Kết thúc vụ sản xuất hải sản chính: Nghề chủ lực đạt hiệu quả

NGUYỄN QUANG VIỆT 06/10/2014 09:31

Ngư dân trên địa bàn tỉnh vừa kết thúc vụ sản xuất chính trong năm (từ tháng 4 đến tháng 9). Nhiều nghề khai thác chủ lực như câu mực khơi, chụp mực… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Kiên trì bám biển

Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) - địa phương có nghề câu mực khơi lớn nhất tỉnh - cho biết, trong số 10 nghìn tấn hải sản khai thác được trong vụ sản xuất chính thì nghề câu mực khơi đóng góp đến 8.500 tấn (tăng 1 nghìn tấn so với cùng kỳ). “Bước vào vụ sản xuất chính này, ngư dân gặp khó khăn vì chi phí sản xuất tăng quá cao, nhưng giá mực khơi lại xuống thấp chưa từng có. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì bám ngư trường, có nhiều chuyến biển bội thu nên vụ này ngư dân thu được kết quả khả quan” - ông Châu nói. Ông Lương Văn Cam (thôn Đông An, xã Tam Giang) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90039 có công suất 900CV vừa hoàn thành chuyến câu mực khơi thứ 3 trở về từ ngư trường Hoàng Sa. Ông Cam cho biết: “Với 40 lao động sản xuất trên biển trong thời gian 90 ngày, trung bình tàu chúng tôi thu được 40 tấn mực khô. Từ đầu vụ sản xuất chính đến nay, giá mực khô dao động 70 - 77 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi chuyến biển thu được khoảng 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được chừng 700 triệu đồng/chuyến, còn mỗi lao động thu được 40 triệu đồng/chuyến biển”.

Nghề câu mực khơi cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.Q.V
Nghề câu mực khơi cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.Q.V
Nhiều tàu câu mực khơi đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/chuyến biển
Tàu câu mực khơi của ông Phạm Hùng (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, huyện Núi Thành), sau 55 ngày bám biển, vừa cập bến và đạt sản lượng 28 tấn mực khô, doanh thu hơn 2,1 tỷ đồng; trừ chi phí, mỗi lao động trên tàu có thu nhập 30 triệu đồng, riêng ông Hùng thu được 300 triệu đồng.
Trước đó, cũng tại xã Tam Giang, tàu của ông Nguyễn Văn Bé (thôn Đông Mỹ) đạt sản lượng khai thác 40 tấn mực khô/chuyến biển, doanh thu 2,6 tỷ đồng; tàu của ông Lương Văn Tới (cũng thôn Đông Mỹ) đạt sản lượng 30 tấn mực khô/chuyến biển, doanh thu 2,4 tỷ đồng.(VĂN PHIN)

Nghề chụp mực cũng thu được hiệu quả sản xuất cao. Đó là thành quả từ sự năng động chuyển đổi nghề của ngư dân ở cả 2 địa phương Núi Thành và Thăng Bình. Ông Trần Văn Mậu (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) khai thác hải sản bằng nghề mành ven bờ từ 20 năm nay. Từ sự vận động chuyển đổi nghề của ngành thủy sản địa phương, ông đã mạnh dạn đóng mới tàu cá QNa-94141 có công suất 300CV theo nghề chụp mực. Phương tiện này bắt đầu sản xuất từ tháng 4 đến nay. “Tăng thời gian bám biển để giảm chi phí sản xuất, từ đầu vụ sản xuất chính đến nay phương tiện chúng tôi ra khơi tất thảy là 10 chuyến biển và thu được sản lượng tương đối cao. Tính trung bình, mỗi chuyến biển đạt khoảng 1 tấn hải sản, bán được gần 150 triệu đồng, trừ chi phí, chủ tàu thu được khoảng 40 triệu đồng, mỗi “bạn” thu được hơn 5 triệu đồng” - ông Mậu nói. Còn ông Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ 2 chiếc tàu QNa-91345 và QNa- 91799 thì cho biết: “Nhận thấy chuyển từ nghề lưới vây sang chụp mực không quá tốn kém, trong khi giá hải sản chủ yếu của nghề này rất ổn định nên chúng tôi chuyển nghề thử, thực tế sản xuất cho thấy việc chuyển đổi này là hợp lý” - ông Kỳ nói.

Ổn định sản xuất

Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trong vụ sản xuất chính 2014 đạt 52.220 tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết: “Tuy chi phí đầu vào của chuyến biển tăng cao hơn mọi năm nhưng ngư dân đã biết tổ chức lại sản xuất, tăng thời gian bám biển để giảm chi phí. Các nghề chủ lực truyền thống là lưới vây, lưới rê tầng đáy đều cho sản lượng cao. Riêng nghề câu mực khơi đạt hiệu quả vượt trội so với mọi năm, còn nghề chụp mực dù mới sản xuất nhưng đã mang lại giá trị kinh tế khả quan cho ngư dân. Điều đáng ghi nhận là xu hướng khai thác xa bờ thu hút được nhiều ngư dân. Số lượng tàu sản xuất tại các vùng biển xa là Hoàng Sa và Trường Sa tăng so với các năm trước”.

Đến thời điểm này, Quảng Nam đã 2 lần tiến hành hỗ trợ lãi suất vốn vay, giúp ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá hoạt động tại các vùng biển xa với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 600 triệu đồng. Đã có 25 ngư dân trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ này. Sau hơn 1 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã phê duyệt cho vay không lãi suất để ngư dân đóng mới 23 tàu cá, trong đó 13 tàu cá đã hoàn thành và đưa vào sản xuất, 2 tàu cá đang hoàn thiện và 8 tàu cá đang bắt đầu được đóng mới.

Theo ông Giỏi, để giúp ngư dân ổn định khai thác hải sản tại các vùng biển xa, công tác hướng dẫn và phổ biến nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển được chú trọng thực hiện trong vụ sản xuất chính vừa qua. Nhờ đó, đến thời điểm này, Quảng Nam đã thành lập được 126 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với sự tham gia của 896 tàu cá, thu hút 7.770 lao động. Ông Giỏi nói: “Đến thời điểm này, hầu hết tàu cá sản xuất xa bờ đều tham gia tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Thực tiễn đã cho thấy, sức mạnh cộng đồng của ngư dân qua mô hình ngày càng được khẳng định”. Còn theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, những tín hiệu khả quan của vụ sản xuất chính 2014 có nguyên nhân cơ bản từ sự ổn định sản xuất của ngư dân. Việc hoàn thiện các thủ tục kịp thời để giải ngân nhanh 2 đợt hỗ trợ nhiên liệu từ tháng 4 đến nay không chỉ bù đắp một phần chi phí sản xuất của ngư dân mà còn giúp họ yên tâm bám biển. “Thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính phủ và của tỉnh, thời gian qua, Quảng Nam luôn động viên, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá để bám biển xa bờ, sản xuất đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Công tác dự báo ngư trường có thể cho sản lượng khai thác lớn được thực hiện thông suốt cũng góp phần giúp ngư dân tăng hiệu quả sản xuất” - ông Ngô Tấn nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT