Triển khai Nghị định 67: Giải quyết nhiều vướng mắc
Buổi làm việc vào cuối tuần qua của UBND tỉnh với UBND huyện Thăng Bình và các ngư dân đã giải quyết các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67).
Nhiều rào cản
Triển khai Nghị định 67, Quảng Nam được trung ương phân cấp đóng mới 92 tàu cá. Trong số này, UBND tỉnh đã phê duyệt cho ngư dân trên địa bàn huyện Thăng Bình được đóng mới 23 tàu cá. Đến thời điểm này, 6 ngư dân của Thăng Bình đã khởi công đóng mới 5 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ gỗ. Chủ của 17 phương tiện khai thác hải sản xa bờ khác vẫn chưa được các ngân hàng giải ngân vốn đóng tàu. Ông Hoàng Hiền (thôn Phước An 2, xã Bình Hải) thắc mắc: “Sau khi UBND tỉnh phê duyệt được đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, gia đình tôi đã nhanh chóng tiếp cận ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để làm thủ tục vay vốn. Thiết kế đóng tàu đã được phê duyệt. Chúng tôi cũng đã bán tàu cũ để có đủ vốn ứng. Thậm chí, gia đình cũng đã ứng trước 800 triệu đồng cho cơ sở đóng tàu để mua các vật liệu, thiết bị cần thiết. Chúng tôi đang nóng ruột, nếu ngân hàng không giải ngân thì khó có thể thu lại 800 triệu đồng và không có tàu cá để sản xuất”. Ông Hiền mong rằng, qua buổi làm việc, UBND tỉnh sẽ có cách giúp gia đình ông tháo gỡ vướng mắc.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT trao đổi với ngư dân Võ Hồng Nhân (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) để tìm hiểu về tình hình khai thác, nhu cầu vay vốn đóng mới tàu cá của ngư dân. Ảnh: N.Q.V |
Đến thời điểm này, tại huyện Thăng Bình đã có 4 ngư dân rút hồ sơ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Các ngư dân cho biết, việc giải vốn quá chậm mà vụ sản xuất chính sắp bắt đầu. Ngư dân đành bỏ cuộc, dùng tàu cũ sản xuất thay vì phải bán làm vốn đối ứng. Ông Trần Vũ Bảo - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, có quá nhiều vướng mắc khi triển khai Nghị định 67. Đó là 21 mẫu tàu vỏ thép đã công bố không phù hợp với tập quán đánh bắt hải sản của ngư dân, trong khi đó sửa lại thiết kế thì tốn không dưới 50 triệu đồng. Vốn đối ứng đối với tàu vỏ gỗ quá cao (chiếm 30% con tàu), nhiều ngư dân dồn vốn đóng chung cũng không đủ. Hiệu quả sản xuất của ngư dân chưa cao nên nhiều người e dè khi đóng tàu vỏ thép có chi phí lên đến gần 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết thêm, chi phí dự toán của các cơ sở đóng tàu lớn hơn so với dự toán của ngư dân. Các ngân hàng yêu cầu ngư dân sửa đổi lại dự toán mà việc đó diễn ra quá lâu. Việc thụ lý, thẩm định, giải quyết hồ sơ của các ngân hàng quá chậm. Có ngân hàng tiếp nhận hồ sơ rồi… bỏ rơi ngư dân. Nhiều ngân hàng thậm chí không trả lời khi ngư dân nhiều lần liên hệ. “Theo Nghị định 67 thì ngư dân sẽ được miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi đóng tàu. Thế nhưng trên thực tế thì khác. Các ngân hàng không giải ngân tiền thuế trong khi đó các công ty đóng tàu khi mua vật liệu phải đóng thuế. Ngư dân phải tự bỏ tiền túi ra đóng thuế mà họ thì đã… vét sạch túi rồi, việc này làm ì ạch quá trình hoàn thiện con tàu” - ông Hương nói.
Giải quyết vướng mắc
Thêm 9 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 đợt 5. Theo đó, có 9 ngư dân sẽ được vay vốn ưu đãi để đóng mới tàu cá. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam phối hợp làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhanh chóng triển khai vốn vay, giúp ngư dân đóng tàu sản xuất trên các vùng biển xa. Như vậy đến thời điểm này, Quảng Nam đã có 87/92 tàu cá được phê duyệt đóng tàu theo nghị định. Núi Thành có nhiều tàu cá được phân bổ nhất: 45 chiếc, Thăng Bình có 23 tàu cá, 24 tàu còn lại được phân bổ cho TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, huyện Duy Xuyên và Điện Bàn. |
Theo ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của ngư dân, các ngân hàng thương mại cần hướng dẫn cặn kẽ để ngư dân hoàn thiện thủ tục, tránh phải đi lại quá nhiều lần. Một số ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank cần trả lời cụ thể ngư dân có được giải ngân hay không. UBND tỉnh cần có cách để hỗ trợ ngư dân khi phải điều chỉnh các thiết kế vì chi phí quá lớn. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, có một số ngư dân khi gửi hồ sơ vay vốn đến ngân hàng rồi thường rất bị động làm việc khi phát sinh một số yêu cầu mới phải điều chỉnh. Ngư dân cần phải chủ động hơn vì điều này phản ánh quyết tâm vay vốn đóng tàu của chính họ. Đó là điều kiện cần thiết để ngân hàng thương mại thẩm định việc giải ngân vốn vay. Một số ngư dân không đủ vốn đối ứng và không quá mặn mà đóng tàu thì nên tự nguyện rút lui, nhường suất đóng tàu đó cho ngư dân khác. UBND các xã Bình Minh, Bình Nam, Bình Hải, Bình Dương cần quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng thương mại, qua đó giúp cho việc trả nợ của ngư dân đối với các ngân hàng theo định kỳ được thông suốt.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nhấn mạnh, đến thời điểm này tại Quảng Nam mới chỉ có BIDV Quảng Nam và Agribank Quảng Nam giải ngân vốn đóng tàu cho ngư dân là quá ít. Các ngân hàng thương mại khác như Vietinbank, Vietcombank cần chung tay triển khai Nghị định 67. Các ngân hàng này cần giải ngân vốn để ngư dân được đóng tàu lớn vươn khơi xa sản xuất đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Hồ sơ vay vốn của ngư dân gặp trục trặc ở thủ tục nào thì phía ngân hàng phải nhanh chóng giúp đỡ ngư dân hoàn thiện. Các ngân hàng thương mại phải trả lời dứt khoát ngư dân có được vay vốn hay không khi hồ sơ đã đầy đủ và gửi văn bản cụ thể về UBND huyện Thăng Bình để rõ ràng. “Luật cao hơn nghị định, do vậy dù cho Nghị định 67 có nội dung miễn giảm thuế VAT cho ngư dân nhưng theo luật thuế thì ngư dân vẫn phải tính thuế khi mua vật liệu đóng tàu. Bởi vậy, trong dự toán đóng tàu, ngư dân phải tính thêm khoản thuế để tránh bị động chi trả. Về khoản thuế đó, Sở NN&PTNT sẽ báo cáo với Bộ NN&PTNT để kiến nghị Chính phủ hoàn trả lại cho ngư dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT