Ra khơi với nghề lưới quét
Khác với các nghề lưới vây, câu mực khơi của các địa phương như Thăng Bình, Núi Thành hoạt động hiệu quả trong vụ sản xuất chính, nghề lưới quét của ngư dân huyện Duy Xuyên và TP.Hội An lại cho hiệu quả kinh tế cao trong mùa biển động.
Chuyển nghề
Vào thời điểm này, trong khi các tàu câu mực khơi và lưới vây phải nghỉ ngơi thì ngư dân theo nghề lưới quét vẫn bám biển. Do khai thác ở tuyến lộng với mỗi chuyến biển có thời gian khoảng một tuần nên chỉ cần nghe đài báo thời tiết tương đối ổn định là ngư dân lại ra khơi. Ông Cao Văn Mua (khối Phước Thịnh, phường Cửa Đại, TP.Hội An, chủ tàu cá QNa-98361) cho biết, mỗi chuyến biển của gia đình cần khoảng 8 - 10 lao động, khai thác khoảng 7 - 10 ngày, trung bình thu được khoảng 10 tạ cá. “Sản phẩm của nghề lưới quét rất đa dạng, gồm các loại cá cờ, cá dũa, cá ngừ, cá thu và có cả mực nang. Giá các sản phẩm này rất khác biệt, có khi chênh nhau đến 100 nghìn đồng mỗi ký, trong đó cá thu có giá đến 150 nghìn đồng/kg. Sau mỗi chuyến biển trúng, chủ tàu thu được vài chục triệu, mỗi “bạn” được chia 6 - 7 triệu đồng” - ông Mua nói.
Chuẩn bị ngư cụ khai thác nghề lưới quét. Ảnh: N.Q.V |
Ông Lê Công Kha (khối Phước Thịnh, phường Cửa Đại) là một trong những ngư dân gắn bó lâu năm với nghề biển ở TP.Hội An. Theo ông, nghề lưới quét phù hợp với điều kiện đánh bắt hải sản trong mùa biển động. Nghề này hoạt động ở tuyến lộng, không tốn quá nhiều thời gian bám biển như các nghề khai thác xa bờ nên ngư dân có thể linh hoạt ra khơi khi thời tiết tương đối thuận lợi. Vào mùa này, các loại cá ẩn xuống tầng đáy sinh sống nên lưới quét dễ khai thác được sản lượng lớn. Hơn nữa, do không phải ở quá lâu trên biển nên các khoản chi phí không cao, trong khi đó hải sản lại được bảo quản tốt hơn, lại bán được giá nên ngư dân có được nguồn thu nhập ổn định sau mỗi chuyến biển.
Theo ông Nguyễn Sáu, Đội phó Đội lưới quét Tân Thành - Tân Thịnh (phường Cẩm An, TP.Hội An), cách đây khoảng 5 năm, một số ngư dân địa phương đã chuyển sang đánh bắt hải sản bằng nghề lưới quét. Sau vài chuyến biển được mùa, ngư dân cùng địa bàn đã tập hợp lại và quyết định phát triển nghề này. “Trước đây, chúng tôi có đội lưới cản An Bàng làm ăn hiệu quả. Thế rồi ngư trường thu hẹp dần, các chuyến biển không còn bội thu cá, mực. Thấy nghề lưới quét làm ăn được mà cách đánh bắt không quá phức tạp nên anh em họp nhau lại và cùng vươn khơi với nghề mới này” - ông Sáu nói.
“Xóm lưới quét”
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về xã Duy Vinh (Duy Xuyên), nơi nghề lưới quét phát triển rầm rộ trong thời gian qua. Anh Huỳnh Văn Trung, cán bộ phụ trách thủy sản của xã cho biết, nghề lưới quét là “đặc sản” của ngư dân địa phương. Hiện xã đã xây dựng hẳn một khu tái định cư Binh Xá tại thôn Trà Đông để các gia đình ngư dân xôm tụ, cùng vươn khơi bám biển, gắn chặt với nghề lưới quét. Khu tái định cư này rộn ràng hơn vào những ngày áp tết. Khu tái định cư thành lập gần 5 năm qua, được người dân địa phương gọi vui là “xóm lưới quét”. Những ngày này, ngư dân lại hối hả khiêng ngư cụ ra bến sông, chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản cuối năm.
Ông Đỗ Văn Tiến, Đội trưởng Đội lưới quét C10 (Duy Vinh) cho biết, dàn lưới quét khác hẳn các dàn lưới cản, lưới vây. Điểm khác biệt là mắt lưới lớn (gần 10 phân), độ dài của lưới đến khoảng 2 nghìn mét. Cách thả lưới này cũng có điểm đặc biệt. Thường thì ở các nghề khác, ngư dân thả lưới xuôi theo dòng nước còn với lưới quét thì thả lưới theo chiều ngang của dòng nước. Khi thả lưới, nước cuốn lưới trôi rất mạnh, vươn dài hàng cây số. Ưu điểm của nghề này là khi lưới quét qua, những loại hải sản nằm ở tầng đáy đều có thể dính vào lưới. Tên gọi lưới quét cũng xuất phát từ đặc thù này. “Nghề này rất vất vả, tốn nhiều sức nhưng được cái là không bao giờ có mẻ lưới trống. Nhiều khi trúng mánh thu được cá ngừ sọc hay cá thu thì kiếm được bộn tiền. Với nghề này, chỉ cần dẻo sức và cần cù là đã không thua. Chọn được ngư trường phù hợp và sáng tạo thả lưới thì có thể thu được các mẻ cá đầy. Mỗi chuyến biển của ngư dân chúng tôi trung bình thu được khoảng chục triệu đồng” - ông Tiến nói.
Ông Võ Tấn Thành, cán bộ phụ trách Phòng Quản lý nguồn lợi (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) cho biết, trong số khoảng 15 nghìn tấn hải sản khai thác được trong vụ cá bắc thì riêng sản lượng của nghề lưới quét đã đóng góp được gần 4 nghìn tấn. Nghề này phù hợp với tập quán sản xuất trên biển của ngư dân khu vực phía bắc của tỉnh, đặc biệt khai thác hiệu quả trong mùa biển động. Vì vậy rất cần nhân rộng nghề này thành nghề chủ đạo của ngư dân Quảng Nam trong vụ cá bắc. Muốn vậy, trước tiên cần tổ chức hội thảo về nghề này. Sau đó nếu nhân rộng thì nên hỗ trợ vốn để ngư dân sắm sửa ngư lưới cụ, hỗ trợ về kỹ thuật để có cách đánh bắt mang lại hiệu quả cao.
NGUYỄN QUANG VIỆT