Mở biển đầu năm
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngư dân trên địa bàn tỉnh lại khấp khởi ra khơi, kỳ vọng vụ mùa bội thu. Từ đầu năm 2016 này, ngành thủy sản đang triển khai công tác quy hoạch lại nghề cá, hướng đến sản xuất bền vững theo chủ trương hiện đại hóa của tỉnh.
Ngư dân Quảng Nam đã đóng tàu vỏ thép để vươn khơi. Ảnh: Nguyễn Quang Việt |
Ra khơi đầu xuân
Sáng mùng 6 tháng Giêng, ngư dân trên địa bàn thôn An Hải Tây (xã Tam Quang, Núi Thành) tập trung về khu vực lăng Ông để cùng nhau tổ chức lễ hội cầu ngư, mong thần Nam Hải độ trì, giúp cho năm bám biển thành công. Các nghi thức thờ cúng diễn ra thiêng liêng, thể hiện đầy ắp niềm tin trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa. Ngư dân Bùi Ngọc Dũng, chủ tàu cá QNa-91297 cho hay, năm nay nhiều chủ tàu quyết định ra khơi sớm. Xong buổi tế lễ này là ngư dân nhổ neo, vươn khơi, bám biển Hoàng Sa. “Đầu xuân, biển hay ban phát tài lộc. Các loài cá nổi như cá nục, cá ngừ hay xuất hiện đầu năm là đối tượng đánh bắt chính của chúng tôi. Mình đi chuyến mở biển được mùa thì sẽ yên tâm năm sản xuất đạt ước nguyện” - anh Dũng chia sẻ. Đến trưa, lúc đúng ngọ được xem là giờ tốt, nhiều tàu cá của ngư dân thôn An Hải Tây nổ máy vươn khơi.
Ông Trần Văn Kỳ, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải (Núi Thành) cho biết, thông thường thì đến sau lễ cúng chính diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch thì ngư dân mới ra khơi. Năm nay ngư dân ra khơi sớm vì thời điểm này thời tiết thuận lợi. Vả lại, sau nhiều biến cố, rủi ro của năm bám biển thất thu vừa qua, ngư dân cũng bắt đầu thay đổi quan niệm, đi biển sớm thì thu được “lộc” sớm. Đầu xuôi thì đuôi lọt, nên ngư dân đặt nhiều hy vọng vào chuyến biển mở hàng này. Mùng 6 cũng là ngày khởi hành của ngư dân xã Duy Vinh (Duy Xuyên). Ông Trần Đậu - chủ tàu cá QNa-92933 ở thôn Trà Đông cho biết, mùa biển đã chính thức bắt đầu. Đội lưới quét C10 của ngư dân đang xuất bến, ra biển. Ngư dân rất kỳ vọng về thành công của nghề lưới rê hỗn hợp vốn làm ăn phát đạt trong nhiều năm qua.
Ngư dân Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) là chủ 3 phương tiện QNa-90208, QNa-90207 và QNa-90406 đều có công suất 180CV gọi điện cho tôi từ giữa trưa ngày mùng 6 Tết. “Có về được không, làng biển vui vầy lắm, đang hội đua ghe sau lễ cầu ngư, bà con ngư dân chuẩn bị xuất bến, vươn khơi bám biển sau cuộc vui này. Đến để nghe bạn biển chúng tôi chia sẻ về mong mỏi trong chuyến biển khởi hành này”. Anh Tăng kể, năm vừa rồi tàu cá bị chìm trong bão số 3 thiệt hại đến mấy trăm triệu đồng. Vậy nhưng sau cái rủi có cái may, những chuyến biển sau đó ở ngư trường Cồn Cỏ (Quảng Trị) đều được mùa, hải sản được giá. Gia đình thu lãi được 800 triệu đồng, đủ để sửa chữa lại con tàu QNa-90208 bị chìm trước đó để tiếp tục sản xuất trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết.
Phát triển bền vững
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tổng sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong năm 2015 đạt hơn 70 nghìn tấn, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên lợi nhuận thu được của ngư dân không cao, do “điệp khúc” được mùa mất giá, đầu ra sản phẩm luôn bị đầu nậu o ép. Mặt khác, hậu cần nghề cá của tỉnh vẫn chưa xứng tầm, các dịch vụ phụ trợ như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ, nước đá và cả thu mua, bảo quản, cung ứng hải sản đều có chi phí tăng cao khiến giá trị giảm đi rất rõ. Thực tế đó đòi hỏi phải quy hoạch lại nghề cá, hướng đến phát triển theo chiều sâu, bền vững. “Quảng Nam đang từng bước hiện đại hóa nghề cá, đưa khai thác hải sản phát triển thành một ngành kinh tế mạnh của tỉnh, cơ bản được công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở hiệu quả, bền vững, hòa nhập với sự phát triển của cả nước, khu vực và quốc tế. Nghề cá của tỉnh phải đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, uy tín, có khả năng cạnh tranh cao, phát triển bền vững” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
Theo ông Ngô Tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân của nghề khai thác hải sản Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là 2,5%/năm. Cơ cấu sản lượng khai thác đến năm 2020 bao gồm cá chiếm 67,5% tổng sản lượng, tôm và mực chiếm 22,5%, còn lại 10% là của các loài hải sản khác. Tỉnh đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các đối tượng khai thác có giá trị kinh tế cao như mực, cá ngừ, cá thu... Để thực hiện điều đó, tỉnh chú trọng giảm số lượng tàu thuyền hoạt động ven bờ, tăng số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ, đặc biệt là tàu vỏ thép. Quảng Nam khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp và cải hoán khoảng 248 tàu cá công suất trên 90CV, giảm nhóm tàu có công suất dưới 20CV còn khoảng 2.400 chiếc, nhóm tàu 20 - 50CV giảm xuống còn 580 chiếc, nhóm tàu 50 - 90CV giảm xuống còn 120 chiếc.
Trên cơ sở các cơ chế hỗ trợ của Trung ương, Quảng Nam khuyến khích ngư dân thực hiện mô hình đội tàu khai thác gắn với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là sơ chế sản phẩm ngay trên tàu để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm, giữ chất lượng sản phẩm tốt hơn sau khai thác. Các cơ chế hỗ trợ để thí điểm thành lập mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ đang được quan tâm. Qua đó, sẽ từng bước giao quyền quản lý mặt nước vùng biển ven bờ cho ngư dân địa phương dưới sự giám sát của Nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
NGUYỄN QUANG VIỆT