Vì những chuyến ra khơi an toàn
Nhiều phần quà giàu ý nghĩa từ Quỹ tấm lòng vàng vừa được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tặng cho các ngư dân có phương tiện gặp nạn trên biển thời gian qua.
Chia sẻ
Ngư dân Nguyễn Thành Tiến (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) là một trong 7 ngư dân vừa được LĐLĐ tỉnh tặng quà. “Rất cảm ơn tấm lòng quý báu đã động viên chia sẻ khi ngư dân không may gặp nạn. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn để hạn chế những tai nạn trên biển trong thời gian đến” - ông Tiến nói. Tàu cá QNa 91027 có công suất 420CV của gia đình ông Tiến, bám biển bằng nghề lưới vây trong gần 10 năm qua. Phương tiện đã không may chết máy khi đang trên đường cấp tốc từ quần đảo Hoàng Sa trở về đất liền.
Nhiều ngư dân đã phải điêu đứng khi tàu cá gặp nạn. Ví như trường hợp của ông Huỳnh Văn Trí và Nguyễn Thanh (cùng ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành), đồng chủ tàu QNa 90947, giá trị gần 5 tỷ đồng, đã bị cháy tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang) hồi đầu tháng 3 vừa qua. Ông Trí và ông Thanh đã nhận phần quà có giá trị 70 triệu đồng. “Chúng tôi cũng vơi bớt buồn khi được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của các đoàn thể, ban ngành trên địa bàn tỉnh, huyện.” - ông Trí chia sẻ. Chung niềm mất mát lớn như gia đình ông Trí có ông Nguyễn Văn Thân (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành). Được nhận phần quà có giá trị 50 triệu đồng không khiến ông Thân nguôi ngoai tiếc nuối. “Hồi tháng 6 vừa qua, tôi ký hợp đồng với Công ty Thép Trường Thành ở xã Tam Quang để sửa chữa, nâng cấp lại con tàu QNa 91918 có công suất 680CV. Khi đang nằm ngủ ở mũi tàu, bỗng nhiên thấy lửa bốc cháy dữ dội tại ca bin và hầm máy nên hô hoán mọi người đến cứu. Lực lượng cứu hỏa đã dập tắt được ngọn lửa tuy nhiên con tàu đã bị thiêu rụi. Thiệt hại 3 tỷ đồng là mất mát lớn, chúng tôi không biết phải dành dụm đến bao lâu mới trả được nhiều khoản nợ vay để đóng con tàu trước đây”.
Kiểm tra tàu cá, đảm bảo hoạt động tốt trước lúc ra khơi. Ảnh: N.Q.V |
Ngoài những nguyên do bất khả kháng thì nhiều tai nạn xảy đến vì sự chủ quan của các chủ tàu. Một bộ phận ngư dân đã không được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như thiết bị, phương tiện an toàn hàng hải lúc gặp nạn. Công tác tuyên truyền trong ngư dân trong thời gian qua vẫn còn hạn chế.
Chủ động trong sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Núi Thành, tai nạn xảy đến với các tàu cá trên địa bàn huyện trong thời gian qua rất đáng tiếc. Khi vụ việc xảy đến, ngành lao động của huyện liền tập hợp thông tin, gửi thông báo đến cấp trên, đề xuất các hỗ trợ về vật chất và tinh thần, động viên kịp thời ngư dân gặp nạn. Về lâu dài, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân định kỳ sửa chữa máy móc trên tàu cá cũng như đầu tư, bổ sung đầy đủ trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên biển. Điều quan trọng là ngư dân không được chủ quan cho tàu cá tiếp tục sản xuất khi thời tiết có dấu hiệu thất thường. Ngành thủy sản, các cấp chính quyền cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn xử lý kịp thời những trường hợp ngư dân vi phạm về đăng ký, đăng kiểm tàu cá.
Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, điều đáng mừng là các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển hình thành và lớn mạnh thêm trên địa bàn tỉnh. Khi gặp các tình huống xấu lúc sản xuất trên các vùng biển xa, chính ngư dân trong các tổ, đội đoàn kết đã nương tựa, chung sức, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua hiểm nguy. “Việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết đăng ký, đăng kiểm cho tàu cá của ngư dân được chúng tôi thực hiện đều đặn các ngày tại văn phòng. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức thêm 2 điểm giải quyết vấn đề này tại Kỳ Hà vào ngày thứ Năm của tuần thứ 3 và phường Cửa Đại, TP.Hội An vào ngày thứ Ba của tuần đầu tháng. Vì thế, ngư dân cần thực hiện đầy đủ đăng kiểm trước lúc ra khơi để đảm bảo tàu cá hoạt động tốt” - ông Giỏi nói.
Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong thời gian đến, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ khốc liệt hơn, gây nên nhiều tác động xấu đối với các hoạt động sản xuất trên biển. Bởi vậy, trước những diễn biến thời tiết khó lường, hơn ai hết chính ngư dân là người cần chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai. “Ngư dân cần phải khai báo đúng việc đăng ký số hiệu liên lạc, tần số của tàu cá với chính quyền địa phương, đồn biên phòng để được liên lạc, kêu gọi vào bờ khi có tình huống xấu. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới phải chủ động báo cho các cơ quan chức năng biết vị trí, tọa độ tàu đang khai thác đồng thời thực hiện đúng theo các hướng dẫn của ngành chức năng” - ông Tấn nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT