Nghề mành mùng vào vụ

VIỆT QUANG 12/03/2015 10:15

Thời điểm này, ngư dân theo nghề mành mùng trên địa bàn xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ, bắt đầu vụ sản xuất chính.

Nghề mành mùng đem lại thu nhập khá cho ngư dân xã Tam Thanh. Ảnh: V.QUANG
Nghề mành mùng đem lại thu nhập khá cho ngư dân xã Tam Thanh. Ảnh: V.QUANG

Là một trong những xã bãi ngang ven biển, lâu nay ngư dân trên địa bàn xã Tam Thanh chủ yếu sản xuất ven bờ, nhiều nhất là các nghề lưới cá trích, lưới cá hố. Nhờ chắt chiu, tích cóp được nguồn vốn kha khá, một số ngư dân đã chủ động học nghề rồi đóng mới hoặc mua lại tàu cũ của các ngư dân khác, chuyển đổi ngư trường sản xuất ra tuyến lộng. Nghề mới mà ngư dân xã Tam Thanh học được là mành mùng. Khi chúng tôi tìm đến, ông Lê Văn Vinh, chủ tàu cá theo nghề mành mùng ở thôn Hạ Thanh 2 đang tất bật khiêng lưới, chuẩn bị cho chuyến biển đầu tiên của năm. Ông Thanh cho biết: “Nhờ tích lũy vốn liếng qua hơn 10 năm sản xuất trên biển cộng với vốn vay, chúng tôi đã sắm được chiếc tàu QNa-04046 có công suất 90CV theo nghề mành mùng. Các chuyến biển ở tuyến lộng của nghề này cho sản lượng khá. Nếu bán hải sản được giá, gia đình có nguồn thu nhập cao”.

Theo ông Thanh, mỗi chuyến ra khơi của nghề mành mùng thường gồm 10 lao động. Ngư trường sản xuất cách các vùng biển Cù Lao Chàm, Lý Sơn khoảng 20 hải lý. Sản phẩm chính của nghề là cá cơm, cá nục, cá ngừ và cả mực nang, mực ống. “Tàu cá chúng tôi đánh bắt theo mùa trăng. Cứ sau mỗi lượt đánh bắt trong 1 - 2 ngày đêm thì chúng tôi bán hải sản cho các tàu theo nghề rổi. Sau đó, chúng tôi tiếp tế các nhu yếu phẩm như gạo, thực phẩm, đá cây, gas rồi lại sản xuất tiếp. Đến hết mùa trăng thì chúng tôi vào bờ” - ông Thanh nói.  

Cũng tại thôn Hạ Thanh 2, gia đình ông Huỳnh Văn Thành cũng khẩn trương chuẩn bị ngư lưới cụ, đá cây và các vật dụng cần thiết cho chuyến biển bằng nghề mành mùng vào những ngày này. Ông Thanh theo nghề mành mùng từ 5 năm qua. Sản xuất ở tuyến lộng đem lại thu nhập khá hơn so với tuyến bờ bằng nghề lưới cá trích trước đây. Khai thác trên biển rồi bán lại ngay sản phẩm cho các tàu rổi nên phương tiện của ông Thành tận dụng được nhiều thời gian bám biển và tốn ít chi phí. “Con tàu QNa-90802 có công suất 110CV được chúng tôi mua lại trong 5 năm qua. Trung bình sau mỗi chuyến sản xuất trên biển trong khoảng 20 ngày với 10 lao động, chủ tàu thu được khoảng 15 triệu đồng, “bạn” được chia khoảng 8 triệu đồng. Khi con trăng lặn, chúng tôi ra khơi, sản xuất đến khoảng mùng 10 âm lịch thì vào bờ” - ông Thành cho biết.

Ông Võ Chí Thanh, cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Thanh cho biết, dù mới du nhập được nghề mành mùng nhưng ngư dân trên địa bàn đã quen thuộc với phương thức sản xuất mới này và đánh bắt đạt hiệu quả. Trong số 3.500 tấn hải sản thu được mỗi năm của xã Tam Thanh, nghề mành mùng chỉ mới đóng góp được vài trăm tấn. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất của nghề này cao hơn hẳn so với các nghề sản xuất ven bờ. Bình quân, mỗi “bạn” theo nghề này thu được hơn 60 triệu đồng trong thời gian sản xuất từ đầu tháng 3 cho đến hết tháng 10. Vào đầu vụ, thời tiết thuận lợi nên ngư dân thuận tiện với chuyến biển mở hàng đầu năm.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG