Vụ cá lăng nha chết hàng loạt: Do Phú Ninh xả nước đường đột?
Sau gần 4 tháng thả nuôi, cá lăng nha tại hồ chứa nước Đá Vách (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) đang phát triển tốt bỗng nhiên chết hàng loạt. Những hộ nuôi cá cho rằng nguyên do là Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh xả nước đường đột.
Mô hình nuôi cá lồng tại hồ Đá Vách.Ảnh: Q.VIỆT |
Thất bại mô hình nuôi cá lăng nha
Được sự hỗ trợ con giống, kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, tháng 4.2014, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Tiên Phước triển khai mô hình nuôi cá lăng nha tại hồ chứa nước Đá Vách. Tổ hợp tác nuôi cá do ông Phạm Văn Hoài (thôn 5, xã Tiên Cảnh) tiếp nhận mô hình. “Sau khi được nhận hỗ trợ để nuôi cá lăng nha, chúng tôi đã nuôi cá đúng quy trình kỹ thuật mà ngành thủy sản của tỉnh và huyện đã tập huấn kỹ trước đó. Sau 4 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, trung bình mỗi con đạt trọng lượng 0,4kg. Vậy mà bỗng nhiên cá yếu đi rõ rệt khi Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh xả nước vào chiều ngày 14.8.2014. Từ đó trở đi, mỗi ngày có đến 50 - 70 con cá lăng nha bị chết. Cầm cự bơm nước, bổ sung ôxy để cá có thể thở được nhưng đến ngày 21.8.2014 thì cá chết trắng hồ. Chúng tôi đã báo cáo cấp trên xem xét, giúp đỡ trong suốt thời gian đó nhưng không thể làm gì khi nguồn nước ở hồ đã xuống mực nước chết” - ông Phạm Văn Hoài cho biết.
Ông Võ Ngọc Lễ, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Tiên Phước xác nhận, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 9 nghìn con giống cá lăng nha cùng các vật tư, kỹ thuật phục vụ nuôi cá lăng nha với tổng kinh phí hơn 82 triệu đồng để địa phương triển khai mô hình. “Đây là mô hình nuôi thủy sản đầu tiên mà huyện Tiên Phước được nhận hỗ trợ từ ngành thủy sản của tỉnh. Sau khi khảo sát kỹ các hồ chứa nước ở các xã Tiên Sơn, Tiên Lộc, Tiên An và Tiên Cảnh chúng tôi đã chọn hồ Đá Vách ở xã Tiên Cảnh để triển khai mô hình vì nơi đây có nhiều thuận lợi về giao thông, nguồn nước và nhất là các hộ dân ở đây đã có thành công về nuôi cá nước ngọt. Chúng tôi đã được UBND huyện Tiên Phước đồng ý tổ chức hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình. Vậy mà trong khi chưa kịp hội thảo thì bỗng nhiên cá chết đến 99,9% theo ghi nhận của chúng tôi sau khi được các hộ nuôi tại hồ chứa nước Đá Vách thông báo” - ông Võ Ngọc Lễ nói. Sau khi nhận được thông báo, ngành thủy sản huyện Tiên Phước đã lập tức đến hiện trường xác định vụ việc. “Do Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh xả nước, nguồn nước tại hồ xuống đến mực nước chết. Cộng vào đó là mưa to, lượng bùn non tích lại tại địa điểm thả cá nên cá không thể thở được dẫn đến chết hàng loạt. Bùn non dính đầy mang cá khi chết đã chứng thực điều đó” - ông Lễ cho biết thêm.
Lỗi tại ai?
Thiệt hại hàng trăm triệu đồng Ngày 9.7.2014, UBND tỉnh có quyết định cho phép ông Phạm Văn Hoài, đại diện cho Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Tiên Cảnh được nuôi cá lồng bè và cá thả tự nhiên tại hồ chứa nước Đá Vách (xã Tiên Cảnh) với diện tích thả nuôi là 1,31km2. Hình thức nuôi là nuôi ghép trong lồng bè gồm các loại cá điêu hồng, lăng nha, mè, trắm cỏ và thả nuôi tự nhiên gồm các loại cá mè, cá trắm cỏ, cá chép và cá bống tượng. Theo đó, Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè do ông Phạm Văn Hoài đại diện phải ký kết hợp đồng thuê mặt nước hồ Đá Vách với đơn vị quản lý công trình là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam - cơ quan chủ quản của Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh. Trước đó, ngày 22.5.2014, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam do ông Nguyễn Đình Hải, Phó Giám đốc đã ký thỏa thuận cho phép ông Phạm Văn Hoài, đại diện cho Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Tiên Cảnh được nuôi cá tại hồ Đá Vách. Tuy nhiên, trong khi hai bên đang thương thảo ký hợp đồng để nuôi cá thì sự việc xả nước xảy ra gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình là hơn 82 triệu đồng. |
Theo tính toán của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Tiên Phước, ngay trước thời điểm cá chết, trung bình mỗi con cá lăng nha đạt trọng lượng 0,4kg. Tỷ lệ sống của cá khi triển khai mô hình đến thời điểm đó là 90%. Như vậy, đã có khoảng 3 tấn cá lăng nha bị mất trắng. Tính giá cá lăng nha thương phẩm vào thời điểm đó là 120 - 150 nghìn đồng/kg thì thiệt hại lên đến hơn 350 triệu đồng. “Sau 4 tháng thả nuôi, chỉ riêng chi phí để mua thức ăn đã tốn không dưới 100 triệu đồng. Rõ ràng đây là thiệt hại quá lớn đối với các nông hộ chúng tôi. Chúng tôi khẩn thiết mong các ngành chức năng xem xét, hỗ trợ để tái sản xuất trong thời gian đến. Chỉ có vậy thì chúng tôi mới trả lại được số tiền vay để đầu tư nuôi 9 nghìn con cá lăng nha vừa rồi” - ông Phạm Văn Hoài đề xuất. Còn ông Võ Ngọc Lễ thì nói: “Do Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh xả nước đường đột dẫn đến cá chết thì họ phải có trách nhiệm bồi thường lại cho các nông hộ triển khai mô hình. Nếu như họ thông báo trước khi xả nước vài ngày để các hộ nuôi di dời lồng bè hoặc thu hoạch sớm thì sẽ không có thiệt hại lớn như bây giờ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh cho biết, trước khi xả nước, ngành thủy lợi của tỉnh đã có gửi thông báo xả nước đến UBND xã Tiên Cảnh để các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn xử lý các lồng bè nuôi cá, tránh thiệt hại. “Ngày 14.8.2014, chúng tôi đã gửi Thông báo số 284/TB-CN đến UBND xã Tiên Cảnh để xả nước từ cao trình 21,19m xuống cao trình 16m từ ngày 14.8.2014 đến ngày 31.8.2014 để sửa chữa cống áp lực, phục vụ nước tưới cho sản xuất trong thời gian đến. Phải đến 3 - 4 ngày sau đó chúng tôi mới xả nước. Khoảng thời gian này quá đủ để địa phương và nhóm hộ nuôi cá xử lý kịp thời, tránh để cá chết. Cá chết hàng loạt là do họ chứ chúng tôi không đã thực hiện xả nước đúng quy trình” - ông Tùng nói. Tuy nhiên, ông Lê Trường Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh thì lại cho biết: “Chiều ngày 15.8.2014 chúng tôi mới nhận được thông báo xả nước của Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh. Trước đó, vào lúc 13h ngày 14.8.2014, Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh đã thực hiện xả nước rồi. Lẽ ra họ phải thông báo sớm để địa phương giúp nhóm nuôi cá lăng nha xử lý phù hợp, tránh cá chết hàng loạt. Các ngành, các cấp cần xem xét để có cơ chế hỗ trợ nhằm giảm thiệt hại của người dân”.
NGUYỄN QUANG VIỆT