Hiu hắt cánh đồng tôm trên cát
Cách đây chưa lâu, nuôi tôm trên cát ở Quảng Nam rầm rộ đến mức người dân thi nhau phá vườn, phá rừng phòng hộ, đào ao nuôi tôm, vậy mà ở thời điểm vụ chính trong năm, nhiều cánh đồng nuôi tôm trên cát vắng hoe vắng ngắt.
Đồng tôm trơ nắng
Tháng tư, nắng như hắt lửa vào mặt người. Ở các cánh đồng nuôi tôm trên cát, nắng càng gay gắt hơn. Từ sáng sớm cho đến trưa đứng bóng, khắp các cánh đồng nuôi tôm trên cát từ Bình Nam cho đến Bình Hải (Thăng Bình), thưa vắng bóng người. Khác hẳn với mọi năm, thời điểm này tôm nuôi liên tục được xuất bán, thương lái ùn ùn kéo xe băng trên đường Thanh niên ven biển. Mới đó mà đã tiêu điều xác xơ. Cảnh tượng hiu hắt hơn khi lều bạt rách nát, ao nuôi phơi đáy, quạt nước chỏng chơ. “Có quá ít người nuôi tôm đến mua thức ăn khiến chúng tôi nản lòng. Men vi sinh, thuốc thú y, vitamin, khoáng chất nằm la liệt trong quầy đến mấy tháng nay cũng chẳng hề có dấu tay động đến. Thời điểm này ở năm trước, hàng không kịp chở về để bán. Vậy mà nay chẳng mấy ai đến mua. Có khi chúng tôi cũng vỡ nợ bởi lãi ngân hàng đội lên mà hàng thì không bán được” - anh Nguyễn Văn Á, một chủ hàng bán thức ăn nuôi tôm ở Bình Nam nói.
Chỉ còn số ít hộ nuôi tôm trên cát tiếp tục đầu tư tại xã Bình Hải. Ảnh: N.Q.V |
Phải đợi đến khi anh Hồ Quang Cường, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Bình Hải cùng đi đến “hiện trường” thì chúng tôi mới gặp được vài chủ hộ nuôi tôm trên cát. “Chỉ một số ít nông hộ trên địa bàn đến báo lại với xã về tình hình tôm nuôi chết hàng loạt còn phần lớn hộ nuôi thì bỏ ao, đi biền biệt. Nuôi tôm trên cát như đánh bạc vậy mà, không biết lúc nào thì được, khi nào thì thua lỗ” - anh Cường cho biết. Theo anh Cường, khi tôm nuôi có dấu hiệu bị dịch bệnh chết hàng loạt thì cả vùng nuôi tiêu điều, ít người nuôi xoay xở được gì. Vụ này có tôm chết thì vụ tiếp tôm nuôi cũng khó mà khác được. “Nhiều bệnh xảy đến với tôm nuôi mà hội thảo này tiếp nối hội thảo khác, nhiều chuyên gia phân tích, hiến kế vậy mà vẫn chào thua thì người nuôi tôm là nông dân thì chống chọi được gì. Dịch bệnh đã xảy đến với nuôi tôm thì chỉ có nước vay tiền trả nợ thôi. Nuôi tôm trên cát đầu tư lớn nên thua lỗ càng nặng nề” - anh Cường nói. Bởi vậy, hiện tại, trong số hơn 100ha nuôi tôm nằm trong quy hoạch tạm thời của tỉnh chỉ còn một số ít hộ nuôi tiếp tục thả nuôi từ đầu năm đến nay.
Một trong số các nông hộ còn đầu tư nuôi tôm trên cát ở xã Bình Hải là anh Nguyễn Văn Một ở thôn Hiệp Hưng. Từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình anh Một nuôi tôm thẻ chân trắng trên 5 ao nuôi có tổng diện tích là 5.000m2. Anh Một trả lời là “không biết” khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân khiến cho tôm nuôi chết hàng loạt đến thời điểm này. “Gia đình chúng tôi cũng đầu tư giống như các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát khác ở đây từ đầu năm đến chừ. Khi nào đầu tư còn có lãi thì chúng tôi tiếp tục. Sự khác biệt theo chúng tôi chỉ là… may mắn” - anh Một nói. Sự giống nhau trong nuôi tôm trên cát của các nông hộ ở xã Bình Hải là sử dụng con giống tốt, thức ăn và thuốc thú y “hàng hiệu”, lấy nước trực tiếp từ biển, quy trình nuôi khắt khe theo tiêu chuẩn VietGAP. Cũng cách đầu tư này, trong vài năm qua, nhiều hộ nuôi tôm trên cát đã thu lãi tiền tỷ chỉ trong một năm thả nuôi.
“Chưa được khuyến cáo gì”
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát trong thời gian gần đây tại Quảng Nam được đầu tư rất thấu đáo, từ con giống, nguồn nước, thức ăn, quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi cho đến cách xử lý khi tôm nuôi có dấu hiệu bất thường. Điều đó thể hiện rõ cách đầu tư quy mô lớn theo hướng công nghiệp. Hiện tượng đồng không mông quạnh trong nuôi tôm trên cát như đã đề cập có thể chỉ là do giá tôm xuất khẩu xuống thấp vào thời điểm hiện tại nên người nuôi chưa mặn mà. Theo bà Tâm, giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm đối với cỡ tôm 100 con/kg trong mấy tháng gần đây là 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành để đầu tư nuôi được 1kg tôm dao động ở mức 75.000 - 80.000 đồng/kg. Ước tính thu lãi thấp nên các nông hộ chưa đầu tư nuôi tôm nhiều. Cũng theo bà Tâm, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn quy trình nuôi, thẩm định phương án kỹ thuật và thẩm định phương án xử lý môi trường còn xác định bệnh tôm nuôi và hướng dẫn phòng tránh bệnh thuộc về Chi cục Thú y Quảng Nam.
Ông Phạm Thành Hồng Lĩnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra tại các địa phương, ngành chức năng đã phát hiện tôm nuôi có hiện tượng chết rải rác do tác động của môi trường, có tổng diện tích 30,5ha, tập trung chủ yếu tại TP.Tam Kỳ (5,5ha), TP.Hội An (6ha), Núi Thành (10ha) và Thăng Bình (9ha). Điều rất lạ là cả 2 đợt lấy mẫu xét nghiệm bệnh trên tôm nuôi của Sở NN&PTNT đến thời điểm này lại hướng vào các vùng triều ven sông chứ không tập trung vào nuôi tôm trên cát. Trong khi đó, trong 9ha diện tích tôm nuôi bị chết của huyện Thăng Bình thì ngành chức năng chỉ “giới hạn” ở xã Bình Sa: 4ha, Bình Nam: 5ha còn xã Bình Hải thì không hề có mẫu tôm nuôi nào được lấy xét nghiệm, diện tích tôm nuôi bị chết cũng không hề được đề cập. “Có hơn một nửa diện tích nuôi tôm trên cát ở xã Bình Hải không được tiếp tục đầu tư do tôm nuôi bị chết hàng loạt trong thời gian qua. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được khuyến cáo gì từ ngành chức năng để hướng dẫn người nuôi ổn định sản xuất trong thời gian đến” - anh Hồ Quang Cường cho biết thêm.
NGUYỄN QUANG VIỆT