Đa nghề khai thác hải sản

NGUYỄN QUANG VIỆT 09/11/2014 07:27

Nhờ kiêm nghề nên ngư dân đã linh động hơn trong việc chuyển đổi ngư trường khai thác hải sản, tránh tình trạng nằm bờ vào mùa biển động này. Trong khi đó, thời điểm này giá bán hải sản cao hơn do trái mùa nên nhiều ngư dân có những chuyến biển hiệu quả.

Mặc dù điều kiện thời tiết có nhiều biến động nhưng sản lượng khai thác hải sản vẫn tăng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Mặc dù điều kiện thời tiết có nhiều biến động nhưng sản lượng khai thác hải sản vẫn tăng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Kiêm nghề

Sở hữu đội tàu 3 chiếc là QNa-90208, QNa-90207 và QNa-90406 đều có công suất 180CV, ông Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) sản xuất trên biển bằng phương thức kiêm nghề. Tùy theo vụ mùa và điều kiện thời tiết trên biển, ông luân phiên sản xuất bằng nghề pha xúc, lưới rê hỗn hợp hoặc lưới rê 3 lớp cải tiến. Ở vụ cá bắc này, gia đình ông chủ yếu khai thác hải sản bằng nghề lưới rê hỗn hợp. “Nghề pha xúc được sản xuất thích hợp nhất với điều kiện nước trong và dòng nước yên tĩnh. Có vậy mới dùng đèn để pha được đàn cá lớn và bắt được chúng. Mùa này thời tiết thường biến động, dòng chảy của nước biển rất xiết và nguồn nước cũng đục hơn nên chúng tôi chuyển sang nghề lưới rê hỗn hợp” - ông Tăng cho biết. Theo ông Tăng, ưu điểm của nghề lưới rê hỗn hợp là có thể khai thác được đa dạng các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, ngừ, chim, nhám... Ngư trường khai thác của nghề này lại rất rộng, có thể hoạt động hiệu quả ở cả tầng mặt lẫn tầng đáy với độ sâu 30 - 80m. Ngoài ra, ngư dân có thể tận dụng nghề này để khai thác hải sản ở cả vùng biển xa lẫn ngư trường tuyến lộng.

Theo phân tích của ThS. Nguyễn Trọng Thảo (Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản, Đại học Nha Trang), cơ cấu đa nghề cho hiệu quả kép trong khai thác hải sản. “Không chỉ giảm cường lực “uy hiếp” các tầng nước, giúp bão hòa nguồn lợi mà quan trọng hơn, giúp các địa phương xây dựng lại chính sách phân phối, tiêu thụ hải sản tốt hơn. Khi có nguồn cung ứng hải sản đa dạng, dồi dào và cho giá trị kinh tế cao thì hiệu quả sản xuất của ngư dân càng được nhân lên” - ThS.Nguyễn Trọng Thảo nói.

Do đặc thù sản xuất trên biển với điều kiện thời tiết luôn biến động nên ngư dân trên địa bàn tỉnh đã năng động thích ứng bằng cách sản xuất đa nghề, đa ngư trường. Ông Nguyễn Đình Đơ (khối Châu Trung, phường Cẩm Nam, TP.Hội An) sản xuất trên biển bằng các nghề mành đèn và chụp mực với phương tiện QNa-93489 có công suất 220CV. “Trong nỗ lực chuyển ngư trường đánh bắt từ tuyến lộng sang ngư trường xa bờ, gia đình chúng tôi đã tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu được nghề chụp mực từ hơn 5 năm nay. Mỗi chuyến biển của nghề này thu hút hơn 10 lao động mà lại sản xuất trong thời gian tương đối dài, khoảng 15 ngày. Nghề này rất thích hợp khi sản xuất xa bờ trong vụ cá chính. Tuy nhiên, trong mùa biển động này, gia đình chúng tôi đánh bắt bằng nghề mành đèn, coi như lấy ngắn nuôi dài” - ông Đơ nói. Giống như gia đình ông Đơ, vào mùa biển động này, nhiều phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh cũng bám biển bằng cách sản xuất ở ngư trường gần bờ và tuyến lộng. Nghề mành đèn ở ngư trường này thu hút rất đông lao động tham gia.

Thu nhập ổn định

Chuyến sản xuất trên biển mới đây, phương tiện của ông Trần Công Tăng thu được tất thảy 6 tấn cá nục, cá ngừ, cá thu. Với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg, ông thu được 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được khoảng 80 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia 7 triệu đồng. “Đây là khoản thu nhập lớn khi các thành viên trên tàu phải sản xuất trong điều kiện biển động liên tục, có khi phải gián đoạn giữa chừng. Cái được lớn nhất trong chuyến biển này là hải sản bán với giá cao mặc dù phải bảo quản trên tàu với thời gian hơn 10 ngày” – ông Tăng nói. Sản xuất đa nghề giúp gia đình ông Tăng có được nguồn thu nhập cao, ổn định trong khi nhiều tàu khác phải nằm bờ trong mùa biển động này. Theo ông Tăng, mỗi chuyến biển của nghề lưới rê hỗn hợp của phương tiện thu hút 10 lao động, sản xuất trên biển trong 7 - 12 ngày.

Ngư dân có được thu nhập ổn định nhờ đa nghề khai thác hải sản.Ảnh: Q.VIỆT
Ngư dân có được thu nhập ổn định nhờ đa nghề khai thác hải sản.Ảnh: Q.VIỆT

Khi gặp chúng tôi, ông Nguyễn Đình Đơ rất phấn khởi bởi các chuyến biển ngắn ngày của gia đình trong thời gian qua đều bội thu tôm cá. “Điều quan trọng nhất của nghề này là phải biết “đọc” khu vực nào có nhiều hải sản để mà chong đèn dụ cá đến rồi khai thác. Kinh nghiệm mách bảo chúng tôi là nên đến các khu vực gần rạn để đánh bắt tôm cá. Với lại, vào mùa biển động, các loài cá quý như cá nhám, cá nhồng hiếm lắm, mình bán được giá cao” - ông Đơ nói. Ông Đơ tính toán, chuyến biển từ đêm đến sáng của gia đình chỉ tốn khoảng 1 triệu tiền dầu. Công lao động thì không phải chi trả do tận dụng lao động trong gia đình. Vậy mà có nhiều đêm gia đình đánh bắt được hơn 5 tạ cá nhồng, cá nhám, cá đuối, bán được hơn chục triệu đồng.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT