Bến cá An Lương quá tải

XUÂN KHÁNH 11/04/2016 09:25

Ngay sau khi cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển 129 được khánh thành và đưa vào sử dụng, bến cá An Lương ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) đã nhanh chóng được hưởng lợi, nhưng thường xuyên trong tình trạng quá tải.

4 giờ sáng, từng tàu cá bắt đầu cập bến An Lương sau chuyến đánh bắt ngoài khơi. Tuy nhiên, khoảng từ 5 đến 6 giờ 30 phút mới là thời điểm tàu cá ra vào tấp nập nhất. “Trước đây chủ yếu chỉ có tàu cá của ngư dân xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và Cẩm Thanh (TP.Hội An) cập bến cá này. Từ ngày cầu Cửa Đại và tuyến đường 129 được đưa vào sử dụng, đã tạo nhiều thuận lợi trong khâu vận chuyển nên có thêm các đầu nậu từ nơi khác đến thu mua… Do đó tàu cá ở các nơi khác cũng ghé bến như Bình Minh, Bình Dương (huyện Thăng Bình)” - ông Lê Văn Hiệp, 82 tuổi, nhà ở gần bến cá An Lương cho biết.

Nhiều người mua - bán cá nhỏ lẻ túa ra giành giật khi ngư dân chèo thúng chuyển cá vào bờ. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Nhiều người mua - bán cá nhỏ lẻ túa ra giành giật khi ngư dân chèo thúng chuyển cá vào bờ. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Một đầu nậu thu mua ở bến An Lương cho hay, trước đây muốn vận chuyển cá ra các địa phương phía ngoài, xe đông lạnh của họ phải chạy từ An Lương lên thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) để ra quốc lộ 1, rồi từ đó mới tiếp tục hành trình. Còn bây giờ, sau khi lấy cá, chỉ mất một ít thời gian là qua cầu Cửa Đại, rồi tiếp tục theo đường ven biển Hội An - Đà Nẵng hay lên quốc lộ 1 qua Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) để đi đến các địa phương phía ngoài. Nhờ vậy tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí xăng dầu. Cầu Cửa Đại còn giúp những người mua - bán cá nhỏ lẻ gặp nhiều thuận lợi. Bà Huỳnh Thị Thuận, 57 tuổi, ở xã Cẩm Thanh cho biết trước đây muốn đến An Lương để mua cá bà phải tự chèo đò qua, rất vất vả. “Còn bây giờ tôi chạy xe máy qua, mua cá xong, bỏ vô thùng là chở thẳng lên chợ bán. Khỏi mất công chuyển cá xuống đò, rồi chuyển cá lên xe như hồi trước. Nói chung là bây giờ đỡ nhọc hơn nhiều” - bà Thuận hồ hởi nói.

Tuy nhiên, sự tấp nập của bến cá An Lương kéo theo thách thức mà địa phương cần giải quyết. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết thời gian gần đây mỗi ngày trung bình có khoảng 30 - 40 chuyến xe đông lạnh vận chuyển cá từ An Lương đi các nơi, gấp 3 - 4 lần so với trước đây. Ở An Lương, ngoài 4 đầu nậu tại địa phương, còn có một số đầu nậu từ nơi khác đến thu mua, vận chuyển cá đi đến các tỉnh như Thừa Thiên Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… “Phần lớn xe đông lạnh đều có tải trọng từ 30 tấn trở lên, nếu di chuyển bằng các tuyến đường trong xã, sẽ dễ gây ách tắc giao thông cũng như ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân; còn di chuyển bằng tuyến đường ven bờ kè An Lương sẽ dễ gây xuống cấp cũng như gặp khó khăn trong lưu thông vì tuyến đường này hẹp. Do đó, chúng tôi mong cấp trên quan tâm đầu tư, mở rộng tuyến đường ven kè An Lương đến cầu Cửa Đại và đường 129 để thuận lợi cho việc vận chuyển cá, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển” - ông Thống bày tỏ.

Bến cá An Lương hiện chỉ có một số cầu cảng bằng gỗ mà người dân dựng lên để cho các tàu cập bán cá, nên không đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, nhiều tàu phải đậu phía ngoài và trung chuyển cá vào bờ bằng thúng chai, dẫn đến cảnh lộn xộn do người mua túa ra giành giật. Về vấn đề này, ông Thống cũng mong muốn có cầu cảng bằng bê tông để giải quyết khó khăn trên, bởi bây giờ bến cá An Lương là nơi cập của nhiều tàu cá ở rất nhiều địa phương chứ không chỉ Duy Hải, Duy Nghĩa như trước đây. Ngoài ra, một số vấn đề về môi trường từ các cơ sở sơ chế biến cá (hấp, làm nước mắm) tại An Lương cũng đang khiến chính quyền xã Duy Hải đau đầu. “Trong quy hoạch dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, ở đây sau này chỉ còn lại 2 khu dân cư, giữa 2 khu dân cư này với khu nghỉ dưỡng sẽ có một không gian tương đối rộng. Nên về lâu dài, chúng tôi nghĩ các cấp cần vào cuộc quy hoạch lại một cách hợp lý bến cá An Lương để tận dụng thế mạnh của nó. Hơn 65% dân cư ở đây là làm biển, nên khó tách họ ra khỏi biển được mà cần có hướng sắp xếp hợp lý. Hơn nữa, gần đây cũng có nhiều khách du lịch đến tham quan bến cá vào buổi sáng, cũng như thăm các lò hấp, sấy cá và cơ sở làm nước mắm, nên tôi nghĩ đó cũng là một tín hiệu tốt gắn khu này với phát triển du lịch” - ông Thống nói.

XUÂN KHÁNH

XUÂN KHÁNH