Ngư dân trở về
Mặc dù bị tịch thu hoàn toàn hải sản khai thác được sau 2 tháng bám biển, nhưng 38 ngư dân vừa trở về quê nhà Quảng Nam từ Brunei trưa hôm qua (14.7) cho rằng họ vẫn còn may mắn. Bởi, từ cuộc trở về này, họ lại tất bật chuẩn bị để lại vươn khơi xa bám biển, sản xuất ổn định cuộc sống.
Trưa ngày 14.7, tại cảng cá Tam Giang (Núi Thành), hàng trăm người thân, láng giềng sốt ruột, mong ngóng 38 ngư dân trở về từ Brunei. Khi nhìn thấy người thân tiều tụy sau một chuyến biển đầy biến cố, nhiều người đã bật khóc. Theo ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, sáng ngày 8.6, chiếc tàu câu mực khơi QNa 91946 do ông Phạm Ngọc Viễn (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) làm thuyền trưởng cùng với 38 ngư dân đang câu mực khơi không may bị lạc vào lãnh hải Brunei và bị giới chức nước này bắt giữ. Sau hơn một tháng bị lưu giữ tại Brunei, 38 ngư dân mới được trở về Quảng Nam. “Sau gần 2 tháng bám biển, chúng tôi khai thác được hơn 20 tấn mực khô. Khi anh em đang phơi mực thì giông lốc kéo đến làm hư hại con tàu. Chiếc tàu không khởi động được nên đã bị sóng biển kéo đi. Lúc đó, hệ thống định vị vệ tinh GPS và máy liên lạc cùng bị hỏng nên chúng tôi không thể liên lạc về đất liền cũng như nhờ các tàu sản xuất gần đó đến ứng cứu. Không may là chiếc tàu bị trôi dạt vào lãnh hải của Brunei và chúng tôi bị người của nước này bắt giữ. Họ cho rằng chúng tôi cố ý khai thác hải sản trái phép trong vùng biển nước họ nên bắt giữ chúng tôi” - ông Phan Bá Tám, thuyền phó tàu cá QNa 91946 cho biết.
Tàu câu mực khơi QNa 91946 trở về sau 2 tháng lưu giữ ở Brunei. Ảnh: Q.V |
Xác nhận thông tin này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết: “Tàu QNa 91946 đã đi vào lãnh hải của Brunei nên mới bị bắt. Sau khi nhận thông tin, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh để đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp”. Một trong 38 ngư dân vừa trở về Quảng Nam, ông Trần Văn Tiến (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) kể lại: “Sau khi bị bắt, phía Brunei đã chia chúng tôi ra thành 3 nhóm và giữ lại rồi truy vấn thu thập thông tin. Trong khoảng một tháng bị giam giữ, chúng tôi vẫn được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và không có chuyện bị tra tấn. Mặc dù rất lo lắng nhưng chúng tôi vẫn có chút an tâm, động viên nhau giữ gìn sức khỏe chờ ngày trở về. Còn ông Nguyễn Văn Tư, một người đi “bạn” khác trên tàu QNa 91946 cho biết: “Sau khi bị bắt giữ, phía Brunei đã thu hết toàn bộ số mực khơi mà chúng tôi khai thác được. Khi được trả tự do để về lại tàu cá, nhiều vật tư, vật phẩm riêng của chúng tôi cũng bị thất lạc. Vậy là thất thu hoàn toàn chuyến biển này. Mất của cải nhưng được trở về thì chúng tôi vẫn còn có thể trở lại biển khơi, sản xuất để ổn định lại cuộc sống”.
