Truyền thống bám biển Trường Sa
Tiếp nối truyền thống bám biển, đội tàu của anh em nhà họ Lương ở xã Tam Giang (Núi Thành) vẫn ngày đêm hiện hữu ở quần đảo Trường Sa, sản xuất đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Gắn bó với Trường Sa
Đến xã Tam Giang, hỏi về nghề biển, nhiều người trầm trồ thán phục truyền thống bám biển của gia đình họ Lương vì đã khai sinh ra nghề câu mực khơi, quanh năm bám biển Trường Sa. Người khởi thủy của nghề câu mực khơi đang phát triển rầm rộ vào thời điểm này ở xã Tam Giang là cụ ông Lương Tiền (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang). Cụ Tiền nói: “Nghề này bắt đầu từ những năm 1990. Trước đó, ngư dân Tam Giang chủ yếu đánh bắt hải sản bằng nghề lưới cá chuồn, giống như lưới vây bây chừ. Lưới cá chuồn chỉ sản xuất được từ đầu năm đến cuối tháng 6 âm lịch. Sau thời gian đó thì dù có miệt mài đến thế nào cũng khó thu được sản lượng lớn, nên ai cũng muốn tìm nghề thay thế sau quãng cuối tháng 6”.
Trăn trở mãi, cụ Tiền thử nghiệm câu mực khơi. Loài mực khơi rất ham ăn mà lại xuất hiện nhiều trên biển độ giữa năm về cuối. Thấy sản xuất khả quan, cụ Tiền hô hào mọi người chung lưng đấu cật khai thác nghề này lúc cập kề mùa biển động. Dần dà, nghề phát triển, ngư dân vượt qua nhiều thử thách và hình thành đội tàu khai thác với quy mô lớn. “Sau khi bán con tàu đi biển trước đó cộng thêm nguồn vốn vay mượn thêm, tôi đã đóng mới và hạ thủy con tàu QNa-0902 có công suất 55CV, đưa vào khai thác câu mực khơi với mỗi chuyến biển gần 2 tháng trời với gần 25 lao động hồi tháng 2.1990. Chừ thì đội tàu của con cháu đã tăng lên 900CV rồi” - cụ Tiền nhớ lại. Ngư dân xã Tam Giang đã bám biển Trường Sa từ ngày đó.
Cụ Lương Tiền vẫn hay ghé thăm cảng cá An Hòa để thấy mình gắn bó, gần gũi với nghề câu mực khơi ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: N.Q.V |
Năm nay đã bước qua tuổi thất thập, cụ Tiền không đủ sức để câu mực dài ngày. Nhiều khi nhớ biển quá, cụ Tiền mong mỏi lại được đến Trường Sa nhưng con cháu cứ lấy cớ lần lữa mãi nên cụ đành thôi. “Nhớ nghiệp biển, nhiều khi cũng dạo quanh cảng cá An Hòa, nhìn ngó ngư dân câu mực ra khơi. Chỉ vậy thôi cũng nguôi ngoai vì mình đã gửi gắm cả nghiệp câu mực khơi cho thế hệ sau rồi” - cụ Tiền chia sẻ. Người đàn ông gầy dựng nên nghề câu mực khơi ở xã biển Tam Giang có con trai là Lương Tới, chủ tàu câu mực QNa-90037 hiện là “kình ngư” của biển Trường Sa. Cụ Tiền đang trao lại cơ nghiệp cho con trai cả của mình từ hơn 15 năm nay. “Tôi sinh ra từ làng biển. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống bám biển, ngay từ nhỏ, mấy anh em tôi đã theo cha xuống tàu phụ giúp vài ba công việc rồi cũng vươn khơi cùng sóng gió đại dương. Tôi gắn bó với biển tự nhiên như thế, không dứt ra được, chừ thì hễ xa biển vài ngày là đã bất an, day dứt trong lòng rồi” - ngư dân Lương Tới nói. Người con thứ của cụ Tiền là Lương Trước cũng kinh qua nghề biển bằng câu mực dài ngày ở Trường Sa.
Góp sức bảo vệ biển đảo
Dòng họ Lương bám biển Trường Sa đến thời điểm này kể không xiết. Như Lương Văn Cam, Lương Tấn Xị, Lương Văn Viên. Theo thời gian, dòng họ Lương có nhiều người theo nghề biển và hiện phân bố ở nhiều thôn thuộc xã Tam Giang như Đông Mỹ, Đông Xuân, Đông Bình, Đông An, Thuận An. Ngư dân Lương Văn Viên (chủ tàu QNa-90029 có công suất 900CV) kể, thời gian gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy Trung Quốc ngày một cơi nới, xây dựng trái phép nhiều hơn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của nước ta. “Trung Quốc xây hải đăng, xây cầu cảng, sân bay, xây bãi ngầm thành đảo nhân tạo. Ngư dân chúng ta sản xuất trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà họ cũng truy đuổi trái phép. Những lúc như vậy, chúng tôi tạm thời trú vào Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, chờ họ đi qua rồi sản xuất tiếp” - anh Viên nói. Từ xa nhìn thấy, ngư dân cho biết, các công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc đang tạo ra những khu vực rộng lớn từ các bãi san hô. Hàng hàng khối đất cát được đưa đến để cải tạo bãi san hô và xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng.
Đội tàu câu mực khơi ở Trường Sa của dòng họ Lương ngày một đông đảo hơn. Họ đoàn kết lại như hạm đội để sản xuất trong điều kiện gặp khó thường xuyên bởi thời tiết biến động cũng như tàu nước ngoài ngang ngược xua đuổi. Niềm vui lớn nhất của họ là được “cưỡi sóng vươn khơi”, quyết tâm bám biển đi đôi với giữ gìn phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Trong lẽ sống của những ngư dân này, họ tâm niệm đảo là nhà, biển cả là quê hương. Những Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn vẫn ngày đêm che chở cho họ khi trắc trở trên biển. Gạc Ma dù bị Trung Quốc chiếm đóng, cơi nới, xây dựng trái phép hàng chục năm qua nhưng hễ nhìn thấy, trong họ lại sống dậy những tượng đài uy nghiêm đấu tranh, bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. “Hiện tại, ở Trường Sa đã có âu thuyền để tàu cá neo trú khi hiểm nguy. Ở đó có khu hậu cần thu mua hải sản của ngư dân. Khi đến đó, ngư dân được cung cấp nước ngọt miễn phí, đọc sách báo tìm hiểu, giải trí và cung ứng nhiên liệu đầy đủ để lại bám biển. Dù lớn hay nhỏ, ít hay nhiều, bằng cách này hay cách khác, chúng tôi muốn góp sức mình, giữ gìn biển đảo oai nghiêm. Con cháu chúng tôi cũng vậy, yêu biển và thiết tha sinh tồn nơi biển đảo xa xôi” - ngư dân Lương Văn Viên nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT