Khó kiểm soát nghề lưới kéo

NGUYỄN QUANG VIỆT 30/12/2015 09:23

Định hướng giảm thiểu hoạt động của nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh đang vấp phải nhiều trở ngại, ở cả góc độ không cấp phép cho tàu cá được đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp để hành nghề lưới kéo lẫn chuyển nghề lưới kéo sang nghề khai thác khác.

Tàu cá Qna - 905... được cấp giấy phép hành nghề lưới rê nhưng thực chất lại sản xuất bằng nghề lưới kéo. Ảnh: Q.V
Tàu cá Qna - 905... được cấp giấy phép hành nghề lưới rê nhưng thực chất lại sản xuất bằng nghề lưới kéo. Ảnh: Q.V

Nghề lưới kéo tận diệt hải sản, kể cả san hô, được ví như “hung thần” trên biển bởi hoạt động theo phương thức “lọc nước lấy cá”. Ngư cụ của nghề này có mắt lưới rất nhỏ nên hầu như tóm gọn các loài hải sản trong vùng quăng lưới.

Khai thác trá hình

Mới đây, Bộ NN&PTNT ký quyết định tạm dừng việc đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu cá làm nghề lưới kéo. Trước đó, với “Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh” (có hiệu lực từ ngày 20.10.2014), UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT không cấp giấy phép cho bất kỳ tàu cá nào hoạt động nghề lưới kéo. Cả quyết định và quy chế nói trên đều hướng đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không cho phát sinh thêm bất cứ phương tiện nào khai thác hải sản bằng nghề lưới kéo. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tàu cá hoạt động trong nghề lưới kéo vẫn gia tăng số lượng. “Tàu cá Qna - 901… của gia đình chúng tôi được Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cấp phép hành nghề lưới rê. Nhưng thực chất, chúng tôi dùng phương tiện này để khai thác hải sản bằng nghề lưới kéo. Biết đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo là sai và sẽ bị xử phạt khi phát hiện nhưng vùng biển mênh mông lắm, mình hoạt động lén mà chưa bị phát hiện lần nào nên vẫn khai thác tiếp” - ngư dân N.V.G. (xã Tam Tiến, Núi Thành) nói. Ông G. cho biết, chiếc tàu đang sản xuất được gia đình mua lại của ngư dân hành nghề giã cào ở tận Khánh Hòa từ hơn một năm nay. Khi làm thủ tục đăng ký lại cho phương tiện, ngành chức năng không cấp giấy phép hành nghề cho nghề lưới kéo, không biết xoay xở thế nào, ông G. đành làm giấy phép khai thác bằng nghề lưới rê.

Để qua mắt lực lượng chức năng, ông G. cho biết, mỗi lần làm thủ tục đăng kiểm trước khi xuất bến thì giấu đi ngư cụ hành nghề lưới kéo và “trưng” đầy đủ ngư lưới cụ cho nghề lưới rê được mượn từ tàu cá khác. “Mỗi lần tàu kiểm ngư tuần tra trên biển thì mình ẩn đi. Vả lại họ kiểm tra ở ngư trường ven bờ chứ ít khi ra tuyến lộng. Biết là sai, nhưng không còn cách nào khác. Tàu đã mua rồi thì phải sản xuất. Mà ngoài nghề lưới kéo, gia đình tôi không biết hình thức khai thác nào khác” - ông G. cho hay. Ông Giám cho biết, tàu cá Qna - 901… đang hành nghề lưới kéo đôi cùng với tàu QNa - 905…, cả hai tàu cá đều có công suất 260CV. Theo tìm hiểu, tàu cá Qna - 905… do ngư dân N.M.T. (xã Tam Tiến, Núi Thành) làm chủ cũng được mua lại từ địa phương khác. Do không được cấp phép khai thác bằng nghề lưới kéo nên ông T. cũng đăng ký tàu cá hoạt động bằng nghề lưới rê.

Khó chuyển nghề

Theo kế hoạch tái cơ cấu các nghề khai thác hải sản của Sở NN&PTNT được UBND tỉnh thông qua hồi tháng 5.2014, đến năm 2020 nghề lưới kéo sẽ được giảm từ 9% (202 phương tiện) xuống còn 5%. Để thực hiện điều này, một mặt ngành thủy sản không cấp giấy phép cho phương tiện được đóng mới hay cải hoán để hoạt động nghề lưới kéo, mặt khác khuyến khích chuyển nghề lưới kéo qua nghề mới. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, đến thời điểm này, số phương tiện tham gia nghề lưới kéo vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Nguyên nhân chủ yếu là ngư dân không đủ lực để chuyển từ nghề quen thuộc sang nghề mới. Như chia sẻ của ông G., nếu bây giờ gia đình chuyển sang nghề chụp mực thì phải cần khoảng 300 triệu đồng để cải hoán tàu cá và sắm sửa ngư lưới cụ; điều này vượt quá khả năng huy động vốn của gia đình. “Tôi có nghe nói Nhà nước hỗ trợ lãi suất khi ngư dân vay vốn để chuyển từ nghề lưới kéo sang các nghề mới phù hợp việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, khi đến UBND xã hỏi thì được trả lời chưa có. Bởi vậy, gia đình rất mong có cơ chế hỗ trợ để ngư dân được tiếp cận, qua đó chuyển nghề sản xuất mới” - ông G. nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có 77 tàu cá hoạt động bằng nghề lưới kéo, trong đó có 15 cặp tàu lưới kéo đôi và 47 phương tiện hành nghề lưới kéo đơn. Trong vòng 2 năm qua không có phương tiện hành nghề giã cào nào được chuyển nghề. Lý do là ngư dân không đủ vốn để đầu tư, chuyển sang nghề khai thác hải sản mới. Trong khi đó, nghề lưới kéo đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao trong mỗi chuyến biển của ngư dân nhờ cào được mọi đối tượng hải sản. “Chủ trương là đúng đắn vì bảo vệ nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, chỉ khi nào nhà nước có hỗ trợ thiết thực, ngư dân mới chuyển sang nghề khác từ nghề lưới kéo được” - ông Luận nói. Về điều này, ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, đến thời điểm này, Quảng Nam chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính để ngư dân theo nghề lưới kéo có thể tiếp cận mà chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn đang có cơ chế hỗ trợ từ Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản cũng như Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam giúp ngư dân đóng tàu lớn, hoạt động xa bờ. Các chủ tàu theo nghề lưới kéo có thể dựa vào đó để tiếp cận, chuyển đổi nghề. Vấn đề là đến nay chưa có chủ tàu nào theo nghề lưới kéo thực hiện được, bởi vốn đối ứng lên đến hàng tỷ đồng. Bởi vậy, con số 202 tàu cá theo nghề lưới kéo ở thời điểm này không những vẫn “giẫm chân tại chỗ” mà còn phát sinh tình trạng sản xuất trá hình.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT