Nuôi thủy sản ở vùng đông: Hướng mở từ con tôm
Vùng đông Quảng Nam sở hữu đến 2.965ha diện tích nuôi thủy sản vùng triều và hơn 302ha diện tích nuôi tôm trên cát. Thời gian qua, nuôi trồng thủy sản vùng đông đem lại sản lượng hơn 10 nghìn tấn mỗi năm. Với tiềm năng đó, tìm hướng mở để khai thông lợi thế, phát triển nuôi thủy sản hiệu quả là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh dịch bệnh liên tục xảy ra. Và trong định hướng phát triển, con tôm được xác định là vật nuôi chủ lực.
ĐỐI TƯỢNG CHỦ LỰC
Đối tượng nuôi thủy sản chủ lực ở vùng đông của tỉnh là con tôm thẻ chân trắng đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao khi nông hộ đầu tư sản xuất bài bản theo hướng thâm canh, công nghiệp.
Nuôi tôm bằng hình thức lót bạt trên cát cho hiệu quả vượt trội trong thời gian qua. Ảnh: Q.VIỆT |
Nhận diện thực trạng, xác định hướng đi
Tính từ thời điểm 2008, khi con tôm sú không còn phù hợp, trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản mới như tôm thẻ chân trắng, cua, rô phi đơn tính, các loại cá chẻm, dìa, điêu hồng. Và gần 10 năm qua, các đối tượng nuôi này vẫn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy, điểm yếu khi nuôi các đối tượng này là nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì sản xuất tự phát nên đầu ra không đảm bảo, do doanh nghiệp không mua số lượng ít, siêu thị cũng “tránh” vì không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng đối tượng tôm thẻ chân trắng, diện tích nuôi ở vùng triều liên tục giảm từ năm 2008 đến nay, do điều kiện nuôi không đảm bảo dẫn đến dịch bệnh hoành hành khiến người nuôi thua lỗ. Ngược lại, các diện tích nuôi tôm trên cát lại được mở rộng hàng năm, cụ thể tăng từ 10ha năm 2008 lên 302ha ở thời điểm này. Điều gì khiến cho diện tích nuôi tôm trên cát không ngừng tăng lên? Trong khi nuôi tôm ở vùng triều chỉ dừng lại ở mức đối đa 2 vụ/năm thì nuôi trên cát có thể diễn ra quanh năm do không bị tác động bởi lũ lụt. Năng suất nuôi tôm ở vùng triều đạt 4 - 6 tấn/ha/vụ đã là thành công nhưng nhiều mô hình nuôi trên cát đạt đến 25 tấn/ha/vụ.
Định hướng nuôi tôm ở vùng đông Đến năm 2020, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ổn định ở mức 2.347,5ha; tăng diện tích nuôi tôm thâm canh bằng cách lót bạt ở các vùng triều, vùng cát ven biển lên 350ha, đến năm 2030 là 700ha. Đến năm 2020 sản lượng đạt 14.700 tấn, đến năm 2030 đạt 22.000 tấn. Đến năm 2030, diện tích nuôi tôm giữ ổn định khoảng 2.997,5ha, ngoài ra còn đầu tư phát triển nuôi thủy sản với khoảng 300 lồng nuôi cá, tôm ở biển. Trong giai đoạn này tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng nuôi và đầu tư kỹ thuật để tăng năng suất. Sản lượng nuôi kỳ vọng đạt khoảng 23.600 tấn. Đối với các diện tích ruộng lúa nhiễm mặn ven sông Trường Giang có thể chuyển đổi sang nuôi tôm. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh sẽ thực hiện chính sách dồn ô đổi thửa để hình thành các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung. |
Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam không thể loại trừ hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai. Vấn đề đặt ra là có thể nuôi thủy sản được không, ngắn hạn hay dài hạn khi hầu hết diện tích đều nằm trong quỹ đất của khu kinh tế này? Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai khẳng định, chỉ tập trung vào các dự án khả thi trong thời gian đến, do đó nuôi thủy sản ở vùng đông vẫn có thể diễn ra trong thời gian từ nay đến năm 2020, thậm chí đến năm 2030. Tại cuộc họp của UBND tỉnh với các ngành, địa phương liên quan mới đây, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng công nghiệp tiếp tục được xác định là hướng đi chủ đạo. “Có thể nhận thấy tiềm năng, lợi thế của vùng đông trong phát triển nuôi thủy sản, cần phải phát huy các ưu điểm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, trong thời gian qua, nuôi thủy sản ở đây vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm. Nguyên nhân cốt lõi nhất vẫn là hình thức tổ chức sản xuất chưa phù hợp. Cách nuôi manh mún cần phải được thay thế bằng đầu tư bài bản, khoa học, quy trình hiện đại. Hiệu quả đầu tư mang lại khi nuôi đối tượng chủ lực là tôm thẻ chân trắng sẽ tạo cú hích quan trọng để phát triển, đổi thay diện mạo vùng đông của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Thành công tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư
Thực tế nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng đông của tỉnh trong thời gian qua đã cho thấy nhiều điểm sáng. Mẫu số chung của thành công nằm ở cách đầu tư bài bản. Lấy ví dụ về mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP của ông Trần Công Thành ở thôn Hòa An, xã Tam Hòa, Núi Thành. Với quỹ đất lên đến 10ha, mỗi năm, ông Thành đã đầu tư 36 ao nuôi tôm phân bố tại 4 cơ sở, mỗi ao nuôi có diện tích 2.500m2. Trong nỗ lực vượt khó khi những vụ nuôi ban đầu thất bại, ông Thành qua Thái Lan học hỏi công nghệ nuôi tôm kiểu mới của nước bạn rồi về kết hợp với cách nuôi theo hướng VietGAP, đầu tư sản xuất với quy mô công nghiệp. Ông Thành chủ động nguồn nước trong ao nuôi tôm bằng cách sử dụng nước ngầm tại chỗ để dung hòa độ mặn của nước được lấy trực tiếp từ biển vào. Sau khi triệt để xử lý nguồn nước, tiêu diệt mầm bệnh trong ao chứa lắng, ông Thành nuôi tôm với mật độ dày, 300 con/m2. Ở các vụ nuôi vừa qua, mỗi ao gia đình ông thu trung bình 4 tấn tôm. Nhiều người khi đến tham quan mô hình nuôi tôm của ông Thành mới hiểu tại sao ông thu được hơn 5 tỷ đồng chỉ sau một vụ sản xuất.
Mô hình nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Phước An 1, xã Bình Hải, Thăng Bình) cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mới đây, ông Thọ đã đồng loạt thu hoạch 16 ao nuôi tôm (2.000m2/ao), thu tổng cộng 60 tấn tôm, bán được hơn 6 tỷ đồng, lãi hơn 2 tỷ đồng.
Thực tế nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở vùng đông của tỉnh cho thấy, thành công tỷ lệ thuận với công sức và mức độ đầu tư. Tại các mô hình nêu trên, việc đảm bảo môi trường nước trong ao nuôi tôm luôn được đảm bảo; con giống có chất lượng tốt; người nuôi luôn túc trực để kịp thời xử lý các phát sinh không tốt trong quá trình nuôi.
Theo thống kê của ngành thủy sản Quảng Nam, sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng của Quảng Nam trong năm 2014 vượt trội so với các địa phương khu vực miền Trung, đặc biệt là nuôi tôm bằng hình thức lót bạt trên cát. “Việc áp dụng các mô hình thành công từ nơi khác vào Quảng Nam đã cho thấy khoảng cách từ học hỏi đến ứng dụng không quá xa. Nuôi tôm công nghiệp hiệu quả cao lại đảm bảo không ô nhiễm môi trường thì nên được tạo điều kiện tối đa, khuyến khích nhân rộng” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh nói.
Tuy đem lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn còn nhiều hệ lụy do phát triển các vùng nuôi không đúng quy hoạch, còn nhiều bất cập. Dễ thấy nhất là hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm, quy mô nhỏ lẻ, chưa đầu tư ao chứa lắng; việc xả thải nguồn nước chưa qua xử lý khiến dịch bệnh dễ lây lan, đồng thời gây ô nhiễm môi trường…
ĐẦU TƯ TỪ GỐC
Nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển Quảng Nam phát triển khá mạnh, tuy nhiên vấn đề quy hoạch vùng nuôi mang tính chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế. Để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm là điều cần thiết.
