Tăng hiệu quả chuyến biển cho ngư dân
Huyện Thăng Bình đang giúp ngư dân tổ chức lại sản xuất bằng nhiều giải pháp linh hoạt để tăng hiệu quả chuyến biển.
Sau chuyến biển dài ngày, các tàu cá của huyện Thăng Bình đã cập bờ. Ngư dân Nguyễn Văn Thành (thôn Tân An, xã Bình Minh) - chủ tàu cá QNa 94275 có công suất 380CV theo nghề lưới vây cho biết: “Sau 20 ngày vươn khơi sản xuất tại ngư trường Hoàng Sa với 15 lao động, chúng tôi thu được 7 tấn cá nục và cá ngừ, bán được khoảng 100 triệu đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, chủ tàu thu được gần 30 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia 3 triệu đồng”. Theo ông Thành, nếu như trước đây, gia đình ông bán được gần 20 nghìn đồng/kg cá ngừ thì chuyến biển này, giá bán chỉ còn 13 nghìn đồng/kg. “Từ vụ sản xuất chính đến nay, cá ngừ, cá nục luôn bị ép giá nên hiệu quả kinh tế thu được không cao bằng mọi năm” - ông Thành chia sẻ.
Ngư dân huyện Thăng Bình chuẩn bị vươn khơi sản xuất tại các vùng biển xa. Ảnh: V.QUANG |
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, trong số 609 phương tiện đánh bắt của toàn huyện, có 95 tàu có công suất từ 90CV trở lên. Thăng Bình đã thành lập được 34 tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản với hơn 1.400 lao động. Tổng sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tăng dần theo từng năm. Năm 2008, sản lượng khai thác đạt 5.400 tấn, năm 2009 tăng 6.500 tấn, năm 2013 tăng lên hơn 11.000 tấn hải sản. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác hải sản vẫn thấp do thương lái ép giá. Điều này có căn nguyên từ việc thiếu liên kết giữa ngư dân với các cơ sở chế biến hải sản trong và ngoài tỉnh. Ngư dân trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá còn yếu. Huyện chưa có cảng cá lẫn khu neo đậu cho tàu cá. “Rất ít ngư dân trên địa bàn huyện được hưởng lợi từ cơ chế chính sách phát triển khai thác hải sản. Ngư dân rất cần nguồn vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu cá có công suất lớn nâng cao năng lực đánh bắt nhưng chưa được đáp ứng trong thời gian qua. Nhiều ngư dân phải hùn vốn lại với nhau để mua lại tàu cũ phục vụ sản xuất nhưng hiệu quả mang lại không cao” - ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói.
Mới đây, huyện Thăng Bình đã thông qua kế hoạch tái cơ cấu phát triển nghề cá trên địa bàn đến năm 2020. Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2015, hỗ trợ ngư dân đóng mới 10 tàu cá có công suất từ 600CV trở lên, cải hoán nâng cấp 14 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Để giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, Thăng Bình sẽ thành lập 3 hợp tác xã nghề cá đồng thời xây dựng mới 1 bến cá có kho đông lạnh và cơ sở đóng tàu. Đến năm 2020, huyện sẽ bổ sung vào đội tàu khai thác xa bờ 40 chiếc có công suất từ 600CV trở lên, 60 chiếc có công suất từ 90CV - 600CV. Về hậu cần, huyện ưu tiên thành lập thêm 1 hợp tác xã nghề cá, xây dựng thêm 3 cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá, 3 kho đông lạnh bảo quản hải sản và xây dựng 1 khu neo đậu tàu cá. “Để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất trên các vùng biển xa, Thăng Bình chú trọng mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 và hạng 5 cho ngư dân. Huyện chủ trương ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đó là ứng dụng bảo quản hải sản bằng hầm bảo quản bằng bọt xốp thổi Polyurethane (PU). Mô hình máy dò ngang cho hiệu quả sản xuất cao cũng sẽ được nhân rộng trong thời gian đến“ - ông Phan Công Vỹ cho biết.
VIỆT QUANG