"Nghệ nhân" đóng tàu

NGUYỄN QUANG VIỆT 25/02/2015 08:51

Ông Trần Công Nho (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) đã có đến hơn 30 năm theo nghề đóng tàu vỏ gỗ. Ông tâm niệm rằng, đóng tàu là nghề “đặc biệt” bởi sản phẩm do mình làm ra không chỉ đạt yêu cầu thẩm mỹ mà quan trọng hơn là phải có sức vóc của một “chiến mã”, đủ khả năng đương đầu với sóng gió biển khơi.

Trần Công Nho bên con tàu mới vừa hoàn thành. Ảnh: Q.VIỆT 
Trần Công Nho bên con tàu mới vừa hoàn thành.

“Nhạy cảm” với gỗ

Trong suốt cuộc chuyện trò với chúng tôi, ông Nho say sưa diễn giải về các loại gỗ được sử dụng để đóng tàu. Theo ông, phải kết hợp các loại gỗ khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau thế nào hợp lý để đem lại tính năng sử dụng tốt nhất cho con tàu. “Để hoàn thành một con tàu vỏ gỗ bắt buộc người thợ cả phải sử dụng nhiều loại gỗ như kiền kiền, sao, sồi, pơ mu, gụ, trắc, cẩm lai, mun… Mỗi loại gỗ có độ cứng, mềm, dẻo, khô khác nhau, đòi hỏi phải bố trí hợp lý vào các bộ phận khác nhau trên con tàu cũng như kết hợp chúng với nhau hài hòa để phát huy cao nhất các ưu điểm. Phải “hiểu” gỗ để tạo nên những con tàu… nghệ thuật” - ông nói.

Ông Nho hiện là Giám đốc Công ty TNHH Truyền Tin chuyên về đóng, sửa tàu thuyền. Để có được cơ sở đóng tàu có quy mô như hiện tại, ông đã trải qua nhiều quãng thăng trầm. “Hồi còn học cấp 2, tôi thích gần gỗ hơn là gần sách. Khi đó, cha tôi có một cơ sở đóng tàu thuyền như tôi bây giờ. Ông chỉ bày rằng, tri thức nào cũng có ý nghĩa lớn hết, gỗ cũng là tri thức. Nhưng lúc bấy giờ cha tôi khuyên nên học chữ để hiểu biết, tiến thân còn sau này có duyên thì gắn bó với gỗ cũng không muộn” - ông Nho kể. Vậy nhưng, gỗ như có bùa, cứ níu lấy người thiếu niên nhỏ tuổi. Trần Công Nho được truyền nghề từ người cha, 18 tuổi bắt đầu làm thợ rồi làm thầy đóng tàu, tiếp tục chỉ dạy, giúp nhiều người trở thành những thợ đóng tàu giỏi.

Ông Nho chia sẻ, ông bà mình nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Lúc trẻ ông cũng mong ước sẽ thành công qua con đường học vấn, nhưng niềm đam mê đóng tàu cứ níu kéo nên bỏ học, tưởng chỉ nhận được nỗi buồn của cha mẹ. Nhưng nay đã 48 tuổi, ông lại vui với vai trò là người thợ cả, đi khắp dải Nam Trung Bộ, nhận đóng tàu mới rồi huy động anh em địa phương cùng chung tay làm việc. “Trong số các vùng đất dong ruổi thời trai trẻ, tôi giữ lại những ký ức đẹp nhất ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Các vùng đất này khô cằn đá sỏi nhưng con người lại ý vị, dễ thương. Sống ở các tỉnh phía trong, mỗi nơi có tập tục khác nhau, cách sản xuất trên biển của ngư dân cũng khác, do vậy mình phải đáp ứng được các mẫu tàu, kiểu tàu khác nhau theo đòi hỏi của các chủ tàu. Qua trao đổi, không mấy khi tôi làm phật ý khách hàng” - ông Nho trải bày.

Theo ông Nho, việc uốn nắn các be tàu là một công đoạn khó trong quá trình đóng tàu.
Theo ông Nho, việc uốn nắn các be tàu là một công đoạn khó trong quá trình đóng tàu.

Sức vóc của con tàu

Theo quan niệm của ông Nho, nét đẹp nổi bật của con tàu là sức vóc của nó. “Mỗi con tàu tôi đóng đều tập trung vào những “chi tiết” mà nó có thể “chiến đấu” ở biển khơi, ngoài ra phải phù hợp với tập quán sản xuất của chủ tàu. Một con  tàu “ngon” phải có bộ “xương sống” khỏe. Thân tàu phải vừa cứng cáp vừa mềm mại, long cốt phải được làm nên từ các loại gỗ tốt nhất, đặc biệt là kiền kiền, sao. Phần mũi của con tàu chi phối độ lướt sóng của nó. Lắp máy tàu thế nào sẽ quyết định tốc độ và sự hoạt động bền bỉ của nó giữa trùng khơi. Con tàu cũng giống một con người, tổng hòa hoạt động của mỗi bộ phận trên cơ thể. Để có một con tàu đẹp đòi hỏi trước hết phải có thân tàu đẹp. Đó là vóc dáng, cũng giống như hình ảnh của mỗi con người trong cuộc sống” - ông Nho nói.

Thông thường người khác gắn máy bằng cách chập mê, (gắn máy trực tiếp vào thân tàu). Còn ông Nho lại chọn cách gắn máy đà treo, gián tiếp thông qua một giàn đà gỗ khác. Cách gắn này khó hơn nhưng ưu điểm rõ rệt là máy có không gian cách ly với nước. Khi tàu hoạt động trong điều kiện gió lớn, thân tàu chao nghiêng, nước ít khi hắt vào máy. Ngoài ra, điểm mấu chốt tạo nên khác biệt ở cách gắn máy gián tiếp là thân tàu sẽ cân bằng hơn, vững chãi hơn trong quá trình bám biển. Nhờ đó, tàu sẽ có độ lướt sóng tốt hơn, vận chuyển vừa nhanh vừa an toàn. Với cách đóng tàu vừa bắt mắt vừa hoạt động tốt, ông Nho được nhiều người gọi là nghệ nhân đóng tàu.

Ông Nho cho biết, trước đây, trong quá trình đóng tàu ở Xí nghiệp Đóng tàu Đào Long (Khánh Hội, Tri Hải, Ninh Thuận), ông đã manh nha ý tưởng đóng tàu bằng vật liệu composite. Cách làm thân tàu bằng vật liệu mới này thực chất không khó bởi chủ yếu dựa vào khuôn. Thời gian hoàn thành tàu cá bằng vật liệu composite cũng ngắn hơn so với tàu vỏ gỗ, tiết kiệm công sức. “Tôi đã đề xuất ý tưởng đóng tàu bằng vật liệu composite với Sở NN&PTNT. Ý định của tôi nhận được sự đồng tình cao của ngành thủy sản bởi nhiều ngư dân Quảng Nam cũng như các tỉnh bạn đang có nhu cầu đóng tàu bằng vỏ composite theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Hiện tại cơ sở đóng tàu của tôi đã được hoàn thiện, chỉ cần đầu tư, kiện toàn thêm một số yếu tố nữa về nhà xưởng là có thể được công nhận đủ tiêu chuẩn đóng tàu vỏ composite” - ông Nho chia sẻ.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT