Chính sách phát triển thủy sản: Giải đáp những vướng mắc
Cử tri Quảng Nam cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản còn chậm và gặp nhiều vướng mắc như thủ tục còn rườm rà… Từ đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống. Bộ NN&PTNT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về những vấn đề nêu trên. Cụ thể, cử tri cho rằng: quy định phải có thiết kế tàu cá (với chi phí 25 triệu đồng/chiếc) ngân hàng mới giải ngân là thủ tục lãng phí. Theo Bộ NN&PTNT, nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động, Khoản 1, điều 38, Luật Thủy sản quy định: “Tổ chức, cá nhân đóng mới, cải hoán tàu cá thuộc diện đăng kiểm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu; tàu cá được đóng mới, cải hoán phải bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật; tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường”. Vì vậy, việc ngân hàng tiếp nhận hồ sơ vay vốn đóng mới tàu cá, trong đó có hồ sơ thiết kế tàu là phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. Để thuộc đối tượng đủ điều kiện vay vốn đóng tàu, chủ tàu đã được các cấp chính quyền địa phương cân nhắc, lựa chọn phê duyệt theo quy định của Nghị định 67. Nếu ngân hàng từ chối cho vay, phải nêu rõ lý do và trao đổi với người dân. Trường hợp hai bên không thống nhất, báo cáo chính quyền địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Cử tri thắc mắc, ngân hàng không giải ngân tàu đã qua sử dụng có đúng quy định hay không? Bộ NN&PTNT cho biết, Nghị định 67 có quy định chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, phần máy bổ sung và thay thế phải là máy mới 100%, nên ngân hàng không giải ngân đối với trường hợp đóng mới tàu cá lắp máy thủy cũ là phù hợp quy định. Việc cử tri đề nghị xem xét tăng thời hạn cho vay lên 15 năm, theo Bộ NN&PTNT, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 đã được bộ hoàn thiện trình Chính phủ quy định thời hạn cho vay 16 năm. Điều này phù hợp với ý kiến cử tri. Đối với đề nghị quy định rõ vấn đề đóng mới, nâng cấp, hoán đổi vỏ tàu, nâng cấp máy công suất nhỏ lên công suất lớn của cử tri, Bộ NN&PTNT trả lời, Điểm a, Khoản 1, Điều 4 Nghị định 67 đã quy định cụ thể vấn đề cử tri kiến nghị. Đồng thời trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại cuộc họp về sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tại Điều 4 đối với trường hợp gia cố bọc bỏ thép, vỏ vật liệu mới. Về trường hợp “hoán đổi vỏ tàu” như kiến nghị của cử tri, nội dung Nghị định 67 không nêu. Tuy nhiên, khi nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên phải thay đổi phần vỏ tàu khu vực hầm máy và vùng đuôi để phù hợp với máy mới.
Với đề nghị các cơ quan định giá tàu phải độc lập, để định giá tàu chính xác, khách quan hơn của cử tri; theo Bộ NN&PTNT, tại hội nghị toàn quốc về tình hình triển khai Nghị định 67, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã kết luận: “Đồng ý cho phép thuê tổ chức thẩm định độc lập, chi phí thẩm định được tính vào tổng mức đầu tư. Các địa phương chủ động hướng dẫn cho ngư dân, công khai danh sách những tổ chức thẩm định có năng lực”. Như vậy, việc định giá sẽ được thực hiện độc lập, chính xác, khách quan, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
BẢO NGUYÊN (Tổng hợp)