Hiện đại hóa nghề cá
Hoạt động khai thác hải sản của Quảng Nam trong những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc. Chủ trương hiện đại hóa nghề cá của tỉnh đang dần thành hiện thực.
Trước những năm 2000, Quảng Nam không có nhiều tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ. Tập quán sản xuất ven bờ đã ăn sâu vào tiềm thức của ngư dân. Tuy nhiên, từ nỗ lực và khát vọng hiện đại hóa phương tiện để vươn khơi bám biển, đến năm 2007, ngư dân toàn tỉnh đã có được 110 tàu có công suất từ 90CV trở lên, đến nay số tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh là 438 chiếc. Cách đây đúng 2 năm (tháng 3.2013), Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam chính thức đi vào hoạt động giúp ngư dân có thêm nguồn vốn đầu tư phương tiện. Thời điểm đó, nguồn vốn ngân sách của quỹ là 20 tỷ đồng, nay đã tăng lên 40 tỷ đồng. Với phương thức cho vay 0% lãi suất, mức vay 1,5 tỷ đồng/phương tiện, ngư dân đã tiếp cận và đóng mới được 23 tàu có công suất từ 600CV trở lên. Đến thời điểm này, nguồn vốn còn lại của quỹ là 10 tỷ đồng, tiếp tục làm “bà đỡ” của ngư dân trong thời gian tới. Ngoài Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, thời gian qua ngư dân trên địa bàn tỉnh còn được tiếp sức vốn vay từ chính sách hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh, gần đây Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) cũng tạo thêm nguồn lực để chủ trương hiện đại hóa nghề cá sớm trở thành hiện thực.
Ngư dân Phan Thu ký kết hợp đồng đóng tàu vỏ thép với đại diện Công ty Hải Sơn (TP.Đà Nẵng). |
Với con tàu vỏ thép được đóng mới nhờ vào nguồn vốn vay 12,6 tỷ đồng theo Nghị định 67, gia đình ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) sẽ bám biển bằng nghề lưới rê hỗn hợp kiêm câu cá ngừ đại dương. Hai nghề mới mẻ này sẽ làm đa dạng ngành nghề sản xuất của ngư dân Quảng Nam. Đây là những nghề được đánh giá cho hiệu quả kinh tế khả quan. “Ngoài phương thức sản xuất chuyên nghề, ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức lại sản xuất trên biển bằng cách đánh bắt hải sản kiêm nghề. Có thể khẳng định, đa dạng các nghề, nhóm nghề trong sản xuất đã đem lại thu nhập cao cho ngư dân trong thời gian qua” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết.
Tàu cá của ngư dân Võ Hồng Nhân chuẩn bị ra khơi |
Cùng với việc phát triển số lượng đội tàu xa bờ, đa nghề, ngư dân Quảng Nam cũng đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Hầu hết phương tiện được trang bị hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến, ngư lưới cụ hiện đại, hầm bảo quản sản phẩm công nghệ cao. Nhờ được hỗ trợ 100% kinh phí mua máy thông tin liên lạc có định vị vệ tinh GPS nên ngư dân Võ Hồng Nhân (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) đã trang bị cho tàu câu mực khơi của mình thiết bị tiên tiến này. Anh Nhân cho biết: “Để câu mực khơi hiệu quả, chúng tôi phải sản xuất xa bờ ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Do rất xa đất liền nên để yên tâm khi sản xuất, chúng tôi đã lắp đặt thiết bị vệ tinh GPS. Khi nhắn tin từ thiết bị này về trạm bờ, ngành chức năng biết rõ vị trí hoạt động của tàu cá nên sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết”...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, tiềm năng khai thác hải sản của Quảng Nam là rất lớn. Trong những năm qua, khai thác hải sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân ven biển. Sự hiện diện của ngư dân Quảng Nam ở các ngư trường xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa đã và đang góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia. Nghề cá của Quảng Nam đã không ngừng lớn mạnh trong thời gian qua. Để tiếp tục hiện đại hóa nghề cá của tỉnh, thời gian tới các ngành liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với ngư dân trong triển khai Nghị định 67, để các đội tàu hiện đại ở Quảng Nam ngày càng vững mạnh.
NGUYỄN QUANG VIỆT