Ngư dân gặp khó vay tiền đóng tàu
Các ngư dân ở thôn Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình) đang lo lắng vì đã chuẩn bị mọi phương án để đóng tàu theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89), thì phía ngân hàng đột ngột cho biết không ký hợp đồng tín dụng ưu đãi.
Ngư dân Trần Văn Thanh bên vàn lưới rê hỗn hợp được mua về. Ảnh: Quang Việt |
Hụt hẫng vì bán tàu
Ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn ưu đãi đóng mới tàu cá theo Nghị định 89, ông Trần Văn Thanh (thôn Tân An) liền tức tốc liên hệ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để thương thảo, mong ký hợp đồng tín dụng, qua đó sẽ được giải ngân vốn đóng tàu. Đến ngày 15.11.2015, ông Thanh tin tưởng gửi hồ sơ vay vốn đến Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh Quảng Nam tại huyện Thăng Bình (VietinBank chi nhánh Thăng Bình). “Qua quá trình tìm hiểu, trao đổi, tôi được VietinBank chi nhánh Thăng Bình hứa sẽ ký hợp đồng tín dụng đóng tàu theo Nghị định 89. Vậy nên, tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện theo yêu cầu của ngân hàng để tiến tới ký hợp đồng. Đùng một cái, họ lại bảo tôi không được ký hợp đồng tín dụng. Bây giờ tôi phải xoay xở thế nào đây?” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, vì tin theo lời hứa của phía ngân hàng nên ông đã phải bán con tàu vỏ gỗ QNa-95591 có công suất 320CV và đã gửi số tiền 500 triệu đồng đến VietinBank chi nhánh Thăng Bình để đối ứng vốn. Tiếp theo đó, ông đã liên hệ và làm hồ sơ thiết kế đóng tàu vỏ thép hết số tiền 65 triệu đồng và đã được Trung ương phê duyệt. Ông Thanh cũng đã lặn lội đến tỉnh Kiên Giang để tìm hiểu, học hỏi, du nhập nghề lưới rê hỗn hợp vốn được các ngư dân ở đó sản xuất rất thành công. Ngoài ra, ông Thanh đã đến Cam Ranh (Khánh Hòa) để ký thỏa thuận mua vàn lưới rê hỗn hợp có giá trị 3,8 tỷ đồng và đã ứng trước 350 triệu đồng mua lưới đến thời điểm này. “Chuyện vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép đã được phía ngân hàng thống nhất với tôi. Chừ họ bảo không ký hợp đồng, tôi rất hụt hẫng vì đã bán tàu để làm vốn đối ứng, không có phương tiện để sản xuất” - ông Thanh nói thêm.
Tình huống tương tự cũng đã xảy đến với ngư dân Trần Công Mậu. Ông Mậu cũng cho biết đã làm việc và được VietinBank hứa sẽ ký hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89. Ông Mậu đã bán con tàu QNa-94141 theo nghề chụp mực được 420 triệu đồng và đã gửi 350 triệu đồng đối ứng vốn, chờ ký hợp đồng. “Đã bán tàu rồi chừ mình mới thấy trống trải, day dứt. Không còn tàu nên phải đành đoạn đi “bạn”, tạm bợ tìm sinh kế. Chừ mình chưa biết liên hệ với ngân hàng thương mại nào để trao đổi, thương thảo mong ký hợp đồng tín dụng để giải ngân đóng tàu theo Nghị định 89” - ông Mậu nói.
Không thỏa đáng
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Minh Phúc - Phó phòng phụ trách của VietinBank chi nhánh Thăng Bình cho biết, qua nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu thì mới đây ngân hàng thấy dự án vay vốn của ngư dân kể trên không khả thi nên quyết định không ký hợp đồng tín dụng. “Cuối năm 2015, chúng tôi có nhận được hồ sơ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89 của 2 ngư dân Trần Văn Thanh và Trần Công Mậu. Ban đầu, chúng tôi thấy phương án vay vốn và sản xuất khá ổn nên tìm hiểu thêm. Mãi đến sau này mới nhận thấy phía ngân hàng không thể giám sát được toàn bộ quá trình sản xuất trên biển của ngư dân nên không còn chắc chắn sẽ thu hồi đủ vốn lẫn lãi nên tham mưu cấp trên quyết định không ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu của 2 ngư dân đó” - ông Phúc nói. Ông Dương Tấn Đức - Phó Giám đốc VietinBank Quảng Nam cho rằng, VietinBank không ký hợp đồng tín dụng là xác đáng. VietinBank không hề hứa hẹn gì với ngư dân về ký hợp đồng tín dụng vì VietinBank chi nhánh Thăng Bình mới chỉ được thẩm định hồ sơ, còn ký hợp đồng tín dụng phải do VietinBank Quảng Nam quyết định, vì thế điều này là không thể. Đối với số tiền ngư dân gửi ngân hàng, chúng tôi vẫn tính lãi theo tiền tiết kiệm nên không thể xem là vốn đối ứng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, VietinBank Quảng Nam không ký hợp đồng với 2 ngư dân xã Bình Minh vì cho rằng, ngư dân chưa được học qua lớp điều khiển tàu vỏ thép nên không yên tâm quá trình sản xuất trên biển của họ. Trong khi đó, thực tế 2 ngư dân kể trên đã được học qua lớp điều khiển tàu vỏ thép do giảng viên Trường Đại học Nha Trang dạy từ cuối năm 2015. Một nguyên nhân nữa là, ngư dân đã không xuất trình được các hóa đơn bán hải sản cho thương lái hay đầu nậu sau mỗi lần cập bờ bán sản phẩm theo yêu cầu của phía ngân hàng. Qua đó, VietinBank không chắc ngư dân thu nhập được bao nhiêu sau mỗi chuyến biển để có thể trả nợ ngân hàng. Trong khi ngư dân không phải là doanh nghiệp nên không hề có hóa đơn, chứng từ khi bán hải sản. Chúng tôi hỏi: “Thời gian ngân hàng thẩm định hồ sơ của ngư dân từ tháng 11.2015 đến nay có quá lâu không? Phía ngân hàng có trả lời không ký hợp đồng với ngư dân bằng văn bản, gửi đến ngư dân, địa phương và ngành thủy sản theo quy định không?”. VietinBank Quảng Nam xác nhận chưa trả lời bằng văn bản đến ngư dân cũng như các ngành chức năng.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho rằng, sự việc xảy đến với 2 ngư dân Trần Văn Thanh và Trần Công Mậu là rất đáng tiếc. Lẽ ra, trước đây, phía ngân hàng phải trả lời dứt khoát bằng văn bản để ngư dân liên hệ với ngân hàng thương mại khác thương thảo, ký hợp đồng vay vốn đóng tàu. “Đến thời điểm này, mới chỉ có BIDV Quảng Nam và Agribank Quảng Nam là thực sự vào cuộc với Nghị định 89. Việc “ngâm” hồ sơ vay vốn từ phía các ngân hàng thương mại của ngư dân vẫn còn xảy ra” - ông Tấn nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT