Khó triển khai chính sách phát triển thủy sản
Sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), TP.Hội An mới chỉ có 1 tàu cá đang được đóng mới.
Tính từ thời điểm ngày 25.8.2014, khi Nghị định 67 có hiệu lực, TP.Hội An được UBND tỉnh phân bổ 10 chỉ tiêu đóng mới tàu cá. Trong số đó, có 8 tàu vỏ gỗ khai thác hải sản xa bờ, 1 tàu vỏ thép khai thác hải sản và 1 tàu vỏ thép thực hiện hậu cần trên biển. Tuy nhiên, thực tế triển khai nghị định lại cho thấy chỉ có 6 hồ sơ của ngư dân đăng ký đóng mới 1 tàu vỏ thép và 5 tàu vỏ gỗ, Hội An phải trả lại cho tỉnh 4 chỉ tiêu. Đến thời điểm này, chỉ có duy nhất ngư dân Nguyễn Đình Châu ở phường Cẩm Nam đang đóng mới tàu vỏ thép ở TP.Hồ Chí Minh, 5 hồ sơ đóng mới tàu cá còn lại vẫn ì ạch, chưa được triển khai. Ông Lê Đình Tường, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết: “Nghị định 67 được thực hiện sẽ tạo nên diện mạo mới cho nghề cá của thành phố. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy ngư dân không mặn mà tham gia vì có quá nhiều vướng mắc. Vào thời điểm này, dù đã chạy đôn chạy đáo hoàn thành thiết kế, tốn nhiều công sức và tiền của nhưng nhiều ngư dân vẫn chưa được ngân hàng thỏa thuận ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu”.
Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản sẽ giúp Quảng Nam tăng nhanh các tàu khai thác hải sản xa bờ, hạn chế phương tiện sản xuất gần bờ. |
Trong 5 dự án đóng mới tàu vỏ gỗ của Hội An, hiện có 2 hồ sơ phải điều chỉnh lại dự toán kinh phí theo yêu cầu của ngân hàng thương mại, 2 hồ sơ đang hoàn thiện thiết kế. Đáng nói nhất là trường hợp còn lại của ngư dân Huỳnh Nhớ, mặc dù đã thiết kế xong tàu cá từ nhiều tháng nay nhưng ông Nhớ không được ngân hàng thương mại nào cho vay vốn. “Gia đình tôi theo nghề cá truyền thống đã lâu đời. Khi được ngành thủy sản của tỉnh, thành phố động viên vay vốn ưu đãi để đóng mới tàu lớn, khai thác xa bờ, chúng tôi hưởng ứng. Các ngân hàng đã hứa sẽ ký hợp đồng vay vốn khi hoàn thành thiết kế tại buổi làm việc trước đây có sự hiện diện của ngành thủy sản tỉnh, lãnh đạo thành phố. Vậy nhưng đến chừ thì họ lẩn tránh khi chúng tôi đề cập. Ngành kinh tế Hội An cũng không can thiệp được gì khi chúng tôi đề nghị giúp đỡ. Vậy là mất mấy chục triệu đồng làm thiết kế, mất hơn năm trời không bám biển để chạy theo dự án…”, ông Nhớ nói. Các ông Lê Bé và Nguyễn Văn Em (đều ở thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh) lo lắng không biết chắc chắn ngân hàng có thực hiện đúng thỏa thuận giải ngân vay vốn hay không khi đang phải điều chỉnh lại dự toán kinh phí đóng tàu theo yêu cầu của các chi nhánh ngân hàng Vietinbank và Agribank tại Hội An. Thời gian bắt tay thực hiện dự án đã hơn 1 năm qua khiến cho 2 hộ này tốn quá nhiều tiền của mà lại không sản xuất được gì để ổn định đời sống.
Ông Lê Đình Tường cho biết, ngành kinh tế TP.Hội An đã làm đủ mọi cách rồi mà không thể đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đóng tàu theo nghị định. “Trong phạm vi chức trách của mình, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Sở NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam khẩn trương làm việc với các ngân hàng thương mại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, giúp ngư dân yên tâm.Vụ sản xuất chính lại sắp sửa bắt đầu mà ngư dân trên địa bàn thì chưa thể sản xuất trở lại, không biết thời gian chạy theo dự án sẽ kéo dài đến bao lâu”.
VIỆT QUANG