Tái cơ cấu nghề khai thác hải sản: Tổ chức lại sản xuất
Phát huy hiệu quả của mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, nâng cao công tác dự báo nguồn lợi hải sản, kiện toàn hệ thống hậu cần nghề cá… là những “phần việc” quan trọng được ngành chức năng lập kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Khu neo đậu tàu cá An Hòa sẽ được tiếp tục đầu tư trong thời gian đến.Ảnh: QUANG VIỆT |
Đoàn kết sản xuất trên biển
Những ngày qua, tàu cá của ngư dân Quảng Nam liên tục cập bờ sau chuyến vươn khơi dài ngày. Trở về từ ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Đỗ Công (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành, chủ tàu cá QNa 90226 có công suất 565CV) cho biết, mặc dù tàu Trung Quốc luôn manh động xua đuổi, tấn công nhưng nhờ hợp sức theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nên ngư dân vẫn khai thác hải sản an toàn. Theo ông Công, ưu điểm của tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nằm ở chỗ tạo ra sức mạnh tập thể để ngư dân cùng nhau bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Quanh khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, Trung Quốc còn bố trí hàng trăm tàu đủ các loại, đi thành từng đoàn, dàn hàng ngang sẵn sàng tấn công tàu cá chúng tôi. Chỉ có nương tựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau theo tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển mới có thể vượt qua khó khăn lúc này” - ông Công nói.
Mục tiêu của Kế hoạch hành động cụ thể trong lĩnh vực khai thác hải sản từ nay đến năm 2020 là chuyển dịch cơ cấu nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác xa bờ; chú trọng đánh bắt các đối tượng hải sản cho giá trị kinh tế cao; tăng hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển. Từ nay đến năm 2020, nâng tổng sản lượng khai thác hải sản đạt mức 75.000 - 80.000 tấn/năm; sản lượng khai thác hải sản xa bờ chiếm 60% sản lượng khai thác chung; nâng tổng số tàu cá có công suất từ 90CV trở lên 600 chiếc. Các tàu khai thác xa bờ sẽ được trang bị các thiết bị khai thác, hàng hải, thông tin liên lạc hiện đại. Tỉnh tập trung phát triển các nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như lưới vây, câu mực khơi, chụp mực, giảm dần các nghề giã cào. |
Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, từ khi được thành lập đến nay, mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển đã phát huy hiệu quả, giúp ngư dân Quảng Nam đoàn kết, kiên cường bám biển, đặc biệt trong thời điểm này. Ông Giỏi nói: “Nội dung quan trọng trong tổ chức lại sản xuất trên biển của Quảng Nam là nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Hình thức này giúp ngư dân có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác trên biển”. Cũng theo ông Giỏi, trong chiến lược tổ chức lại sản xuất trên biển, thời gian đến, ngành thủy sản sẽ tập trung giúp ngư dân sản xuất hiệu quả hơn bằng cách tăng cường công tác điều tra, dự báo ngư trường cho sản lượng khai thác cao. “Hiện tại, Trung ương đã có quyết định thành lập Trung tâm Dự báo ngư trường khai thác hải sản do Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) quản lý. Thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản tiến hành công tác điều tra, quan trắc, thu mẫu, thống kê sản lượng và ngư trường cũng như diễn biến nguồn lợi trên các vùng biển. Từ đó, sẽ cung cấp thông tin ngư trường kịp thời, giúp ngư dân khai thác đạt hiệu quả” - ông Giỏi nói thêm.
Kiện toàn hậu cần
Thời gian qua, Quảng Nam đã xây dựng được hệ thống hậu cần nghề cá phân bố đều khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đó là cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành), khu neo đậu tàu cá An Hòa (thuộc 2 xã Tam Giang và Tam Quang, Núi Thanh), âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), âu thuyền Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An). Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy nhiều bất cập về các công trình này. Ví như, cảng cá An Hòa chỉ phục vụ cho mỗi nghề câu mực khơi; các âu thuyền được bố trí ở khu vực đầu sóng ngọn gió khiến tàu cá dễ bị va đập, hư hỏng. Trong khi đó, xã Tam Quang được xem là trung tâm nghề cá của tỉnh lại chưa có chợ đầu mối, cảng cá. Ông Võ Văn Năm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ nay cho đến năm 2015, trên cơ sở rà soát quy hoạch hệ thống hậu cần nghề cá, Quảng Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các công trình đã có và xây dựng mới một số cơ sở dịch vụ hậu cần. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư xây kè chắn sóng và khai thông lại luồng lạch để nâng cấp các khu neo đậu tàu cá, các âu thuyền, đồng thời xây dựng thêm khu tránh trú bão cho tàu cá ở phường Cẩm Nam (TP.Hội An), đáp ứng thêm nhu cầu tránh trú bão cho tàu cá. “Quảng Nam đã xây dựng quy hoạch và sẽ đầu tư xây dựng cảng cá ở xã Tam Quang. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng các cơ sở thu gom, sơ chế hải sản tại đây dần hình thành chuỗi khai thác - chế biến - tiêu thụ sản phẩm” - ông Năm nói.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 31 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, trong đó chỉ có 4 cơ sở quy mô tương đối, mỗi năm đóng mới được từ 10 - 15 tàu có công suất từ 250CV trở lên. Nhìn chung, các cơ sở này chỉ có thể đóng mới tàu cá bằng phương pháp thủ công, chưa đủ điều kiện ứng dụng công nghệ mới; 27 cơ sở còn lại chủ yếu là sửa chữa và đóng tàu thuyền cỡ nhỏ. Ông Năm cho biết, Quảng Nam đã có định hướng phát triển ngành đóng tàu cá theo hướng từng bước chuyển dần từ thủ công truyền thống sang áp dụng quy trình công nghệ đóng lắp để đảm bảo quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật và tăng chất lượng an toàn kỹ thuật cho tàu cá. “Song song với đóng mới tàu cá thực hiện chức năng khai thác hải sản, Quảng Nam đang khuyến khích đóng mới các tàu cá thực hiện công năng dịch vụ, hậu cần, phục vụ sản xuất trên các vùng biển xa, đây cũng là nội dung trong kế hoạch tổ chức lại sản xuất trên biển” - ông Năm cho biết thêm.
NGUYỄN QUANG VIỆT