Nuôi tôm nước lợ: Bài học về cách đầu tư
Hiệu quả cao của một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây gợi nhắc nhiều bài học về cách thức đầu tư nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam.
Những năm trước, nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh luôn thất bát bởi môi trường nước trong ao nuôi không đảm bảo khiến cho tôm nuôi luôn bị bệnh, chết hàng loạt. Ngược lại, nuôi tôm trên cát với cách đầu tư công nghiệp đã đem lại thành công cho hầu hết nông hộ trên địa bàn các huyện Thăng Bình và Núi Thành.
Tuy nhiên, thời gian gần đây trong khi nuôi tôm trên cát rơi vào cảnh đồng không mông quạnh thì thu nhập cao đã đến với người nuôi tôm ở vùng triều ven sông.
Những mô hình thành công
Tháng 1.2015, gia đình ông Dương Văn Nhựt (thôn Cổ Linh, xã Bình Sa, Thăng Bình) đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông Trường Giang trên diện tích 4.000m2. Với quỹ đất này, gia đình ông Nhựt đã bố trí 1 ao nuôi tôm được lót bạt xung quanh, 3 ao nuôi còn lại đều là ao đất. Các ao nuôi có diện tích bằng nhau. Mật độ tôm thả nuôi ở mỗi ao cũng bằng nhau: 100 con/m2. Sau 3 tháng thả nuôi, ở ao lót bạt, tôm nuôi phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, gia đình ông Nhựt thu gần 1 tấn tôm. Trong khi đó, tỷ lệ sống của tôm nuôi ở 3 ao nuôi đất thấp hơn, ông Nhựt thu được trung bình 700kg/ao nuôi. Với giá tôm thương phẩm đạt 100 nghìn đồng/kg, ông Nhựt lãi gần 40 triệu đồng ở ao nuôi lót bạt. Còn ở 3 ao nuôi đất, ông Nhựt thu lãi khoảng 70 triệu đồng.
Gia đình ông Dương Văn Nhựt đã thu được giá trị kinh tế cao từ thành công của mô hình nuôi tôm ở vùng triều.Ảnh: QUANG VIỆT |
Cùng ở huyện Thăng Bình, từ cuối năm 2014 đến nay, gia đình ông Nguyễn Xuân Đàn (thôn Đông Tác, xã Bình Nam) cũng đầu tư thâm canh nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông Trường Giang với diện tích hơn 3.000m2. Để thuận tiện cho sản xuất, ông Đàn phân bố đều đặn mỗi ao nuôi có diện tích 1.000m2. Phần diện tích còn lại, ông Đàn dùng làm ao chứa lắng để “dự trữ” nguồn nước tốt, cung cấp cho 3 ao nuôi khi cần. Tôm giống gia đình ông Đàn sử dụng nuôi có thương hiệu Việt Úc, được cung cấp từ Ninh Thuận. Mật độ thả nuôi không quá 100 con/m2. Đến thời điểm này, gia đình ông Đàn đã kết thúc 2 vụ nuôi. Ở mỗi vụ nuôi trong thời gian 3 tháng, năng suất thu hoạch của gia đình ông Đàn đạt gần 1 tấn tôm ở mỗi ao nuôi. “Mặc dù là thâm canh nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng gia đình chúng tôi chỉ dừng lại ở mật độ nuôi khoảng 100 con/m2. Với sự khắc nghiệt của thời tiết trong thời gian qua, mình vẫn có thể chủ động xử lý khi nuôi với mật độ vừa phải thế này. Nếu nuôi nhiều, nắng nóng kéo dài mà không cung cấp đủ oxy, tôm nuôi sẽ chết rất nhanh” - ông Đàn nói. Câu chuyện tương tự cũng xảy đến với gia đình ông Đỗ Văn Lành (khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) khi nuôi tôm thâm canh bằng hình thức lót bạt trong thời gian gần đây.
Nuôi tôm an toàn
Tại sao nuôi tôm trên cát thành công nhanh mà thất bại cũng chóng vánh? Nhiều ý kiến cho rằng, do chạy theo lợi nhuận, người nuôi đã tự rơi vào cái bẫy “đánh nhanh, thắng nhanh” của chính mình, đầu tư kém nên dẫn đến thất bại. “Tôm giống được nuôi dù chất lượng tốt đến mấy cũng không nằm ngoài quy luật chịu tác động lớn bởi môi trường xung quanh. Nuôi tôm trên cát thành công ở những thời điểm thời tiết ổn định, môi trường nước trong ao nuôi ít bị xáo trộn. Người nuôi đã rất chủ quan khi cho rằng, nguồn nước được lấy trực tiếp từ biển, là hoàn toàn phù hợp cho tôm nuôi phát triển nhưng rồi thất bại. Chung quy lại là cách đầu tư, càng ổn định mọi yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm nuôi thì cơ sở thành công của người nuôi càng lớn hơn” - ông Trần Đăng Tùng (một trong số ít ỏi những hộ nuôi vẫn còn thành công với nghề đến thời điểm này ở thôn Đồng Trì của xã Bình Hải) nói. Đối chiếu sự phân tích này với thành công của các mô hình nuôi tôm ở vùng triều ven sông trong thời gian gần đây có thể thấy nuôi tôm an toàn sẽ là mẫu số chung dẫn đến thành công của nghề nuôi tôm nước lợ.
Nếu so sánh giữa nuôi tôm ở vùng triều ven sông với nuôi tôm trên cát, điều khác biệt dễ thấy nhất là hạ tầng vùng nuôi. Các công trình nuôi tôm ở vùng triều ven sông vẫn còn bị hạn chế đến thời điểm này dù người nuôi cố công khắc phục trong suốt một thời gian dài. Đó là giao thông hạn chế, thủy lợi không đảm bảo, bờ ao nuôi dù luôn được gia cố nhưng vẫn có thể thẩm lậu nguồn nước từ bên ngoài vào trong. Theo ông Dương Văn Nhựt, cách tốt nhất để người nuôi hạn chế sự tác động xấu của các yếu tố môi trường đến tôm nuôi là lót bạt cho ao nuôi và sử dụng ao chứa lắng. “Từ lợi nhuận tích lũy được, tôi sẽ lót bạt cho tất cả ao nuôi của mình trong thời gian đến. Theo tôi, nếu các hộ nuôi có điều kiện thì nên đầu tư giàn lưới chắn bố trí mặt trên ao nuôi. Cái lợi rất lớn là có thể hạn chế nắng nóng đến ao nuôi, ngoài ra cũng có thể khắc phục sự lây lan của mầm bệnh từ ao nuôi khác thông qua chim, cò, các loài côn trùng khác. Còn ao chứa lắng sẽ giúp chuẩn bị sẵn nguồn nước tốt đã qua xử lý thì không phải lo sự xâm nhập của mầm bệnh vào ao đang nuôi tôm khi phải thay nước. Đó là các điều kiện tiên quyết để hướng đến thành công theo kinh nghiệm nuôi tôm của tôi” - ông Nhựt nói.
Theo một cán bộ của Sở NN&PTNT, có thể nhận thấy tính “trình diễn” rất lớn từ thành công của các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông. Ngành chức năng khuyến cáo, các nông hộ cần đầu tư kỹ càng để nuôi tôm an toàn nếu không thì nên chuyển các diện tích nuôi tôm sang nuôi các đối tượng khác như cua, cá; tránh thiệt hại, tổn thất.
NGUYỄN QUANG VIỆT