Quy hoạch lại vùng nuôi
Không khó để nhìn nhận các điểm yếu tồn tại lâu nay của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Nam. Không chỉ ngành chức năng mà ngay cả chính quyền các địa phương ven biển cũng nhận thấy, lâu nay ao nuôi tôm không có hệ thống cấp thoát nước riêng, không có ao lắng để xử lý nguồn nước trước khi thả nuôi... dẫn đến nhiều vụ thất bát do bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp tính tấn công làm chết tôm. Điều quan trọng hơn, hạ tầng vùng nuôi sơ sài nên mỗi khi có ao xuất hiện bệnh trên tôm thì nhanh chóng lây lan thành dịch, thiệt hại rất lớn. Nhiều vùng nuôi, ao nuôi tôm ven sông bị sạt lở trong khi môi trường sông nước lợ ngày càng nhiễm bẩn nên công tác khống chế bệnh và dập dịch trên tôm nuôi không khả thi... Trước thực tế đó, các ngành, địa phương đã thảo luận hướng đến phải quy hoạch cụ thể, riêng biệt 2 vùng nuôi tôm ở khu vực vùng triều ven sông và khu vực trên cát ven biển để đầu tư chu đáo, nhằm phát triển bền vững. Ở mỗi vùng, phải tích tụ đất của các hộ để bố trí nuôi tôm tập trung.
“Không ai dám bảo mình giỏi trong việc nuôi tôm cả. Nhiều khi thành công nhờ may mắn. Nhưng chung quy, nền tảng cơ bản vẫn là đầu tư hoàn chỉnh tất cả công đoạn từ xử lý nguồn nước cho đến chọn mua được tôm giống chất lượng cao. Từ áp dụng quy trình nuôi tiên tiến theo kiểu Thái Lan cho đến luôn túc trực tại ao nuôi để đề phòng rủi ro”. (Ông Đặng Đình An - người nuôi tôm ở thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, Thăng Bình) |
Các vấn đề về cách xa khu dân cư, tránh dự án du lịch, không chồng lấn diện tích rừng phòng hộ… cũng đã được các ngành, địa phương đặt ra để thảo luận. Khi tỉnh có quy hoạch cụ thể, các địa phương ven biển căn cứ triển khai quy hoạch chi tiết các vùng nuôi. Để tạo cơ sở vững chắc cho hộ nuôi đầu tư, các địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất hoặc cho người nuôi thuê đất lâu dài. Điều các địa phương quan tâm là chuyện cấp nước cho ao nuôi, bởi các sông đã quá ô nhiễm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, tỉnh đã có chủ trương và thống nhất nạo vét sông Trường Giang, bắt đầu trong năm 2016, sông Cổ Cò cũng được nạo vét trong thời gian đến, tạo thông thoáng cho dòng chảy trên các lưu vực sông có nuôi tôm nước lợ. “Từ nguồn nước hồ Phú Ninh, tỉnh sẽ đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch dẫn về khu vực vùng đông của tỉnh. Tại đây, từ một điểm tập kết, nước sẽ được vận chuyển theo đường ống, cung cấp đầy đủ cho các vùng nuôi tôm tập trung. Nguồn nước này sẽ được dung hòa với nước biển, pha loãng độ mặn tạo ổn định cho môi trường nước nuôi tôm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Không bức hại môi trường
Ô nhiễm môi trường là vấn đề luôn nóng khi bàn đến nuôi tôm nước lợ. Đến thời điểm này, mới chỉ có 40 cơ sở nuôi tôm với tổng diện tích 25ha trong tổng số hơn 300ha diện tích nuôi tôm trên cát đầu tư hệ thống xử lý trước khi xả nước thải ra môi trường bên ngoài. Trong khi đó, nuôi tôm ở vùng triều ven sông thì “trắng” về xử lý nước thải. Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 15.5.2014, UBND tỉnh ký Quyết định số 1177/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tạm thời nuôi tôm trên cát ở 2 địa phương Thăng Bình và Núi Thành có thời hạn đến năm 2018. Vậy nhưng đến thời điểm này, nuôi tôm vẫn làm xáo trộn và tàn phá môi trường xung quanh. Đến các địa phương như Tam Hải, Tam Tiến (Núi Thành) hay Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình) vào những ngày này sẽ dễ dàng chứng kiến tình trạng phá rừng phòng hộ để nuôi tôm hay tùy tiện xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài. Nuôi tôm ngay trong vườn nhà đã và đang tiếp tục gây mặn hóa nguồn nước ngọt, khiến sinh hoạt của người dân thiếu an toàn.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở Tài nguyên và môi trường xây dựng bộ quy tắc về xử lý nguồn nước thải trong nuôi tôm nước lợ, tránh bức hại môi trường. Bởi nếu không thực hiện điều này thì có nạo vét, khơi thông dòng chảy, các hệ thống sông ngòi cũng sẽ nhanh chóng bị ô nhiễm. Phương án khả dĩ được đặt ra là mỗi nhóm hộ nuôi tôm trong khu tập trung phải xây dựng hệ thống thoát nước thải bằng ống nhựa, nối vào các hố ga xây dọc theo bờ ao. Từ hố ga, nước thải được thu về ao xử lý bằng các tuyến ống. Sau khi được lắng và xử lý đạt tiêu chuẩn, nước thải sẽ được đưa vào ao sinh thái chung hoặc đưa ra ngoài bằng tuyến đường ống.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh nói, vùng nuôi tôm ở ven sông gần như chưa được đầu tư hạ tầng, chưa có hệ thống kênh cấp thoát riêng mà vẫn chủ yếu lấy nước trực tiếp từ hệ thống sông Trường Giang rồi lại thải ra sông dẫn đến lây lan dịch bệnh. Do đó các vùng nuôi này cần được tiến hành quy hoạch lại hoàn toàn, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, đặc biệt là hệ thống kênh cấp và thoát nước, ao chứa lắng và xử lý nước thải. Các ao nuôi nên được đầu tư nuôi bằng hình thức lót bạt để tiện trong công tác quản lý, bảo vệ tốt hơn cho môi trường cũng đồng nghĩa với tăng khả năng thành công cho vụ nuôi.
KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT
Ngoài xác định đối tượng nuôi chủ lực, quy hoạch tạo tiền đề phát triển, mấu chốt cuối cùng để nuôi tôm theo hướng bền vững là có cơ chế mở trong thu hút đầu tư và hỗ trợ người dân sản xuất.
Nuôi tôm hình thức tập trung sẽ có điều kiện để hoàn thiện các yếu tố hạ tầng. Ảnh: Q.VIỆT |
Cải thiện con giống
Hạ tầng vùng nuôi kém cộng với chất lượng tôm giống không đảm bảo là 2 nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt trong thời gian qua và khó giải quyết đầu ra. Theo ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, việc quản lý chất lượng giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có vấn đề. Nếu hộ nuôi tôm giống có nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch rõ ràng thì còn có cơ may thành công, đằng này người dân lại dùng “tôm chợ” để thả nuôi. Nói thẳng ra, công tác quản lý chất lượng tôm giống của cả tỉnh nói chung, huyện Thăng Bình nói riêng còn lỏng lẻo. Quảng Nam chưa xây dựng được điểm xử lý tái kiểm dịch tôm giống khi có nghi ngờ về chất lượng, thủ tục giám sát chất lượng tôm giống vẫn chỉ nặng về hành chính đối phó. Đồng quan điểm, ông Phạm Cưu - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ đưa ra vấn đề ở địa phương mình: “Nhu cầu về tôm giống của người dân trên địa bàn thành phố là rất lớn, gần 1 tỷ con giống mỗi năm, nhưng ở Quảng Nam chưa có cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng bài bản. Các cơ sở hiện có chưa được chú trọng đầu tư nên không đảm bảo chất lượng tôm giống. Còn mua ở các cơ sở ngoài tỉnh thì thủ tục rườm rà, mà người dân cũng không chắc chất lượng có hơn giống tôm chợ hay không”.
