Những "ngôi nhà" trên biển lớn
Với ngư dân, những con tàu bám biển quanh năm là những “ngôi nhà” cùng họ vượt qua sóng gió để sản xuất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sản xuất đa nghề
Vừa cập bờ bán xong hải sản, các thành viên của tàu cá QNa-02836 có công suất 180CV theo nghề lưới Bạc Liêu cải tiến lại tất bật thu xếp, vá víu vàn lưới vừa trải qua 15 ngày quăng quật trên biển. Ông Võ Lực (thôn Hà Thuận, xã Duy Vinh) - chủ tàu cá QNa-02836 cho biết: “Tôi và 9 bạn biển sẽ vươn khơi ngay khi vận chuyển xong xăng dầu, nhu yếu phẩm xuống tàu. Trước mắt, trong ngày hôm nay chúng tôi phải hoàn thiện lại 200 tay lưới này đã. Sau 15 ngày bám biển, ngư dân trở về nhà, nghỉ một ngày rồi lại vươn khơi ngay, thời tiết thuận lợi nên phải tranh thủ” - ông Lực nói. Vừa dứt lời, ông Lực đã hối thúc các thành viên khẩn trương hoàn thành công việc kiểm tra lại các tay lưới.
Tàu cá của ngư dân Võ Lực xã Duy Vinh (Duy Xuyên) chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.Q.V |
Anh Nguyễn Hữu Đại là “bạn biển” trên tàu của ông Lực hơn 10 năm qua. Anh cho biết nghề lưới rê Bạc Liêu cải tiến đã gắn bó với mình từ năm 2009 đến nay. Nghề này vất vả nhưng nhìn chung cho hiệu quả kinh tế khá. Anh Đại góp vào 20 tay lưới trên tàu ông Lực để sản xuất chung. “Nghề biển ở đây có khác ở chỗ, thuyền trưởng thì bỏ vốn đóng tàu còn bạn biển chúng tôi góp vốn để mua ngư lưới cụ. Sản xuất chung thuận lợi ở chỗ anh em cùng chia nhau hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm, con tàu lúc vươn khơi cũng như ngôi nhà chung trên biển” - anh Đại chia sẻ. Chủ tàu Võ Lực thông tin, chuyến biển trong vòng 15 ngày vừa qua chỉ thu được 5 tấn cá nhưng bán được đến 80 triệu đồng nhờ khai thác được cá bánh đường, cá lạc có giá trị kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí 10 triệu đồng, chủ tàu thu được 20 triệu đồng, 9 bạn biển chia đều 50 triệu đồng còn lại.
Theo ông Huỳnh Văn Trung - cán bộ phụ trách thủy sản xã Duy Vinh, 5 năm trở lại đây, nghề biển của địa phương cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài “đặc sản” lưới Bạc Liêu 3 lớp cải tiến, ngư dân trên địa bàn còn có thêm “bửu bối” khác là nghề câu cá hố. Nghề này rộn rã nhất vào các tháng 5, 6 và 7 hằng năm. Ông Nguyễn Có và Phạm Văn Hoài (cùng trú thôn Trà Đông) là những ngư dân lão luyện của nghề này. Chia sẻ với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Có cho biết, cá hố thường sống ở độ nước sâu 45 - 60 sải tay, cách bờ chừng 50 hải lý. Nghề câu cá hố rất gọn nhẹ, chỉ câu tay chứ không bủa hàng sải lưới dài dưới nước như các nghề khai thác hải sản khác. Vì là nghề câu cầm tay nên mỗi ngư dân sản xuất riêng, thu lợi riêng. Ngư dân nào có tay nghề cao sẽ có thu nhập khá. Với nghề câu cá hố, các ngư dân xã Duy Vinh có thể thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến bám biển dài ngày.
Sắm tàu mới
Hiện tại, tổng công suất máy của khoảng 500 tàu thuyền trên địa bàn xã Duy Vinh là 29.700CV. Từ ngày bước vào vụ sản xuất chính (ngày 1.4) đến nay, ngư dân khai thác được khoảng 17.600 tấn hải sản. Theo ông Huỳnh Văn Trung – cán bộ phụ trách thủy sản xã Duy Vinh, năm nay sản lượng khai thác hải sản của ngư dân có khả năng vượt chỉ tiêu 3.200 tấn. |
Ông Huỳnh Văn Trung cho biết, để chia sẻ ngư trường và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển của ngư dân trên địa bàn phát triển mạnh trong thời gian qua. Hiện tại, toàn xã có 17 đội đoàn kết sản xuất trên biển, mỗi đội có 5 tổ, hoạt động theo quy chế chung. Nghề biển tiềm ẩn rủi ro, mỗi khi tàu cá nào bị mất lưới, các thành viên trong tổ, đội đoàn kết đều ngưng ngay sản xuất, giúp tìm kiếm ngư lưới cụ cho bằng được. Ông Trung cho biết, thông qua hoạt động của mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, ngư dân ý thức được biển là tài nguyên chung của Tổ quốc. Bảo vệ lãnh hải của đất nước không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng chức năng trên biển mà hơn ai hết, mỗi ngư dân là một “cột mốc” trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Qua các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, ngư dân vừa giúp nhau làm kinh tế vừa góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tạo thêm điều kiện để các ngư dân khác tiếp tục tham gia vào mô hình này” - ông Trung nói.
Hiện ngư dân ở Duy Vinh đóng mới 4 tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Cả 4 tàu cá này đều có cùng công suất máy chính là 825CV, hoạt động bằng nghề lưới rê hỗn hợp. Ngư dân Đỗ Văn Tiến - Đội trưởng Đội lưới quét C10 xã Duy Vinh là một trong 4 chủ tàu nói trên. Tuy nhiên, ông Tiến ưu tư về tốc độ hoàn thành con tàu: “Chúng tôi biết tàu vỏ sắt ưu việt hơn tàu vỏ gỗ ở cả năng lực khai thác, bảo quản sản phẩm lẫn khả năng chống chọi với sóng to gió lớn. Tuy nhiên, tiến độ đóng tàu quá chậm, chúng tôi lo sợ tàu vẫn chưa hoàn thành khi bước vào vụ sản xuất chính năm sau dù đã khởi công được hơn 2 tháng nay”. Hiện tại, cả 4 tàu vỏ thép của các ngư dân Đỗ Văn Tiến, Trần Đậu, Phạm Hiên và Đỗ Văn Thành (cùng trú thôn Trà Đông) đều được đóng tại Công ty CP Cơ khí - thương mại & xây dựng Hải Phòng (TP.Hải Phòng).
NGUYỄN QUANG VIỆT