Quyết tâm bảo vệ ngư trường truyền thống

NGUYỄN QUANG VIỆT 28/05/2015 09:49

Trước lệnh cấm đánh bắt hải sản phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông, ngư dân Quảng Nam đã đoàn kết vươn khơi sản xuất và quyết tâm bảo vệ ngư trường truyền thống.

Lệnh cấm đánh bắt hải sản kéo dài trong hai tháng rưỡi, từ 12 giờ ngày 16.5 đến 12 giờ ngày 1.8 mà Trung Quốc đơn phương áp đặt, giới hạn trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc trở lên, bao gồm cả vùng vịnh Bắc Bộ, vùng biển Hoàng Sa và phía bắc của quần đảo Trường Sa. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, là ngư trường truyền thống của ngư dân Quảng Nam từ lâu đời.

Đoàn kết bám biển

Ngư dân Đỗ Công (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90226 theo nghề lưới vây vừa từ ngư trường Hoàng Sa trở về. Gặp chúng tôi ở cảng cá Tam Quang, ông chia sẻ, quá trình sản xuất trên biển trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn. Tàu của Trung Quốc thường xuyên cản trở quá trình khai thác hải sản nhưng các thành viên trên tàu vẫn linh hoạt né tránh và chủ động sản xuất. Ông tâm sự: “Biển đảo gắn bó với chúng tôi, nghiệp biển mà. Dù cho tàu Trung Quốc có càn quấy hơn nữa thì chúng tôi vẫn không sợ hãi. Hoàng Sa, Trường Sa là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, lại nuôi sống bao thế hệ gia đình chúng tôi, làm sao mà xa được. Tàu Trung Quốc lớn hơn tàu cá của chúng tôi nhưng mình khai thác ở ngư trường truyền thống nên không việc gì phải sợ”. Ông Công kể lại sự kiện tàu cá của mình tham gia cùng các tàu khác trong đội đoàn kết sản xuất trên biển, bảo vệ ngư trường truyền thống hồi tháng 5.2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa. “Hồi đó tàu Trung Quốc manh động hơn bây giờ, chúng dùng vòi rồng phun nước làm vỡ kính tàu cá của chúng tôi. Chúng cũng húc thẳng tàu lớn vào tàu chúng tôi làm vỡ be, gãy mạn. Trực diện đối phó với chúng hồi đó đã tích lũy cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm nên bây giờ mình có cách để mà tránh né” - ông Công nói.

Tàu cá QNa-90226 của ngư dân Đỗ Công vừa trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: N.Q.V
Tàu cá QNa-90226 của ngư dân Đỗ Công vừa trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: N.Q.V

Ngư dân Trần Văn Thái (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91207 hành nghề câu mực khơi cũng vừa trở về từ ngư trường Trường Sa. Anh Thái kể, tàu Trung Quốc luôn manh động và sẵn sàng tấn công tàu cá của ngư dân Quảng Nam. Anh Thái cùng các “bạn” có 2 cách để đối phó, thứ nhất là khi phát hiện tàu Trung Quốc từ xa thì cập nhanh vào các đảo Cô Lin, Phan Vinh, Đá Lớn… để tránh, còn không thì nối cả đoàn tàu chừng 8 - 10 chiếc lại với nhau rồi quây tròn, áp tàu Trung Quốc vào giữa để tránh sự đâm húc của chúng. “Chúng tôi luôn giữ khoảng cách gần nhất có thể khi sản xuất tại ngư trường Trường Sa. Khi một chiếc bị tàu Trung Quốc xua chạy thì chúng tôi có mặt để hỗ trợ lẫn nhau. Mình đông hơn nên chúng cũng dè chừng, chưa dám manh động” - anh Thái nói. Anh Thái kể rằng, tại các đá Gạc Ma hay Chữ Thập, Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép trong thời gian gần đây, bằng mắt thường có thể quan sát thấy. “Phía Trung Quốc sẵn sàng bắn pháo hiệu và trấn áp tàu cá của ngư dân Quảng Nam bằng đèn pha công suất lớn. Chúng không ngại rọi thẳng vào buồng lái để cảnh cáo người điều khiển tàu. Chỉ cần quan sát thấy ngư dân sản xuất gần là chúng nổ súng chỉ thiên cảnh cáo, bắn chặn trước mũi các tàu cá vào gần đánh bắt” - anh Thái kể.

Tiếp tục vươn khơi

“Các địa phương cần tổ chức để ngư dân khai thác theo tổ, đội để hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời nhắc nhở ngư dân thường xuyên cảnh giác đối với các tàu lạ, khi phát hiện thì thông tin nhanh đến cơ quan chức năng hướng dẫn giải quyết kịp thời”.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Ngư dân Trần Văn Thái cho biết, độ chừng 10 ngày nữa là anh cùng khoảng 45 ngư dân lại vươn khơi, sản xuất tại ngư trường Trường Sa. Anh bảo, bây giờ đang cao điểm vụ sản xuất chính nên dù có khó khăn gì đi nữa thì các thành viên trên tàu cũng nhất quyết vươn khơi. “Để tránh thiệt hại, những tai nạn, rủi ro đáng tiếc khi sản xuất tại ngư trường truyền thống, chúng tôi cảnh báo lẫn nhau hễ phát hiện tàu lạ đến gần thì thông tin nhanh, tập kết nhanh thúng câu vào tàu. Khi đã có mặt đông đủ ở tàu thì chúng tôi tương trợ với các tàu khác bằng phương thức tổ, đội đoàn kết. Bám biển để mưu sinh thì rõ rồi, còn có một động lực khác thôi thúc chúng tôi nhanh trở lại với ngư trường là để bảo vệ ngư dân, bảo vệ ngư trường. Vùng biển của mình, mình phải gắn bó chặt chẽ” - anh Thái quả quyết.

Những ngày qua, tại các cảng cá Kỳ Hà (Núi Thành), Thanh Hà (Hội An) hay Tân An (Thăng Bình), đâu cũng thấy những tàu cá lớn bán hải sản rồi nhanh chóng chuẩn bị các nhu yếu phẩm tiếp tục ra khơi, đoàn kết bám biển. “Lệnh cấm đánh bắt hải sản ngang ngược của Trung Quốc không thể cản trở quyết tâm bám biển của chúng tôi. Mình hiện hữu tại các ngư trường truyền thống cũng là cách để gián tiếp thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó quyết bảo vệ ngư trường” - ngư dân Nguyễn Xí (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình) nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam khẳng định, lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt là hoàn toàn vô lý. Tuy nhiên, lệnh cấm kéo dài cộng với phía Trung Quốc huy động lực lượng thường xuyên cản trở hoạt động đánh bắt hải sản có thể sẽ làm giảm năng suất lẫn sản lượng khai thác của ngư dân Quảng Nam. “Để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi sản xuất trên biển, các huyện, thành ven biển cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và thông tin về chủ quyền vùng biển Việt Nam để ngư dân biết mà yên tâm sản xuất. Các địa phương cần tổ chức để ngư dân khai thác theo tổ, đội để hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời nhắc nhở ngư dân thường xuyên cảnh giác đối với các tàu lạ, khi phát hiện thì thông tin nhanh đến cơ quan chức năng hướng dẫn giải quyết kịp thời” - ông Ngô Tấn nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT