Lênh đênh cùng mực khơi
Kiên trì bám biển, ngư dân xã Tam Giang (Núi Thành) đã sáng kiến nghề câu mực khơi giúp nhiều gia đình có thu nhập cao, ổn định cuộc sống trong hàng chục năm qua.
“Mở biển”
Tin tức về cơn bão Rammasun có sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16 đang tiến dần vào biển Đông được nhiều ngư dân làm nghề câu mực khơi ở Tam Giang quan tâm đặc biệt. Nhiều chủ tàu và người đi “bạn” đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho chuyến đánh bắt xa bờ tiếp theo. Ông Nguyễn Ngọc Quy (thôn Đông An, xã Tam Giang, chủ tàu câu mực khơi QNa-91522) chia sẻ: “Đang vụ sản xuất chính mà bão sắp đến rồi, năm nay tình hình sản xuất trên biển biến động hơn mọi năm. Chỉ cần thời tiết ổn định là tôi cùng 40 “bạn” vươn khơi ngay. Phải tận dụng thời gian bám biển, mực khơi đang được mùa, được giá”. Ông Quy kể, từ đầu năm đến nay, chiếc tàu QNa-91522 đã vươn khơi khai thác được 2 chuyến ở ngư trường Hoàng Sa. Cả 2 chuyến biển đều thu khá. Chuyến đầu ra khơi sau hơn 2 tháng, chủ tàu và 40 người đi bạn thu được 40 tấn mực khô. Với giá mực 70 nghìn đồng/kg, tổng doanh thu của tàu là 2,8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được hơn 700 triệu đồng, mỗi lao động trên tàu được chia khoảng 40 triệu đồng. Chuyến biển tiếp theo, chủ tàu và 40 lao động cũng khai thác được 40 tấn mực khô sau hơn 2 tháng bám biển. Do giá mực khô tăng lên 77 nghìn đồng/kg nên hiệu quả của chuyến biển thứ 2 cao hơn chuyến biển trước.
Ngư dân xã Tam Giang chuẩn bị ra khơi khai thác mực xà. Ảnh: N.Q.V |
Nhiều tàu câu mực khơi cũng đang neo đậu tại cảng Tam Giang, chuẩn bị cho chuyến biển mới. Trong số các lao động đang chuẩn bị tham gia bám biển, chúng tôi nhận thấy nhiều lao động đã lớn tuổi. “Năm nay tôi đã bước sang tuổi 70 rồi, vậy là chẵn 50 năm bám biển. Mấy đứa trẻ trong nhà cứ can ngăn, khuyên tôi cao tuổi rồi, không bám biển được lâu nên ở nhà kẻo hiểm nguy trên biển xa” - lão ngư Phạm Văn Nhiều (thôn Đông An, Tam Giang) cho biết. Vậy mà ông Nhiều vẫn kiên quyết đi biển, câu mực ở ngư trường Hoàng Sa. Theo ông, biển đã gắn bó, bao bọc cả cuộc đời mình, dễ gì xa được. Ông Nhiều là một trong những người tiên phong trong nghề câu mực khơi. Ông nói: “Đối tượng khai thác chính của chúng tôi trước đây là con chuồn, con nục. Ban đêm lúc rỗi, thấy mực xà nhiều, chúng tôi câu thử, thấy được và đem về bán thử xem có được giá không bởi mực xà có vị đắng chứ không ngon ngọt như mực lá, mực cơm. Ban đầu nhiều người hỏi mua nhưng chê ỏng chê eo nên chúng tôi cũng nản, chuyên chú lưới chuồn, lưới nục. Thế rồi duyên may cũng đến, thương lái tìm tới hỏi mua, nghe đâu loại hải sản này đã có thị trường. Vậy là chúng tôi cải tiến cách thức câu được nhiều mực xà và ứng dụng đến tận hôm nay. Chuyện này bắt đầu cách đây gần 30 năm rồi”.
Gắn bó với nghề
Từ niềm đam mê khám phá biển cả để mưu sinh, ngư dân Tam Giang đã sáng kiến và gắn bó với nghề câu mực khơi. “Nếu câu mực khơi chỉ với một lưỡi thì bao giờ mới đầy thúng? Vậy thì phải chế tác ra kiểu câu rường với sự gắn kết của nhiều lưỡi thì mới đạt hiệu quả. Cách thức của chúng tôi là sử dụng một cần trúc hoặc gỗ có độ dài vừa phải, chừng 3m gắn ống cước dài độ 30m với lưỡi câu chùm khoảng 15 chiếc. Rường câu to bằng ngón tay, treo ngay sát lưỡi có màu lấp lánh để thu hút mực xà” - lão ngư Phạm Văn Nhiều cho biết. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng dụng cụ rất hiệu quả, ngư dân điều khiển với sự nhanh nhạy của đôi tay và lòng kiên trì. Mỗi chuyến câu mực khơi của ngư dân xã Tam Giang trên các ngư trường truyền thống là Hoàng Sa, Trường Sa có thời gian 2 - 3 tháng. Trong thời gian đó, mỗi lao động câu mực cả đêm cho đến sáng chỉ với rường câu và một chiếc thuyền thúng đơn độc. Sinh nghề tử nghiệp, đã có nhiều câu chuyện thương tâm, nhiều ngư dân đã mãi mãi nằm lại với biển sâu trong lúc lênh đênh. Nghề câu mực khơi gian nan nhưng nhiều ngư dân vẫn gắn bó với nghề, như câu chuyện của ông Nhiều.
Những năm gần đây nghề câu mực khơi chững lại do sản phẩm bị ép giá. Rất nhiều thời điểm, giá mực xà chỉ còn 40 - 50 nghìn đồng/kg. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho rằng nghề câu mực khơi của địa phương qua nhiều thăng trầm nhưng rất có thể thời hưng thịnh của nghề sẽ trở lại vào những ngày sắp tới. Nếu trước năm 2010, địa phương sở hữu đến hơn 70 tàu câu mực khơi do gặp khó khăn, nhất là giá cả mực xà thiếu ổn định nên đến năm 2011, toàn xã chỉ còn 43 tàu. Từ năm 2013 đến nay, đã có thêm 10 tàu câu mực khơi được đóng mới, nâng số tàu câu mực khơi vào thời điểm này của xã là 53 chiếc, có tổng công suất hơn 30.000CV. “Được mùa, được giá mực là cơ sở để ngư dân trên địa bàn chú tâm vươn khơi bám biển. Tận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh và trung ương, ngư dân đóng thêm nhiều tàu lớn nên số tàu trên địa bàn đã không ngừng được tăng lên. Thế mạnh của nghề câu mực khơi đã được khẳng định khi nhiều tàu thu được hàng tỷ đồng sau mỗi năm bám biển. Chúng tôi hy vọng ngư dân càng gắn bó với nghề để không chỉ làm giàu cho gia đình, địa phương mà còn gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng” - ông Châu nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT