Hiện đại hóa nghề cá: Bắt đầu từ nhân lực - Bài 1: Thiếu lao động
Đã vào mùa sản xuất chính trong năm nhưng hiện vẫn còn nhiều phương tiện nằm bờ vì thiếu lao động, thậm chí nhiều ngư dân dự tính sẽ bán tàu vì không có người sản xuất.
Bán tàu vì thiếu lao động
Ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) sở hữu 2 phương tiện QNa-91594 và QNa-91819, là một trong những chủ tàu xuất bến tương đối trễ. Mặc dù đã chạy đôn cháy đáo gọi mời bạn biển tham gia đánh bắt hải sản ngay từ thời điểm giáp tết âm lịch nhưng phải đến đầu tháng 3 dương lịch này phương tiện của ông Bẹn mới có thể vươn khơi. Ông chia sẻ, mỗi chuyến biển của một tàu cá sản xuất cần đến 15 người đi “bạn” nhưng ở chuyến mở hàng này, mỗi tàu cá của gia đình ra khơi chỉ với 10 lao động. Do năm qua đội tàu của ông không thu được hiệu quả kinh tế cao nên nhiều bạn biển đã chuyển sang tàu khác sản xuất. Ông Bẹn lo chuyến biển khởi đầu này không đủ lao động thì mỗi thành viên trên tàu sẽ vất vả hơn trong quá trình đánh bắt. Mọi sinh hoạt trên tàu sẽ phải sắp xếp lại, các thuyền viên sẽ phải kiêm thêm nhiệm vụ mới.
Tàu cá Qna-93861 của ngư dân Cao Văn Quang. |
Ông Bẹn không đủ lao động nhưng vẫn có thể ra khơi, còn gia đình ông Trần Văn Tin (người cùng thôn) thì phải cho tàu nằm bờ vì mấy năm qua làm ăn thua lỗ, bạn biển bỏ tàu. Là chủ tàu nhưng hiện ông Tin phải đi “bạn” cho một tàu khác, ông dự định phải bán tàu của mình vì nếu nằm bờ lâu ngày tàu sẽ xuống cấp. Cùng chung tình cảnh này có ông Mai Thanh Hạnh (thôn Sâm Linh Tây), là chủ tàu cá QNa-91648 có công suất 410CV. Không thể để tàu nằm bờ trong một thời gian dài, ông Hạnh buộc bán phương tiện vào thời điểm vụ sản xuất chính bắt đầu. Theo ông Hạnh, bán tàu vào thời điểm này là phù hợp nhất vì ngư dân có nhu cầu mua để kịp thời sản xuất. Đã bán tàu nhưng không thể chịu cảnh ở không ngồi rồi, các gia đình ông Hạnh, ông Tin đã phải đi làm bạn biển cho chủ phương tiện khai thác khác. Họ tâm niệm rằng, sẽ huy động thêm vốn, tiếp cận vốn vay ưu đãi để đóng tàu lớn theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Con tàu hiện đại sẽ giúp họ vươn khơi hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thiếu lao động đã trở thành nỗi lo của nhiều ngư dân xã Tam Quang. Theo ông Huỳnh Văn Định - cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Quang, mấy năm nay sản lượng đánh bắt của nhiều phương tiện ở địa phương sụt giảm, đầu ra hải sản lại không ổn định khiến nhiều ngư dân chuyển nghề hoặc thay đổi phương tiện nên nguồn nhân lực không ổn định.
Nghề biển ở Hội An ngày càng giảm sút. |
Tìm hướng đầu tư phương tiện
Phường Cửa Đại là địa bàn trọng điểm nghề cá của TP.Hội An, nhưng những ngày này thì nhiều phương tiện chưa thể ra khơi vì thiếu lao động. Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Phạm Văn Trung ở khối phố Phước Hải, chủ tàu cá QNa-92106 có công suất 250CV theo nghề câu cá hố cho biết, tình trạng thiếu lao động diễn ra ngày một gay gắt hơn khiến quá trình sản xuất trên biển của gia đình ngày một khó khăn. Nếu như trước đây, gia đình có thể tổ chức được hơn 30 chuyến câu cá hố thì trong năm 2015 chỉ có thể bám biển được gần 20 chuyến với thời gian 8 ngày/chuyến. Trước đây, mỗi lần ra khơi, trên tàu có 10 lao động thì nay chỉ “gom” được 7 - 8 lao động là gia đình cũng phải nhổ neo vươn khơi. “Phải vất vả và nhờ vào nhiều mối quen biết, phải đến nhiều địa bàn trên toàn tỉnh mời mọc mãi mới có được lao động để đi câu cá hố. Thậm chí, có khi chúng tôi phải mời người chưa đi biển bao giờ để cùng tham gia sản xuất. Nghề biển ở Cửa Đại xuống dốc so với nhiều năm trước đây” - ông Trung nói. Theo phân tích của ông Trung, nghề biển suy yếu do giá trị kinh tế thu được không còn cao như trước.
