Nhộn nhịp mùa hấp cá
Mùa hấp cá ở Thăng Bình nhộn nhịp hẳn vào những ngày này, không chỉ giải quyết nhiều việc làm mà còn tăng thu nhập cho các lao động trên địa bàn.
“Ngày hội” cá cơm
Những ngày qua, không khí hấp cá tại cơ sở của gia đình ông Nguyễn Văn Kiệt (tổ 5, thôn Tân An, xã Bình Minh) sôi động từ sáng sớm đến tối mịt. Hằng ngày, khi các tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn cập bến thì cũng là lúc khoảng 40 lao động tại cơ sở của ông Kiệt bắt đầu công việc. Công việc đầu tiên của các lao động khi cá tươi được chuyển về cơ sở là rửa, sau đó cá được chuyển đến các lò để sơ chế rồi hấp. Chị Nguyễn Thị An, một lao động ở cơ sở hấp cá của ông Kiệt, cho biết: “Tôi gắn bó với nghề này hàng chục năm nay rồi. Công việc dù đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo nhưng cũng rất gọn nhẹ, không phải dùng nhiều sức. Cứ vào mùa hấp cá như thế này thì tôi được gọi đến làm. Khi nghề này rỗi vào mùa biển động, tôi chuyển sang làm các nghề phụ khác tại địa phương. Chỉ mong nghề này rộn rã quanh năm để chúng tôi không phải vất vả tìm việc khác để trang trải cuộc sống” .
Nghề hấp cá tạo nguồn thu đáng kể cho lao động trên địa bàn huyện Thăng Bình. Ảnh: Q.VIỆT |
Chị An cho biết thêm, để có được các mẻ cá hấp chất lượng, đòi hỏi các lao động phải thật sự tập trung vào công việc. Ở công đoạn rửa cá, cá được trải mỏng lên các nệp lưới, vỉ lưới, nhúng vào bể nước, phải rửa cá thật nhẹ tay nếu không cá sẽ bị trầy, nát, bươm đầu. Vì cá được hấp để xuất khẩu nên yêu cầu này phải được đảm bảo nếu không sẽ được trả về khi xuất bán, thua lỗ. Sau khi rửa, cá được cho vào nồi hấp chừng 5 phút, được nhẹ nhàng vớt ra và cho đi phơi khô. “Công việc nặng nhọc nhất của nghề hấp cá là phải đưa một lượt chừng 20 vỉ cá vào nồi hấp đang liên tục phả hơi nóng ngột ngạt ra tận mặt người. Sau khi hấp, cá được phơi, nắng càng giòn càng tốt, thân cá vừa cứng vừa bắt mắt, rất được giá” - chị An cho biết thêm.
Từ sáng sớm đến đứng bóng trưa, các công đoạn rửa cá và hấp cá được hoàn thành. Đến tối mịt, hàng chục tấn cá được phơi khô trong ngày sẽ được các lao động vận chuyển về kho để làm lạnh và đóng gói, hoàn thành sản phẩm và xuất khẩu. Các công đoạn hấp cá trong ngày diễn ra quá rộn rã đến nỗi các lao động nữ ví von như “ngày hội” của cá cơm.
Nguồn thu đáng kể
Theo UBND xã Bình Minh, cá cơm là một trong những loại hải sản chính mà ngư dân trên địa bàn đánh bắt được. Thời gian qua nghề lưới vây trũ làm ăn phát đạt đã cung ứng đầu vào tương đối dồi dào cho các cơ sở hấp cá trên địa bàn. Xã luôn khuyến khích các cơ sở hấp cá mở rộng sản xuất để giải quyết đầu ra hải sản cho ngư dân và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương. |
Hiện tại, các cơ sở hấp cá trên địa bàn huyện Thăng Bình đều tập trung tại thôn Tân An của xã Bình Minh nhờ nơi đây sở hữu bến cá Tân An, là đầu mối cung cấp cá để hấp. Có hơn 120 lao động nữ tại đây chuyên nghề hấp cá. Trong số 3 cơ sở hấp cá tồn tại đến thời điểm này, cơ sở hấp cá của gia đình ông Kiệt là có quy mô lớn nhất. Có ngày, cơ sở này hấp được hàng chục tấn cá cơm nguyên liệu rồi đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ. Ông Kiệt cho biết, trước đây cơ sở hấp cá rồi bán trực tiếp cho đối tác nước ngoài. Các tư thương người Trung Quốc đến tá túc tại nhà, chờ đủ khối lượng cá hấp thì thu mua rồi chuyển về Trung Quốc bán lại. “Không hiểu sao mấy năm nay không thấy đối tác người Trung Quốc đến mua hàng. Để đảm bảo đầu ra, chúng tôi đã liên kết với doanh nghiệp ở Bình Thuận, khi đủ khối lượng cá hấp sẽ chuyển vào, họ xuất bán sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan” - ông Kiệt nói.
Theo tính toán của ông Kiệt, trung bình mỗi năm, cơ sở hấp được khoảng 170 tấn cá cơm thành phẩm. Với lượng sản phẩm này, chủ cơ sở thu được hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí sản xuất. Ông Kiệt cũng cho biết, mỗi lao động tại cơ sở có nguồn thu khoảng 4 triệu đồng/tháng. “Cái khó nhất của nghề này không phải ở đầu ra sản phẩm mà là nguyên liệu đầu vào. Biển cả khó lường, có khi hàng chục ngày trời chúng tôi không có cá cơm để hấp. Hơn nữa, cá cơm cũng được ngư dân sản xuất theo thời điểm nên cơ sở không chủ động được nguyên liệu. Nhiều khi chúng tôi liên hệ đến các địa phương khác như Duy Xuyên, Núi Thành nhưng mới đảm bảo được một phần lượng cá để sản xuất” - ông Kiệt cho biết thêm.
Giống như chị An, đa số các lao động hấp cá tại xã Bình Minh đều gắn bó với nghề không dưới 10 năm nay. Họ cho rằng, nghề này đã tạo sinh kế tương đối ổn định cho gia đình họ. “Thu nhập trung bình 4 triệu đồng sau mỗi tháng làm việc cao hơn hẳn so với các nghề gánh cá thuê, bán mắm mà tôi đã lao động trước đây. Với nguồn thu này, chúng tôi trang trải việc học hành cho con cái cũng dễ dàng hơn trước. Ngoài ra, gia đình dành dụm được một khoản tiền không nhỏ, lỡ có ốm đau cũng có nguồn xoay xở” - chị Ngô Thị Ái, lao động tại cơ sở hấp cá của gia đình ông Kiệt cho biết.
NGUYỄN QUANG VIỆT