Niềm vui đoàn tụ Hối hả, sốt sắng, hồi hộp… rất đông người thân đã đội nắng cả buổi trưa để đón chiếc tàu câu mực khơi này trở về. Quá trưa tàu mới cập bến, thế nhưng ngay từ sáng sớm hàng chục phụ nữ đã tập trung ngóng chồng, con, được tận mắt thấy họ cập bờ bình an. Từ khi nhận tin chồng mình cùng 38 ngư dân khác bị nước bạn tạm giam giữ, một tháng qua chưa khi nào chị Võ Thị Thành (50 tuổi, vợ ngư dân Ngô Văn Trường, thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) ngủ ngon giấc. “Sau khi được Đại sứ quán thường trú ở Brunei kết nối điện thoại để nói chuyện, phía hậu phương chúng tôi biết các anh vẫn khỏe mạnh, bình an nhưng trong lòng vẫn cứ lo lo. Được tin tàu về, tôi và các con trực đợi ở đây từ sáng đến giờ để gia đình được đoàn tụ” - chị Thành tâm sự. Một tháng bị lưu giữ, mặc dù được đối đãi tử tế nhưng ngày nào ngư dân Trần Quốc Toàn (30 tuổi, thôn Đông Xuân, Tam Giang) cũng luôn hướng mắt về gia đình. Mỗi ngày trôi qua thêm nặng trĩu tâm trạng, âu lo. “Đây có lẽ là chuyến đi biển dài nhất trong đời tôi, anh em ai cũng nhớ nhà, nhớ vợ con. Ở bên đó, chúng tôi cũng được Đại sứ quán giúp đỡ nhiều mặt cũng như tạo điều kiện để anh em có thể liên lạc về cho gia đình. Trưa nay, tàu chưa cập bến nhưng thấy rất đông người thân chờ sẵn trên bờ nên ai cũng xúc động” - anh Toàn nói. Các ngư dân cho biết, trước khi lênh đênh trên biển một tuần kể từ ngày được phía Brunei trả thuyền về (ngày 7.7), Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ một phần lương thực, nước uống cho tàu QNa 91946.(VĂN HÀO) |
Khi 38 ngư dân trở về đến cảng cá Tam Giang, không chỉ người thân, láng giềng của ngư dân có mặt để chia sẻ với họ mà còn có lãnh đạo UBND xã và đại diện các hội, đoàn thể của xã Tam Giang cũng đến và quan tâm đến ngư dân. Nhiều phần quà đã được UBND xã Tam Giang tặng ngư dân để động viên. “Bám biển tại các vùng biển xa, ngư dân chúng ta luôn phải đối chọi với nhiều khó khăn, hiểm nguy do thời tiết thất thường gây nên. Đã trở về đất liền được an toàn, rất mong các anh vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất tại các ngư trường truyền thống. Nhiệm vụ của các anh không chỉ là có ý nghĩa về kinh tế cho gia đình, bản thân mà còn góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương” - ông Phạm Văn Châu chia sẻ với 38 ngư dân.
Trưa 14.7, các thành viên của tàu cá QNa 91946 đã trở về đất liền, còn thuyền trưởng của tàu là ông Phạm Ngọc Viễn vẫn còn bị phía Brunei bắt giữ với lý do tàu cá này đã khai thác trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Brunei. Ông Phan Bá Tám kể lại, trước đó, trong thời gian các thành viên bị giam giữ, phía Brunei đã 3 lần tiến hành xét xử hành vi xâm phạm lãnh hải của tàu cá QNa 91946. Phía Brunei đã ra quyết định giam giữ ông Phạm Ngọc Viễn 5 tháng tù. Ông Ngô Tấn xác nhận thông tin này và khẳng định: “UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ cùng Hội Nghề cá Quảng Nam đã liên hệ và đề xuất Bộ Ngoại giao làm việc với Brunei để làm rõ tàu cá của ngư dân Quảng Nam chỉ bị lạc vào vùng biển của Brunei do bị giông lốc làm hỏng máy trôi dạt chứ không hề khai thác trái phép trên vùng biển Brunei. Qua các bộ phận của máy trên tàu QNa 91946 bị hỏng hy vọng phía Brunei hiểu rõ và trả tự do để ngư dân Quảng Nam được đoàn viên gia đình và trở lại sản xuất trên vùng biển của Tổ quốc sớm nhất.
NGUYỄN QUANG VIỆT