của san hô trong thời gian qua, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phục hồi bằng cách nuôi cấy 4.800 tập đoàn san hô và ươm thêm 750 tập đoàn san hô khác để tiếp tục cấy ghép. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỷ lệ sống của san hô nuôi cấy tại vườn ươm đạt khoảng 87% và tại vùng phục hồi là 74%. Một số tập đoàn san hô bàn, cành mới cũng đã được ghi nhận phát triển tại các ghềnh đá quanh vùng biển Cù Lao Chàm. Điều đó cho thấy dấu hiệu phục hồi tự nhiên của các loài san hô tạo rạn tại các vùng nước được bảo quản, giữ gìn sạch sẽ. Tuy nhiên, các quần thể sao biển gai hiện diện dày đặc ở những khu vực Vũng Ráng và Vũng Đá Bao (Hòn Lá), Bãi Đâu Tai và Bãi Bắc (phía tây Cù Lao Chàm), Vũng Đá Đen và Vũng Thùng (Hòn Tai). Sao biển gai là sinh vật địch hại nguy hiểm của san hô, vì vậy sự hiện diện của chúng với số lượng lớn sẽ làm cho san hô ở nhiều khu vực rạn bị chết và suy thoái.

Mới đây, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiến hành lấy mẫu nước biển tại 7 điểm là Bãi Làng, Bãi Bắc, Hòn Dài, Hòn Lao, Hục Nhàn, Hòn Tai, Bãi Bìm để phân tích chất lượng nước biển. Kết quả phân tích từ Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho thấy 17 chỉ tiêu gồm chất rắn lơ lửng, oxy hòa tan, amoni, asen, cyanua, thủy ngân, cadimi, chì, đồng, kẽm, sắt, mangan… đều nằm dưới giới hạn cho phép, nước biển đảm bảo chất lượng. UBND TP.Hội An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan tiếp tục theo dõi, thực hiện việc thu thập, phân tích mẫu nước biển để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn sớm các sự cố rủi ro về môi trường biển.

Đến thời điểm này, nạn khai thác hải sản trái phép vẫn tái diễn ở các khu vực cấm của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Gần đây, nhiều ngư dân đã lén lút đánh bắt hải sản tại khu vực Hòn Dài và bị phát hiện, truy bắt, xử phạt. Điều đó cho thấy, mặc dù đã được quản lý chặt chẽ nhưng tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra, gây nguy hại đến môi trường biển, các hệ sinh thái biển tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Theo ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, vùng biển Cù Lao Chàm đang phải chịu nhiều tác động xấu từ xả thải của các hoạt động kinh tế - xã hội. Các bờ biển với các thảm thực vật bề mặt như rau muống biển, phi lao thay vì đảm trách vai trò giao thoa, tiêu năng sóng và gió biển đã trở nên khô khốc, gây “khó dễ” cho sự sinh trưởng của các loài nhuyễn thể ven bờ và rùa biển. Còn theo TS.Chu Mạnh Trinh - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), các dấu hiệu về suy giảm chất lượng nước của vùng cửa sông Thu Bồn đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Cù Lao Chàm, đặc biệt trong mùa mưa bão. Hiện tượng nước ngọt, phù sa, rác thải ngày càng ảnh hưởng xấu đến các vùng rạn san hô. Hiện trạng mở đường quanh đảo, xây dựng bờ kè, sửa chữa lại âu thuyền và các công trình hạ tầng khác cũng tác động xấu đến đa dạng sinh thái ở khu vực biển Cù Lao Chàm.

Thích ứng và hành động

Theo ông Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng Nghiên cứu & hợp tác quốc tế (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), đến thời điểm này, các chỉ tiêu chất lượng nước tại vùng biển Cù Lao Chàm vẫn ở trong ngưỡng thích hợp. Tuy nhiên, việc giám sát nguồn nước vào thời điểm hiện tại không còn được thuận lợi như trước. Cụ thể, chỉ mới đánh giá được yếu tố vật lý của nguồn nước chứ sinh học và hóa học thì còn bỏ trống do đề xuất đã không được TP.Hội An thông qua. “Với sự gia tăng tần suất và phạm vi ảnh hưởng xấu của các tác động từ sông Thu Bồn qua dòng chảy đến vùng biển Cù Lao Chàm, rất cần thiết phải thiết lập các trạm và tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước theo 2 mùa khô và mùa mưa. Chỉ có vậy mới theo dõi diễn biến, đồng thời cảnh bảo các tác động tiềm tàng từ đất liền đối đa dạng sinh học ở đây” - ông Vũ nói.

Ông Lê Ngọc Thảo cho rằng, rạn san hô cùng với các thảm cỏ biển, rong biển, vùng triều bờ đá và các hệ sinh thái vùng ngập nước đã hình thành nên tính đa dạng sinh học cho Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Để bảo vệ các hệ giá trị sinh thái này, cần tiếp cận theo hướng quản lý từ thượng nguồn đến vùng cửa sông ven bờ. Bởi, những giá trị này được chi phối theo quy luật tự nhiên và chúng có mối liên hệ rất mật thiết với vùng cửa sông, vùng bờ biển và đặc biệt là thượng nguồn và lưu vực sông Thu Bồn - nơi đang diễn ra các hoạt động rất nguy hại là phá rừng, đào đãi vàng trái phép. “Sự mất đi khá nhiều diện tích rừng tự nhiên đồng nghĩa với việc mất đi các hệ sinh thái thượng nguồn. Rừng bị mất đi thì không còn phát huy được vai trò giữ nước và tất yếu sẽ thiếu nước vào mùa khô nhưng lại tăng cường độ lũ vào mùa mưa, gây sạt lở và phá hủy tàn khốc từ thượng nguồn cho đến tận biển khơi Cù Lao Chàm. Không thể khác, muốn bảo vệ thì phải chấn chỉnh, nghiêm cấm các hoạt động nguy hại môi trường để ổn định đa dạng sinh học” - ông Thảo đề xuất.

Đề xuất cách tiếp cận tổng hợp vùng bờ, TS.Chu Mạnh Trinh cho rằng mở rộng phạm vi bảo tồn biển vào trong vùng bờ mà cụ thể là vùng cửa sông Thu Bồn và dọc theo đường bờ của Quảng Nam là điều cấp thiết. Theo đó, tiếp tục trồng dừa nước và các loài cây ngập mặn như sú, vẹt, đước tại xã Cẩm Thanh và cửa biển Cửa Đại. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư ven biển trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải cũng như không đánh bắt hải sản tận diệt.

NGUYỄN QUANG

NGUYỄN QUANG