Quản lý tổng hợp vùng bờ

NGUYỄN QUANG VIỆT 05/07/2014 09:55

Với mục đích bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường biển đảo, hướng đến phát triển bền vững, từ năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Quá trình tổ chức, thực hiện đến thời điểm này đã cho thấy nhiều kết quả khả quan.

Toàn diện, đa ngành

Sở hữu hơn 125km đường bờ biển, Quảng Nam có đa dạng các nguồn tài nguyên biển đảo để phát triển nhiều ngành kinh tế quan trọng như khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch biển, giao thông vận tải biển… Chính vì tiềm năng đa ngành nên nhiều ngành kinh tế cùng khai thác, sử dụng trên một không gian bờ và biển đảo, việc quản lý tài nguyên theo mỗi ngành riêng rẽ dẫn đến xung đột về lợi ích giữa các ngành. Hậu quả là đã nảy sinh hàng loạt vấn đề về môi trường biển. Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh, từ khi được phê duyệt đã mở ra nhiều triển vọng. Chiến lược đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường tại các khu công nghiệp, đô thị, các khu du lịch. Đồng thời khuyến khích khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học.

Quản lý tổng hợp vùng bờ tại Quảng Nam đạt được nhiều thành quả quan trọng. Trong ảnh: Quang cảnh Cù Lao Chàm. Ảnh: QUANG VIỆT
Quản lý tổng hợp vùng bờ tại Quảng Nam đạt được nhiều thành quả quan trọng. Trong ảnh: Quang cảnh Cù Lao Chàm. Ảnh: QUANG VIỆT

Nhờ thực thi chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai hiệu quả. Cụ thể, toàn tỉnh đã trồng được gần 10ha rừng ngập mặn tại các khu vực ven biển, giảm thiểu các tác động xấu của biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ biển. Dự án nạo vét luồng cảng Kỳ Hà đã nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, cảng, hậu cần cảng và các dự án đầu tư khác trong Khu kinh tế mở Chu Lai, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Dự án sắp xếp dân cư phòng tránh thiên tai ven biển cũng sẽ di dời, sắp xếp lại hơn 10 nghìn hộ dân thuộc 15 xã, phường của 5 huyện, thành phố vùng ven biển của tỉnh. Cơ sở hạ tầng các khu định cư tập trung được xây dựng qua dự án sẽ có mức độ an toàn cao hơn, mở rộng và phát triển không gian đô thị, hiện đại hóa nông thôn ven biển của tỉnh...

Thời gian qua, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã vận dụng quản lý tổng hợp vùng bờ mà cụ thể là mở rộng phạm vi bảo tồn biển vào trong vùng cửa sông Thu Bồn và dọc theo đường bờ của Quảng Nam. Bởi trong thời gian qua, chất lượng nước của khu bảo tồn biển chịu ảnh hưởng xấu bởi các chất thải từ đất liền theo dòng chảy của sông Thu Bồn ra biển. Qua mở rộng phạm vi của bảo tồn biển vào cửa sông đã giúp cho việc tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng được thông suốt. Nhờ đó, đã giảm thiểu chất thải, đồng thời kiểm soát được các tác động từ vùng đệm là rừng dừa nước Cẩm Thanh.

Cần thông suốt

Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam), để thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ đạt hiệu quả cao cần thông suốt ở cả 2 cấp trung ương và địa phương. Bởi, trung ương là cấp đưa ra các chính sách, tổng quát kế hoạch hành động còn địa phương là cấp thực hiện và phát triển tư duy đó. Bởi vậy, để quản lý tổng hợp vùng bờ tốt nhất, mỗi tỉnh, thành cần xác định đặc điểm của từng vùng sinh thái cũng như tập quán, văn hóa của từng địa phương thì mới có thể huy động cộng đồng cũng như các bên liên quan cùng cộng tác sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi từ biển đảo. Tuy nhiên, theo Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam, đến thời điểm này, quá trình triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ tại Quảng Nam còn nhiều vướng mắc. Đó là các văn bản hướng dẫn thực hiện từ trung ương chưa đầy đủ; trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho quá trình thực hiện còn thiếu; chưa nhận được sự chỉ đạo kịp thời về chuyên môn của trung ương; thiếu công cụ quản lý tổng hợp. Bà Nguyễn Hoàng Yến - Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam đề xuất: “Tổng cục Biển & hải đảo cần ban hành các văn bản cụ thể để địa phương có điều kiện thực hiện tốt hơn công tác quản lý tổng hợp vùng bờ. Song hành với việc tăng cường đào tạo nâng cao năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ cho cán bộ địa phương, cấp trên cũng cần xây dựng các phần mềm hỗ trợ để hệ thống hóa thông tin về tài nguyên, môi trường biển đảo” - bà Yến nói.

Triển khai chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ từ năm 2008 đến nay, Quảng Nam đã áp dụng đồng bộ hệ thống các giải pháp gồm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng; phân công các ngành, các cấp xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và phối hợp chặt chẽ trong quản lý tài nguyên biển đảo... Tuy nhiên, đến thời điểm này, Quảng Nam vẫn chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên biển đảo. Ông Nguyễn Thành Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển & hải đảo cho rằng, để triển khai tốt chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ đến năm 2020, Quảng Nam cần xây dựng và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu để đánh giá đúng các thành quả về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên biển đảo trong thời gian qua, qua đó có những định hướng sát thực với điều kiện cụ thể của địa phương trong thời gian đến.

    NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT