Quy định tổ chức thực hiện chính sách phát triển thủy sản

BẢO NGUYÊN 06/10/2014 12:44

UBND tỉnh vừa có quy định về tổ chức thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chủ tàu có tên trong danh sách đủ điều kiện đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 được UBND tỉnh phê duyệt là đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay vốn tại các ngân hàng thương mại với hạn mức vay 70 - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả từ 1 - 3%/năm, còn lại ngân sách nhà nước cấp bù. Thời hạn cho vay do ngân hàng thương mại và chủ tàu thỏa thuận, nhưng thời gian được Nhà nước hỗ trợ lãi suất không quá 11 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng. Năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

Mức hỗ trợ hằng năm (mỗi người được hỗ trợ 1 lần trong năm) là 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu. Ngoài ra, hỗ trợ hằng năm (mỗi tàu được hỗ trợ 1 lần trong năm)  kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; và 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.

Các chủ tàu khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất kinh doanh cụ thể được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ, và tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển, với lãi suất vay là 7%/năm trong năm đầu tính từ ngày đối tượng ký kết vốn vay và được điều chỉnh đảm bảo lãi suất cho vay không vượt quá lãi suất cho vay thấp nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thời hạn cho vay do ngân hàng và chủ tàu thỏa thuận, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng.

Các tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên sẽ được miễn thuế tài nguyên. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá được miễn thuế môn bài. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sử dụng. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp khai thác hải sản được miễn thuế thu nhập cá nhân. Tàu, thuyền khai thác thủy, hải sản được miền thu lệ phí trước bạ.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 - 800CV; 60 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên (hỗ trợ tối đa 10 chuyến biển/năm). Đồng thời hỗ trợ các chủ tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên khi thực hiện duy tu, sửa chữa tàu định kỳ theo chi phí thực tế tính toán căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ của Bộ NN&PTNT, nhưng mức chi không quá 1% giá trị đóng mới.

BẢO NGUYÊN

BẢO NGUYÊN