Giải quyết các mối lo trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, sau khi hoàn thành quy hoạch nuôi tôm dài hạn, tỉnh sẽ có cơ chế thiết thực thu hút doanh nghiệp uy tín vào đầu tư, sản xuất tôm giống tại Quảng Nam. Trước mắt, Sở NN&PTNT phải kêu gọi và quy tụ cả 37 cơ sở kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh về tập trung đầu tư tại Khu hạ tầng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung, vừa mới hoàn thành tại thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình. Nói rõ hơn về điều này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Ngành thủy sản đang xây dựng cơ chế khuyến khích, kêu gọi và hướng dẫn các nhà đầu tư sản xuất tôm giống quy kết về một điểm là Khu hạ tầng sản xuất và kiểm định giống thủy sản để tập trung sản xuất. Đây là dự án đặc thù nên ngành thủy sản đã tham khảo ý kiến của các địa phương ven biển và trình UBND tỉnh xem xét, ban hành trong nay mai. Sở NN&PTNT cũng đang đề xuất UBND tỉnh huy động nguồn vốn đầu tư thêm một trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao thu hút các doanh nghiệp lớn như C.P, Việt - Úc, U.P vào đầu tư”.
Hỗ trợ sản xuất
Đến nay đã là năm thứ 4 nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nhưng gia đình ông Đặng Đình An (thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, Thăng Bình) vẫn chưa thể đầu tư được ao chứa lắng. Ông An cho biết, ai cũng biết nếu đầu tư được ao chứa lắng thì mình sẽ chủ động hoàn toàn nguồn nước, qua đó khống chế bệnh có thể xảy đến cho tôm nuôi. Nhưng lực bất tòng tâm, mặc dù đã gõ cửa hơn 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nhưng không ngân hàng nào thuận tình cho vay nên đành chịu. “Họ bảo nuôi tôm trong thời gian qua có nhiều rủi ro. Vả lại, thế chấp cũng dang dở vì Nhà nước chưa cấp phép quyền sử dụng đất. Nuôi tôm đòi hỏi phải đầu tư lớn mà nguồn vốn có hạn, nên Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng giúp người dân tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng” - ông An nói.
Hình thức tổ chức nuôi tôm tại Quảng Nam đến nay vẫn chỉ theo hướng kinh tế hộ. Ở các địa phương Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành dù đã vận động xây dựng các mô hình nuôi tôm theo nhóm, tổ cộng đồng để giám sát lẫn nhau, góp vốn đầu tư sản xuất nhưng hoạt động thiếu hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng tầm nuôi tôm nước lợ tại Quảng Nam bằng cách hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác hay hợp tác xã. Điều này không chỉ tăng quy mô sản xuất mà còn xóa bỏ tư tưởng mạnh ai nấy làm, tùy tiện xả thải tôm chết ra bên ngoài khiến lây lan thành dịch bệnh; quan trọng nữa là sẽ tạo sự ổn định về đầu ra. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Sở NN&PTNT cần khảo sát xem các cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua, hiệu quả ra sao? Các tổ chức tín dụng có mặn mà cho người dân vay vốn không? Thủ tục, hồ sơ vay vốn ách tắc chỗ nào, cần đánh giá lại rõ ràng. Nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghiệp bắt buộc phải đầu tư lớn, cá thể hộ gia đình khó đủ sức nên phải nuôi bằng hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã. Sở NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất để tỉnh có chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình hiện nay chỉ có một cán bộ tốt nghiệp đại học chuyên ngành thủy sản, do đó rất khó để có những hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm trên địa bàn. Tỉnh nên có cơ chế đào tạo nguồn nhân lực phụ trách thủy sản để giúp đỡ người nuôi xử lý được những tình huống bất ngờ có tính chuyên sâu trong nuôi tôm. Ngoài ra, cũng cần phối hợp với các trường đại học thủy sản đào tạo bồi dưỡng kiến thức nuôi tôm cho cán bộ ở cấp huyện cùng người nuôi tôm, góp phần nâng cao trình độ nuôi tôm cũng như phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm hiệu quả hơn. Ngành thủy sản cũng cần nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ nông dân khi họ đã tuân thủ đúng lịch thời vụ, đúng quy trình nuôi nhưng bị thiệt hại do thiên tai.
Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT