Ra khơi bảo vệ chủ quyền

NGUYỄN QUANG VIỆT 14/04/2016 09:50

Biển cả trong tâm thức của ngư dân thật gần. Vượt qua nhiều tai ương, thách thức, họ càng quyết tâm gắn bó, ra khơi để sản xuất và bảo vệ chủ quyền.  

Đóng tàu lớn vươn khơi

Những ngày này, ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết để ra khơi bám biển với con tàu vỏ thép QNa-94679 vừa được đóng mới. Tàu cá hành nghề chụp mực trị giá 7,1 tỷ đồng, có công suất máy 940CV, chiều dài 26m, rộng 7,1m, chiều cao mạn tàu 3,3m, mớn nước 2,6m. Để hoàn thành con tàu này, ông Liên đã được BIDV Quảng Nam giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi lên đến hơn 14 tỷ đồng. Đây là tàu vỏ thép có công suất lớn nhất Quảng Nam đến thời điểm này. “Trước đây bám biển bằng tàu vỏ gỗ tôi và các thuyền viên cũng đã vươn ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa rồi. Chừ ra khơi với tàu vỏ thép thì càng phấn khởi hơn bởi con tàu chống chọi tốt trong điều kiện sóng to, gió lớn. Điều tôi yên tâm và tin tưởng nhất là có thể đương đầu với các tàu nước ngoài gần đây thường quấy phá ngư trường truyền thống của mình” - ông Liên nói. Là dân quân biển bấy lâu nay, ông Liên không xa lạ với sự hiện diện trái phép của tàu Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa. Trước đó, nhiều lần tàu cá của ông đụng độ với tàu Trung Quốc trên ngư trường thuộc vùng biển Việt Nam. Mặc dù bị tàu Trung Quốc gây hấn, chèn ép, xua đuổi nhưng ông Liên cùng bạn biển vẫn kiên trì sản xuất.

Ngư dân Quảng Nam đóng tàu mới, quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân Quảng Nam đóng tàu mới, quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: N.Q.V

Tại thôn Đông Tuần của xã đảo Tam Hải (Núi Thành), ngư dân Ngô Ri được biết đến là một chủ tàu gan dạ, đối đầu với tàu Trung Quốc trong thời điểm giàn khoan Hải dương 981 xâm lấn vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Thời điểm đó, tàu cá QNa-91559 của ông Ri bị tàu Trung Quốc vây ép, húc hỏng tàu. Trở về sau sự kiện đó, ông Ri sửa tàu, quyết tâm vươn ra Hoàng Sa bám biển đến cùng. Ông Ri cũng là dân quân biển của huyện Núi Thành. Đến thời điểm này, ông Ri đã bán con tàu QNa-91559 để có vốn đối ứng đóng tàu lớn theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89), kiên tâm giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Tôi thì từng ngày trông chờ con tàu mau chóng hoàn thành để ra khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Các bạn biển là thuyền viên trên tàu cá của tôi trước đây đang hiện diện ở Hoàng Sa, sản xuất bằng nghề lưới vây ánh sáng, lưới vây ngày. Tôi sẽ sớm gặp lại họ trong nay mai” - ông Ri nói.  

Đoàn kết bám biển

Quá trình bám biển của ngư dân thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, tai ương nên trong họ luôn sẵn có tinh thần đoàn kết, nương tựa, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn. Ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn nhắc nhớ nhiều về chuyện chủ tàu Lê Đức Rý (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) và các bạn biển trên tàu cá QNa-94545 đã quên mình cứu 32 thuyền viên và tàu cá QNg-95429 của Quảng Ngãi bị chìm trong điều kiện gió bão ở ngư trường Trường Sa trước đây. Tàu cá của ông Rý đã bị hư hỏng nặng sau khi giúp đỡ tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi. Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng, địa phương luôn tìm cách khuyến khích, động viên ngư dân phát triển khai thác hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong điều kiện tàu Trung Quốc ngày một manh động, uy hiếp ngư dân thì tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trên biển cần được nâng cao. “Nghị định 89 mới được triển khai giúp ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn, đưa vào khai thác hải sản trên các vùng biển xa chứ chưa có tàu cá nào được đóng mới để thực hiện hậu cần, vì thế tỉnh cần tạo cú hích. Để giúp ngư dân kiên trì bám biển, hiệu quả và bền vững, tỉnh cũng cần đề xuất với Trung ương nghiên cứu, thống kê chính xác hơn về các giá trị nguồn lợi ở các vùng biển xa và có định hướng cũng như dự báo ngư trường sát hợp hơn chứ trong thời gian qua có nhiều tàu cá khai thác không đủ sản lượng khi cập bờ” - ông Bảy nói.   

Ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Hải cho biết, nghiệp đoàn nghề cá của xã ngày một lớn mạnh khi có 332 đoàn viên tham gia, trong đó có 28 tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ trong 7 tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Hình thức tổ chức xã hội - nghề nghiệp này đã trở thành niềm động viên to lớn, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Khi vươn khơi, ngư dân đều mang theo đầy đủ các dụng cụ định vị vệ tinh, thông tin liên lạc tầm xa, tầm trung và tầm ngắn để kịp thời thông báo cho nhau và báo về cơ quan chức năng những hành vi vi phạm công ước quốc tế về luật biển của tàu nước ngoài. Ngư dân đều có chung chí hướng, cùng kiên trì bám biển, sản xuất đi đôi với giữ vững chủ quyền biển đảo. Để hỗ trợ nhau trong sản xuất, ngư dân phối hợp chặt chẽ với nhau, ứng cứu nhanh khi không may xảy ra sự cố trên biển. Hành động gây hấn của tàu Trung Quốc gần đây đã không thể gây nao núng cho ngư dân. Họ vẫn vươn khơi xa, sản xuất ở những ngư trường truyền thống đã được khẳng định chủ quyền và quyết tâm giữ gìn tài nguyên ở đó.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT