Kiến nghị sửa đổi Nghị định 67: Dùng máy cũ, tăng vốn vay
Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) đang được sửa đổi một số nội dung để phù hợp và triển khai có hiệu quả hơn trong thực tiễn.
Đề xuất sử dụng máy cũ
Theo phê duyệt của UBND tỉnh, đến thời điểm này xã Bình Minh (Thăng Bình) có 9 ngư dân được đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 2 tàu cá đang được đóng mới, 7 hồ sơ đóng tàu khác vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều ngư dân không mặn mà với Nghị định 67, trong số đó có ngư dân trả lại hồ sơ vay vốn và cho rằng, bắt buộc phải lắp đặt máy thủy mới 100% trên tàu cá được đóng theo Nghị định 67 là bất hợp lý. “Máy thủy cũ dùng cho tàu cá vẫn được ngành chức năng kiểm định chất lượng khi nhập về Việt Nam. Mặc dù không có tính năng tối ưu như máy thủy mới hoàn toàn nhưng loại máy này vẫn đảm bảo an toàn khi hoạt động trên các vùng biển xa. Thời gian qua, trước khi xuất cảng, ngành thủy sản của tỉnh kiểm tra kỹ càng các thông số kỹ thuật của máy cũ trên tàu rồi mới cho ngư dân vươn khơi. Tại sao nhất thiết phải lắp đặt máy thủy mới 100% trên tàu cá được đóng theo Nghị định 67?” - ngư dân Trần Công Tư (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) nói. Theo ông Tư, máy thủy cũ và máy thủy mới chênh lệch quá lớn về giá cả. Trong khi mua được máy cũ ngư dân chỉ cần 500 triệu đồng thì muốn sử dụng máy thủy mới, ngư dân phải bỏ ra đến hơn 2 tỷ đồng cho máy có công suất 700CV. “Vấn đề nằm ở chỗ máy có đảm bảo chất lượng khi hoạt động ngoài khơi không? Chúng tôi có sự trợ giúp của đội ngũ kỹ sư lành nghề xác minh điều này. Một khi đã đảm bảo chất lượng thì không cần phải quá tốn kém khi đầu tư” - ông Tư nói thêm.
Một chiếc máy mới như thế này có giá hơn 2 tỷ đồng. Ảnh: N.Q.V |
Quảng Nam có 6 địa phương hoạt động nghề cá nhưng mới chỉ có 3 huyện Núi Thành, Thăng Bình và Duy Xuyên có ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67. Ngư dân ở các địa phương khác là Hội An, Tam Kỳ và Điện Bàn “lơ là” vì không đủ khả năng đóng tàu theo nghị định. Mỗi con tàu vỏ gỗ được đóng mới có giá trị hơn 5 tỷ đồng, đòi hỏi ngư dân phải huy động được nguồn vốn tự có chiếm 30% giá trị con tàu (khoảng 2 tỷ đồng). Vì vậy các ngư dân kiến nghị nên để ngư dân sử dụng máy cũ, nhờ đó giảm giá thành cho con tàu. Về đề xuất sử dụng máy thủy cũ thay cho máy, tại hội nghị trực tuyến sơ kết 8 tháng triển khai Nghị định 67, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, đây là vấn đề sát với thực tiễn, nhu cầu của ngư dân. Bởi vậy, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ngư dân sử dụng máy cũ khi đóng mới hoặc cải hoán, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, về cơ bản thì Chính phủ đã “bật đèn xanh” để ngư dân sử dụng máy cũ, hạn chế giá thành khi đóng tàu nhưng chưa có công văn chỉ đạo cụ thể nên đến thời điểm này, ngư dân vẫn phải lắp đặt máy thủy mới. “Ngành thủy sản của tỉnh vừa có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ với nội dung “nhắc lại” ý kiến của Phó Thủ tướng để Chính phủ thông qua sớm việc cho phép ngư dân sử dụng máy cũ” - ông Ngô Tấn nói.
Vay vốn đối ứng
Rút hồ sơ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 Đến thời điểm này, tại Quảng Nam có 1 trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 nhưng ngư dân lại chủ động… rút lui. Đó là trường hợp của ngư dân Trần Công Tư (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình). “Tôi rất phấn khởi khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo nghị định. Vậy nhưng mừng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. Có quá nhiều lý do vô lý mà phía ngân hàng đưa ra để khước từ vay vốn của chúng tôi, từ hồ sơ thiết kế cho đến dự toán kinh phí rồi còn lựa chọn địa điểm đóng tàu. Do vậy, tôi chủ động rút lui” - ông Tư nói. Thay vì đóng mới con tàu vỏ gỗ có công suất 750CV theo nghề câu mực khơi từ vốn vay của Nghị định 67, ông Tư đã chuyển sang vay vốn không lãi suất của Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam để đóng tàu. |
Để tiếp cận được vốn vay ưu đãi, đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, bắt buộc ngư dân phải có vốn đối ứng (5% đối với tàu vỏ thép và 30% đối với tàu vỏ gỗ). Đến thời điểm này tại Quảng Nam mới chỉ có 11 ngư dân được vay vốn, 67 ngư dân còn lại trong nhóm được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn vẫn chưa triển khai. Nguyên nhân chủ yếu là không đủ vốn đối ứng. Bởi vậy, gói 10 nghìn tỷ đồng cho ngư dân vay vốn đối ứng đóng tàu theo Nghị định 67 mà Ngân hàng TMCP Đầu tư & phát triển (BIDV) triển khai có ý nghĩa như chiếc phao đối với ngư dân. Gói tín dụng này sẽ được triển khai cho vay từ ngày 1.7 đến hết ngày 31.12.2016. Số tiền cho vay tối đa là 500 triệu đồng/ngư dân. Lãi suất cho vay 6%/năm trong suốt thời gian vay nhưng không quá 36 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. “Khúc cua ngặt khiến cho ngư dân chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi đóng tàu theo nghị định nằm ở chỗ thiếu vốn tự có. Khi BIDV triển khai cho vay vốn đối ứng sẽ giúp họ có thêm điều kiện để đóng tàu” - ông Ngô Tấn nói.
Theo ông Ngô Tấn, vay vốn đối ứng vẫn chưa đến được với ngư dân trên địa bàn tỉnh do gói tín dụng này được triển khai chưa lâu. Còn về điều kiện vay vốn thì ông Tấn cho biết, thủ tục không quá rườm rà. Tuy nhiên gói tín dụng này sẽ chỉ triển khai riêng cho khách hàng của BIDV chứ không triển khai cho khách hàng của các ngân hàng khác. Điều này là phù hợp vì tuân thủ theo quy định quản lý dòng tiền chặt chẽ của ngân hàng thương mại. “Đến thời điểm này, qua làm việc ở các địa phương ven biển, ngành thủy sản đã giới thiệu đến ngư dân về gói vay vốn đối ứng của BIDV. Các thủ tục cần thiết cũng đã được nhắc đến. Qua làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam và các ngân hàng thương mại trên địa bàn, chúng tôi cũng mong muốn sự chung tay vào cuộc của nhiều ngân hàng khác cùng với BIDV cho vay vốn đối ứng để việc triển khai Nghị định 67 nhanh gọn, hiệu quả” - ông Tấn nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT