Phát triển đội tàu hậu cần nghề biển: Băn khoăn đầu ra hải sản

NGUYỄN QUANG VIỆT 31/07/2014 10:22

Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần tại các vùng biển xa là nhu cầu bức thiết của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Chính sách hỗ trợ vốn vay của Chính phủ vừa được ban hành là cơ hội để ngư dân đóng tàu lớn dịch vụ hậu cần, tuy nhiên việc phát triển mô hình này hiện vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là đầu ra của hải sản thiếu ổn định.

Tàu thép hậu cần

Nghề dịch vụ hậu cần trên biển tại Quảng Nam dần hình thành và phát triển trong vài năm trở lại đây. Người đi tiên phong trong mô hình này là ông Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành). Từ năm 2012 đến nay, chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QNa-0765 của ông Cảnh thường xuyên di chuyển trên các vùng biển để cung cấp nhiên liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất trên biển của ngư dân. “Bám biển sản xuất tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều năm nay, tôi hiểu rất rõ nhu cầu của ngư dân mình. Cũng do vậy mà tôi sắm tàu thép để cung cấp nhiên liệu trên biển cho ngư dân” - ông Cảnh bộc bạch. Năm 2011, ông Cảnh vào TP.Hồ Chí Minh mua lại một chiếc tàu vỏ thép cũ với giá 1,9 tỷ đồng. Đến cuối năm 2011, đầu tư thêm 500 triệu đồng, ông sửa chữa nâng cấp tàu cũ thành tàu S1 theo tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển. Từ năm 2012 đến nay, sau mỗi lần xuất hành, chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 0765 có công suất gần 200CV cung cấp đủ nhiên liệu cho 30 tàu cá sản xuất tại các vùng biển xa.  

Tàu hậu cần của ông Huỳnh Minh Cảnh.Ảnh: QUANG VIỆT
Tàu hậu cần của ông Huỳnh Minh Cảnh.Ảnh: QUANG VIỆT

Tàu dịch vụ hậu cần trên biển tại Quảng Nam cũng hình thành theo kiểu tàu mẹ - tàu con. Đây là cách thức tổ chức sản xuất trên biển tương đối mới mẻ của ngư dân huyện Núi Thành. Trong số các tàu cùng sản xuất trên biển, chủ tàu “trích” ra một phương tiện để đưa hải sản khai thác được về bờ bán lại rồi thu mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm ra biển, phục vụ sản xuất của đội tàu. Cách thức này đã đem lại một số tiện ích cho ngư dân như tăng thời gian bám biển, giảm chi phí. Tuy nhiên, đây là mô hình phục vụ riêng rẽ của gia đình chứ chưa được nhân rộng, áp dụng chung cho tập thể, như trong cùng một tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Ông Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) là chủ 3 chiếc tàu khai thác xa bờ là QNa-91144, QNa-90244 và QNa-90398 tự cung ứng hậu cần trên biển theo kiểu tàu mẹ - tàu con. Ông Tạo cho biết: “Chúng tôi sản xuất kiêm phục vụ hậu cần chỉ là cách tự phục vụ để quá trình sản xuất của mình được thuận lợi hơn. Tàu hậu cần chỉ nên thực hiện duy nhất theo chuỗi: cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho quá trình sản xuất trên biển của ngư dân rồi thu mua hải sản về bán lại tại đất liền. Có vậy mới tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất của ngư dân nói chung”.  

Lo đầu ra hải sản

Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, khi đóng tàu vỏ thép thực hiện dịch vụ hậu cần trên các vùng biển xa, chủ tàu được vay 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ thực hiện hậu cần tại các vùng biển xa, chủ tàu được vay vốn tối đa 70% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Ước tính, mỗi tháng, chiếc tàu làm dịch vụ hậu cần của ông Cảnh cung cấp 35 - 40 nghìn lít dầu cho ngư dân ngay trên biển. Tuy nhiên, dịch vụ hậu cần này mới chỉ thực hiện được… một nửa. Nghĩa là mới chỉ cung cấp nhiên liệu và một số vật dụng cần thiết cho ngư dân chứ chưa thu mua hải sản trên biển về bán lại. Khó khăn mà ông Cảnh gặp phải là đầu ra của hải sản quá bấp bênh. “Là chủ 2 chiếc tàu QNa-91998 và QNa-90396 khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tôi quá hiểu “điệp khúc” được mùa mất giá. Khi mình bán hải sản với số nhiều thì đầu nậu bảo rằng, cung vượt quá cầu nên giá bán rất thấp. Mình đâu có kho đông lạnh, tự bảo quản, dự trữ để bán được giá cao hơn vào lúc khác. Mặc dù ấp ủ nhiều dự định về hậu cần nghề cá nhưng tôi chưa thể thu mua hải sản bán lại trong quá trình cung cấp xăng dầu trên biển” - ông Cảnh chia sẻ. Dự định của ông Cảnh là đầu tư tàu hậu cần bằng vỏ thép thật lớn để có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình bám biển của ngư dân cùng địa bàn mà chính bản thân ông cũng thu được lợi nhuận. “Tôi được biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Với nghị định này, tôi rất mong được vay nguồn vốn lớn để đóng mới tàu vỏ thép có công suất hơn 800CV chuyên dịch vụ hậu cần trên vùng biển xa. Rất mong tỉnh nhanh chóng triển khai nghị định này để đầu tư, hình thành cảng cá, chợ đầu mối và kêu gọi đầu tư, giải quyết ổn thỏa đầu ra hải sản. Có vậy chúng tôi mới bán được giá hải sản khi thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển” - ông Cảnh nói.

Ông Huỳnh Văn Tạo cho rằng, hỗ trợ vốn vay để ngư dân đóng tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần trên các vùng biển xa là rất thiết thực. Tuy nhiên, mẫu tàu vỏ thép nào thích hợp là điều cần phải bàn bạc kỹ lưỡng. “Tàu vỏ thép thực hiện hậu cần tại các vùng biển xa cần phải vận chuyển nhanh và ít tốn nhiên liệu. Muốn vậy các khâu thiết kế phải thật đồng bộ. Theo tôi, tàu cần có độ dài vừa phải, tương đương tàu truyền thống (khoảng 25m). Tàu cao khoảng 3,5m là vừa. Cabin cần được bố trí gọn, ít chiếm diện tích để thuyền trưởng dễ quan sát, điều khiển tàu” - ông Tạo nói. Điều ông Tạo băn khoăn là nếu đóng được tàu vỏ thép thực hiện hậu cần trên biển thì đầu ra của hải sản có ổn định? “Nên chăng Nhà nước đứng ra bảo trợ, thu mua hải sản của tàu dịch vụ hậu cần. Điều này có cơ sở bởi các công ty của Nhà nước đang thiếu nguồn nguyên liệu, nếu đầu tư tốt họ có thể sơ chế hay chế biến để xuất khẩu, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa giải quyết thêm việc làm cho người lao động” - ông Tạo nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT