Động lực vươn khơi

NGUYỄN QUANG VIỆT 19/06/2014 10:17

Hỗ trợ ngư dân vươn khơi, vừa sản xuất hiệu quả trên vùng biển xa vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng là mục tiêu chính của dự thảo “Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản” sắp được Chính phủ ban hành. Đây là đòn bẫy, là động lực để ngư dân củng cố đội tàu, đánh bắt hải sản đạt hiệu quả hơn.
Hỗ trợ vươn khơi

Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng. Hiện diện trên vùng biển này, ngư dân luôn khao khát có được đội tàu lớn, vừa sản xuất vừa thực hiện hậu cần trên biển. Thực tế sản xuất đã cho thấy, việc kiên trì bám biển và chuẩn bị tốt hậu cần đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trong mỗi chuyến biển của ngư dân. Bởi, khi chi phí chuyến biển giảm xuống, hải sản được bảo quản tốt hơn, giá bán sản phẩm tăng cao sau thu hoạch nên sẽ đem lại thu nhập cao. “Ngư dân chúng tôi ước mong luôn bám biển dài ngày ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Bám biển ở đây không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp chúng tôi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Để tăng hiệu quả sản xuất ở mỗi chuyến biển, gia đình chúng tôi đã dành dụm, đóng được đội tàu 3 chiếc. Việc luân phiên thu mua nhu yếu phẩm cung ứng cho quá trình sản xuất và bán sản phẩm sau khai thác đã tăng hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển” - ngư dân Huỳnh Văn Tạo, chủ 3 chiếc tàu cá có công suất lớn ở thôn Sâm Linh Đông (xã Tam Quang, Núi Thành) nói.

Ngư dân rất cần hỗ trợ để sản xuất hiệu quả trên vùng biển xa. TRONG ẢNH: Bán sản phẩm mực xà cho thương lái. Ảnh: N.Q.V

Ngư dân rất cần hỗ trợ để sản xuất hiệu quả trên vùng biển xa.

TRONG ẢNH: Bán sản phẩm mực xà cho thương lái. Ảnh: N.Q.V

Hiện tại, một số ngư dân trên địa bàn huyện Núi Thành đã đóng được những đội tàu có công suất lớn hoạt động trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, nhiều ngư dân khác vẫn chưa đóng được tàu có công suất lớn để sản xuất tại các ngư trường này do chưa huy động được nguồn vốn. Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, dự thảo “Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản” dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành tới đây sẽ giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đóng được tàu lớn, vươn khơi. Ngư dân được vay 90% số vốn để đóng mới tàu vỏ thép, 70% để đóng mới tàu vỏ gỗ để khai thác hoặc làm dịch vụ hậu cần trên biển. Chủ tàu được vay vốn dài hạn trong 10 năm đối với tàu vỏ thép, 7 năm với tàu vỏ gỗ. Lãi suất vay tối đa cho mỗi dự án là 3%/năm, tức là chưa bằng một nửa lãi suất huy động. Chủ tàu cũng được ân hạn 1 năm và được lấy chính con tàu làm thế chấp vốn vay.

Với dự thảo “Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản” ngư dân được hỗ trợ vốn vay lưu động với hạn mức vay tối thiểu 200 triệu đồng/năm đối với tàu khai thác hải sản; tối thiểu 500 triệu đồng/năm đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. Ông Giỏi cho biết thêm, chủ trương nâng số tàu cá có công suất 90CV trở lên từ 404 chiếc lên 600 chiếc vào thời điểm năm 2020 của Quảng Nam càng dễ trở thành hiện thực khi nghị định được ban hành. “Điều đáng kỳ vọng nhất khi nghị định được ban hành là ngư dân được hỗ trợ vốn để trang bị hiện đại cho tàu cá của mình. Đó là cơ sở để nâng cao giá trị hải sản khai thác được, đem lại lợi nhuận lớn cho ngư dân” - ông Giỏi nói.

Phối hợp đồng bộ

Theo dự thảo “Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản”, ngư dân sẽ được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ. Trong trường hợp không may ngư dân bị chết, mất tích khi khai thác trên biển sẽ được hỗ trợ ít nhất 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội… Đây được xem là những chính sách có tính nhân văn cao, động viên, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Ông Nguyễn Văn Giỏi cho biết, khi nghị định được ban hành, để việc triển khai thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu đóng mới tàu cá lớn, hoạt động trên các vùng biển xa của ngư dân thì cần phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp; ngân hàng; các địa phương có nghề cá và các nghiệp đoàn nghề cá; các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Có như vậy, mới nắm bắt được nguyện vọng, kế hoạch sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất trên biển của ngư dân, qua đó đáp ứng được nhu cầu chính đáng vay vốn của họ. “Ngư dân muốn được vay vốn phải có sự hoạch định kinh tế cụ thể, kế hoạch sản xuất và hoàn trả vốn cụ thể, tránh thất thoát nguồn vốn. Rõ ràng, để quản lý chặt nguồn vốn, cần xác định rõ những đối tượng ngư dân có khả năng sản xuất tốt, tạo điều kiện cho họ bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền. Bởi vậy, các ngành các cấp cần phối hợp đồng bộ để việc triển khai có hiệu quả” - ông Giỏi nói. Còn ông Phạm Trọng - Trưởng phòng Tổng hợp & kiểm soát nội bộ (Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam) thì cho biết, để chính sách này triển khai hiệu quả, Chính phủ cần sớm ban hành những nội dung cụ thể của “Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản”. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại thực hiện việc giải ngân, đáp ứng nhu cầu của ngư dân.

Trong những năm 1997 - 1998, tại Quảng Nam đã có cơ chế thực hiện chương trình cho vay đánh bắt xa bờ nhưng thực tế triển khai lại bộc lộ nhiều hạn chế. Mục đích vay vốn của các khoản vay đánh bắt xa bờ là đóng tàu, mua ngư cụ nhưng trên thực tế lại được triển khai cho nhiều đối tượng… không phải là ngư dân. Điều đó đã khiến cho nguồn vốn vay bị thất thoát lớn. Theo ông Phạm Trọng, để chương trình đi vào cuộc sống, cần sớm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để nhanh chóng hỗ trợ ngư dân đầu tư khai thác hải sản hoặc làm dịch vụ hậu cần trên các vùng biển xa, chủ yếu nhất là Trường Sa, Hoàng Sa. Còn về chủ trương trang bị tàu vỏ thép cho ngư dân, theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, trong thời gian đến, ngành chức năng khẩn trương tham khảo ý kiến của ngư dân để có thể đề xuất cụ thể với trung ương. “Ngoài nguồn vốn để đóng lớn, cách hoạt động trên biển, cách bảo quản, điều kiện tu sửa của tàu vỏ thép đều khác xa so với tàu vỏ gỗ vốn quen thuộc với ngư dân. Bởi vậy, cần thiết kế các mẫu tàu vỏ thép gần gũi nhất với tập quán sản xuất của ngư dân để đem lại hiệu quả sản xuất cao” - ông Ngô Tấn nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT