Trúng vụ hải sản gần bờ

VIỆT QUANG 05/04/2016 10:09

Vụ cá bắc khai thác hải sản gần bờ vừa khép lại. Trong vụ này, nhiều phương tiện khai thác hải sản gần bờ có được những chuyến biển bội thu.

Được mùa

Những ngày qua, đến các xã bãi ngang ven biển trên địa bản tỉnh rất dễ nhận thấy cảnh ngư dân tấp nập đưa cá vào bờ tiêu thụ. Tại bến cá xã Duy Hải (Duy Xuyên), cảnh mua bán cá trích diễn ra sôi động từ tờ mờ sớm. Đó là lúc các phương tiện sản xuất ngắn ngày của ngư dân cập bờ sau một đêm bám biển. “Cá trích nổi rộ ở ngư trường gần bờ từ tháng 10 năm trước cho đến cuối tháng 3 này. Nghề lưới cá trích không vất vả lắm nhưng phải sản xuất theo mùa. Nghề này đem lại cho ngư dân vùng bãi ngang nguồn thu nhập khá” - ông Lương Văn Chín (thôn Trung Phường, xã Duy Hải) cho biết. Ông Chín kể, cứ chập tối là phương tiện vươn khơi, sản xuất ở ngư trường cách vùng biển Cù Lao Chàm chừng 30 hải lý. Nếu trúng luồng cá thì ngư dân chỉ quăng duy nhất mẻ lưới trong chuyến biển. Sau khi vớt lưới vào phương tiện, chủ tàu sẽ chạy thẳng một mạch vào bờ và gỡ lưới, bán cá ngay tại bến.

Ngư dân được mùa cá trích và cá hố.Ảnh: V.QUANG
Ngư dân được mùa cá trích và cá hố.Ảnh: V.QUANG

Mùa này, ngư dân theo nghề câu cá hố và lưới cá hố cũng trúng đậm. Nghề này sản xuất tương đối dễ nên phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh ở cả 6 địa bàn nghề cá. Với loại hải sản này, ngư dân có thể bán tươi ngay tại bến khi cập bờ hoặc có thể phơi khô, chờ dịp bán tùy thích. Tùy vào từng cỡ cá hố lớn hay nhỏ ngư dân đánh bắt được cũng như cá có bị trầy xước hay không mà tư thương phân chia thành nhiều loại, dao động từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng với mỗi ký cá. “Dĩ nhiên là chúng tôi muốn bán cá tươi ngay sau khi cập bến vì cho thu nhập cao hơn. Nếu tư thương ép giá bán thì mình phơi khô, cũng vất vả đôi chút nhưng sẽ bán vào dịp khác nên cũng ổn định giá cả. Tôi tính trung bình mỗi chuyến biển từ đêm đến sáng phương tiện thu được khoảng 2 triệu đồng” - ngư dân Võ Phương (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) nói.

Sản xuất ổn định

Theo ông Võ Viết Hai - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải, nhìn chung các chuyến biển ngắn ngày trong vụ cá bắc của ngư dân trên địa bàn đem lại giá trị kinh tế cao. Bởi, ở vụ này thời tiết ổn định hơn mọi năm nên ngư dân thường xuyên bám biển. Trong khi đó, giá nhiên liệu lại giảm mà sản lượng hải sản cũng như đầu ra tăng so với các năm trước nên hiệu quả sản xuất cao. “Các nghề lưới cá trích, lưới cá hố, lưới rê trôi tầng đáy đều cho sản lượng cao, đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân. Đó là điều đáng mừng. Khi sản xuất ổn định, ngư dân tích lũy được nguồn vốn kha khá sẽ có điều kiện đóng mới hoặc cải hoán, nâng cấp tàu cá có công suất lớn hơn, vươn khơi xa bám biển. Đó là hướng đi chủ đạo của địa phương. Rất mong, các ngành, các cấp của tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế hỗ trợ để ngư dân tiếp cận, sản xuất hiệu quả trong thời gian đến” - ông Hai nói.

Hỗ trợ ngư dân hơn 18 tỷ đồng
Trong vụ cá bắc, Sở NN&PTNT kết hợp với Sở Tài chính tổ chức 2 đợt xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã đề xuất UBND tỉnh giải ngân hơn 18 tỷ đồng hỗ trợ (gồm hỗ trợ chi phí nhiên liệu chuyến biển, hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên và hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc tầm xa) cho ngư dân.

Trao đổi với chúng tôi, các ngư dân cho rằng, sản xuất trong vụ cá bắc phải luôn luôn theo dõi các bản tin dự báo thời tiết vì đây là mùa biển động. Thời tiết ổn định cộng với tiếp cận các bản tin về dự báo ngư trường khai thác hải sản đã giúp cho ngư dân thuận lợi sản xuất, thu được sản lượng cao. Ông Võ Tấn Thành - Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, thời gian qua, công tác thực hiện thu mẫu thống kê số liệu nghề khai thác hải sản gắn với theo dõi diễn biến nguồn lợi trên các vùng biển được triển khai đồng bộ, từ cấp tỉnh đến huyện, xã cũng như ghi chép từ thực tế vươn khơi của ngư dân. Nhờ đó, mỗi tháng, ngành thủy sản đều đưa ra các dự báo về ngư trường sản xuất có thể cho sản lượng hải sản cao, giúp ngư dân tiếp cận và chủ động sản xuất.

Theo thống kê của Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trong vụ cá bắc (từ tháng 10 năm trước đến cuối tháng 3 năm nay) đạt khoảng 20.500 tấn, trong đó, các nghề cho sản lượng cao là lưới cá trích, lưới cá hố, lưới rê tầng đáy, chụp mực và nghề câu. “Các tổ đoàn kết sản xuất trên biển được xây dựng theo quy chế cụ thể, hoạt động ngày càng nền nếp hơn đã tạo điều kiện để ngư dân tự giúp nhau trong quá trình đánh bắt hải sản, đặc biệt là trong vụ cá bắc tiềm ẩn nhiều biến động. Hoạt động hiệu quả của mô hình này cho thấy ngư dân chia sẻ ngư trường tốt hơn, giúp nhau lai dắt tàu cá tốt hơn khi không may tàu cá chết máy” - ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG