Nuôi tôm trên chân ruộng nhiễm mặn

XUÂN TRƯỜNG 29/03/2016 09:14

Nhiều hộ dân tại phường An Phú (TP.Tam Kỳ) có đất ruộng dọc theo bờ sông Bàn Thạch bị xâm nhập mặn đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả…

Ông Nguyễn Nam phấn khởi khi vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu năm 2016 đạt kết quả cao.Ảnh: X.TRƯỜNG
Ông Nguyễn Nam phấn khởi khi vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu năm 2016 đạt kết quả cao.Ảnh: X.TRƯỜNG

Trong những ngày giữa tháng ba năm nay, ông Nguyễn Nam (khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) vô cùng phấn khởi khi vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu năm được thắng lợi. Vụ này ông Nam thả 500 nghìn con giống trên tổng diện tích 1,5ha mặt nước. Sau 3 tháng nuôi, đến nay ông đã xuất bán hơn 5 tấn tôm thịt. Với giá 165 nghìn đồng/kg tôm hiện nay, ông thu hơn 800 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi được gần 400 triệu đồng.

Theo ông Nam, diện tích đất nuôi tôm của ông trước đây là những chân ruộng bị xâm nhập mặn bởi nước sông Bàn Thạch, lại không chủ động được nước ngọt nên cả năm chỉ làm một vụ lúa nhưng năng suất cũng bấp bênh. Có năm ruộng của ông bị xâm nhập mặn nặng đến nỗi không sản xuất được. Không chịu bỏ đất hoang, từ năm 2006, ông đã mạnh dạn đào ao trên toàn bộ diện tích ruộng nhiễm mặn để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng khó khăn là khi chuyển qua nuôi tôm thì độ mặn của nước sông lại không đủ để con tôm sinh trưởng. Do vậy, ông Nam quyết định đào thêm các giếng nước gần bờ sông để tận dụng nguồn nước nhiễm mặn trong các mạch ngầm nuôi tôm. “Cái khó của việc nuôi tôm ở các chân ruộng nhiễm mặn ven sông là phải nắm được thời điểm thủy triều lên cao để lấy đủ được nước mặn. Đồng thời phải tìm ra được các mạch nước ngầm nhiễm mặn trên bờ để bổ sung nước mặn cho con tôm. Làm được điều này thì nuôi tôm ở đây một năm ba đến bốn vụ cũng sẽ thành công” - ông Nam cho biết thêm.

Trong khi đó, hàng xóm của ông Nam là ông Đỗ Văn Lãnh cũng là một người nuôi tôm trên chân đất ruộng dày dạn kinh nghiệm. Ông Lãnh cho biết, trước đây gia đình ông cũng chỉ có những đám ruộng nhiễm mặn để trồng lúa. Nhưng trồng lúa không đạt hiệu quả, ông tận dụng lớp đất sét trên bề mặt ruộng để làm gạch rồi bỏ hoang. Trong 5 năm trở lại đây, ông đào thành các ao để nuôi tôm thẻ chân trắng. Với diện tích hơn 3ha mặt nước, mỗi năm ông nuôi từ 2 đến 3 vụ tôm, trung bình mỗi vụ thu lãi từ 400 đến 500 triệu đồng. “Vì điều kiện tự nhiên tại khu vực này không giống với những nơi khác nên nuôi tôm thẻ chân trắng rất khó. Nhưng nếu có được những kinh nghiệm thì sẽ nuôi được và năng suất rất cao. Do vậy mà anh em nuôi tôm chúng tôi đã thành lập một tổ đoàn kết với hơn 10 thành viên. Ai có những kinh nghiệm nuôi tôm quý giá đều truyền đạt cho nhau” - ông Lãnh chia sẻ.

Ông Ngô Văn Tùng - Phó Trưởng ban Kinh tế phường An Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Toàn phường có hơn 80ha đất lúa bị nhiễm mặn sản xuất không hiệu quả. Ngoài việc chuyển đổi sang các loại cây trồng chịu mặn cao thì người dân ở 2 khối phố Phú Sơn và Phú Ân cũng đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng từ nhiều năm nay với diện tích gần 20ha. Qua đánh giá hàng năm, chúng tôi thấy mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu nhân rộng ở các chân ruộng nhiễm mặn khác trên địa bàn phường”.

XUÂN TRƯỜNG

XUÂN TRƯỜNG