Áp lực của nguồn lợi ven bờ
Dù đã có nhiều giải pháp nhưng nhìn chung nghề cá của tỉnh vẫn còn manh mún, nhất là tàu thuyền đánh bắt ven bờ đang hoạt động với số lượng lớn nên hiệu quả kinh tế chưa cao và nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản.
Đến thời điểm này, Quảng Nam đã có thêm 12 tàu vỏ gỗ và 6 tàu vỏ thép có công suất từ 400CV trở lên được hoàn thành, hạ thủy và đi vào sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy nghề cá của tỉnh ngày càng vươn ra các ngư trường xa bờ. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 7 tàu vỏ gỗ và 12 tàu vỏ thép đang được thi công từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ và sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất trong năm 2016, tiếp tục cho thấy chủ trương hiện đại hóa nghề cá của tỉnh phát huy hiệu lực.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số lượng tàu cá có công suất từ 90CV trở lên mới chỉ chiếm chưa đầy 10% cho thấy đánh bắt hải sản tập trung quá nhiều vào khu vực ven bờ. Các nghề mành, trủ, vó, giã cào, lặn, rớ, rập… chiếm đến 34% trong khi nghề chủ lực lưới vây mới chỉ chiếm 4% trong cơ cấu nghề cho thấy nghề cá vẫn chưa thoát khỏi tình trạng manh mún. Theo thống kê, khu vực ven bờ của tỉnh cung cấp đến 49 nghìn tấn hải sản mỗi năm, chiếm đến 70% tổng sản lượng hải sản khai thác được. Nhiều tàu thuyền hoạt động ở khu vực ven bờ gây nên áp lực khai thác quá mức, làm cho nguồn lợi hải sản suy kiệt. Tình trạng đánh bắt có tính hủy diệt vẫn chưa chấm dứt khiến nguồn lợi ven bờ luôn bị đe dọa.
Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, vươn ra biển lớn đang trở thành nhu cầu bức thiết. Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội), rất cần gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế biển đảo nói chung với việc hình thành các cộng đồng cư dân biển đảo có khả năng tự quản, tự điều chỉnh linh hoạt các ngư trường đánh bắt hải sản, góp phần tạo thế trận an ninh, quốc phòng trên các vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Theo đó, trong thời gian tới, Quảng Nam cần chú trọng giải quyết đồng bộ cả ba vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường, hướng tới phát triển kinh tế thủy sản bền vững và có trách nhiệm.
Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Quảng Nam đã có định hướng giúp ngư dân vươn khơi xa, bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Để cụ thể hóa điều đó, các chính sách ưu đãi tín dụng, khuyến khích đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất lớn cần được khơi thông mạnh mẽ hơn, nhất là các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cần đồng hành với ngư dân trong triển khai Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Một tín hiệu vui là ngư dân Quảng Nam đã có thể đóng tàu vỏ thép ngay trên địa bàn chứ không nhất thiết phải đến các tỉnh, thành khác. Điều cần kíp là tỉnh cần khẩn trương hình thành trung tâm nghề cá, ưu tiên đầu tư hạ tầng cảng cá, kho lưu giữ, bảo quản sản phẩm, chợ đầu mối phân phối, tiêu thụ hải sản, giúp ngư dân ổn định đầu ra sản phẩm khai thác...
NGUYỄN QUANG