Thiếu lao động đã trở thành nỗi lo của nhiều ngư dân xã Tam Quang. Theo ông Huỳnh Văn Định - cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Quang, mấy năm nay sản lượng đánh bắt của nhiều phương tiện ở địa phương sụt giảm, đầu ra hải sản lại không ổn định khiến nhiều ngư dân chuyển nghề hoặc thay đổi phương tiện nên nguồn nhân lực không ổn định. |
Ngư dân Cao Văn Quang ở khối phố Phước Thịnh (phường Cửa Đại) là chủ tàu cá QNa-93861 có công suất 250CV làm nghề câu cá hố. Anh Quang kể, số chuyến biển của phương tiện giảm hẳn trong vài năm nay. Lý do cũng vì thu nhập thấp nên ngư dân không mấy mặn mà gắn bó, không đủ “bạn” thì không thể ra khơi. “Nếu câu đạt trong thời gian gần 10 ngày thì mỗi bạn biển thu được vài triệu đồng. Vậy nhưng thời gian gần đây, chúng tôi rất khó câu được cá hố với sản lượng lớn. Hiệu quả thu được không cao đã khiến bạn biển từ chối đầu quân” - anh Quang nói. Để vượt qua khó khăn, anh Quang liên hệ với Phòng Kinh tế TP.Hội An, đề xuất tiếp cận Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để vay vốn ưu đãi đóng tàu lớn vươn khơi. Đến thời điểm này, anh Quang đã tiếp cận Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP.Hội An để vay vốn đóng tàu. Qua trao đổi, 2 bên thống nhất giá trị con tàu đóng mới hành nghề lưới vây là 7,9 tỷ đồng. Phía ngân hàng thỏa thuận cho gia đình anh vay 4,4 tỷ đồng, 3,5 tỷ đồng còn lại, gia đình anh phải tự huy động để làm vốn đối ứng. “Theo Nghị định 89 thì chúng tôi được vay 70% giá trị con tàu là hơn 5 tỷ đồng nên vốn đối ứng huy động chưa đến 3 tỷ đồng. Bây giờ ngân hàng chỉ thỏa thuận cho vay 4,4 tỷ đồng, chúng tôi cầu cứu ngành thủy sản Hội An mà chưa được trợ giúp. Mong chính quyền thành phố vào cuộc tháo gỡ khó khăn, giúp chúng tôi tiếp cận đúng chính sách, đóng tàu lớn, giải quyết khó khăn” - anh Quang nói.
Ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, sản lượng hải sản đánh bắt được của ngư dân trên địa bàn giảm dần trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2012, sản lượng đạt gần 4 nghìn tấn, năm 2013 đạt 3.500 tấn, đến năm 2014 đạt gần 3.500 tấn thì ở năm 2015 chỉ còn khoảng 2.800 tấn. Ông Sỹ phân tích, lao động nghề biển của địa phương ngày càng giảm xuống. Hơn nữa, lao động trong nghề ngày càng già đi, ít năng động hơn; trong khi đó người trẻ không gắn bó với nghề. “Cơ cấu kinh tế của phường ngày một chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành du lịch và dịch vụ, giảm dần ngành khai thác hải sản. Tuy nhiên, dù gì đi chăng nữa, nghề biển vẫn là thế mạnh của địa phương nên chúng tôi cố gắng giúp ngư dân tiếp cận được các cơ chế, chính sách để phát triển nghề cá theo hướng bền vững” - ông Sỹ nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT
Bài 2: Khó xoay chuyển…