Trở về từ ngư trường Hoàng Sa

NGUYỄN DƯƠNG - ĐOÀN ĐẠO 06/06/2014 09:06

Hôm qua 5.6, sau 26 ngày lênh đênh trên biển, 15 tàu cá cùng 150 ngư dân trong tổ đội đoàn kết trên biển của các xã Tam Quang, Tam Hải (huyện Núi Thành) trở về cảng Kỳ Hà trong sự chào đón của hàng trăm người thân. Đây là chuyến đi biển Hoàng Sa đầu tiên của ngư dân sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép và tăng cường cản phá ngư dân sản xuất trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

“Tàu Trung Quốc hung hăng lắm”

Hơn 8 giờ sáng 6.5, 15 tàu cá thuộc tổ đội đoàn kết trên biển của các xã Tam Quang, Tam Hải đã về đến cảng Kỳ Hà. Những gương mặt căng thẳng, ánh mắt đợi chờ, lo âu như giãn ra khi đoàn tàu cập bến an toàn. Đây là chuyến biển đầu tiên của ngư dân Quảng Nam tại vùng biển Hoàng Sa - kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 rồi tổ chức vây ráp, đâm va với tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam và tàu cá của ngư dân. Việc đánh bắt của ngư dân cũng chính vì thế trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. “Hàng ngày theo dõi trên ti vi, thấy tàu Trung Quốc truy đuổi, đâm va vào tàu cá Việt Nam mà cứ giật mình thon thót. Giờ trở về an toàn là mừng lắm rồi…” - chị Phạm Thị Biên, vợ của một ngư dân nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang trao bằng khen cho các ngư dân đã có thành tích xuất sắc trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền các vùng biển Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang trao bằng khen cho các ngư dân đã có thành tích xuất sắc trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền các vùng biển Việt Nam.

Trở về sau chuyến biển này, ông Nguyễn Riện, 71 tuổi, thuyền trưởng tàu QNa-91927 (công suất 420CV) cho biết: “Gần 40 năm lênh đênh trên biển, chưa bao giờ tôi thấy tàu của Trung Quốc hung hăng như lúc này. Chúng thường đi thành từng nhóm rất đông, tổ chức vây ráp, áp sát và tìm cách đâm va vào tàu cá của ngư dân, không cho chúng tôi khai thác. Trước đây, mỗi chuyến đi ít nhất chúng tôi cũng thu được từ 10 - 15 tấn hải sản, chừ thì chỉ được chừng 5 - 7 tấn thôi. Nhưng rứa cũng được, bởi cho dù không được mùa thì mình cũng đã chứng tỏ với Trung Quốc, đây là vùng biển của mình, mình sẽ bám biển, khai thác đến cùng…”. Nước da đen sạm, rắn rỏi cùng ánh mắt kiên nghị của thuyền trưởng Riện đã nói lên quyết tâm của ngư dân đang từng ngày đối mặt với hiểm nguy ở ngư trường của chính mình. Trong 15 tàu cá ra khơi lần này, không có tàu nào không bị tàu của Trung Quốc truy đuổi, vây ráp. “Trung bình thì ngày 1 lần chúng tôi bị tàu của họ truy đuổi, có ngày đến 3 lần. Chúng ném đá, vỏ chai, bóng đèn…, nói chung là tất cả những gì có thể gây hư hại cho tàu cá của mình. Chính vì vậy, năng suất khai thác của mình bị giảm đi rất nhiều, chuyến biển này chỉ khai thác được chừng 5 - 7 tạ đồ khô thôi” - ông Nguyễn Đức Nghiệp, thuyền trưởng tàu QNa-90747 cho biết.

150 ngư dân trên 15 tàu cá trong tổ đội đoàn kết trên biển đã trở về cập cảng Kỳ Hà. Ảnh: N.D
150 ngư dân trên 15 tàu cá trong tổ đội đoàn kết trên biển đã trở về cập cảng Kỳ Hà. Ảnh: N.D
“Ngư trường Hoàng Sa lâu nay là của chúng ta, từ đời ông, đời cha tôi đã đánh bắt ở đó. Lãnh hải của mình thì mình làm, không sợ một thế lực nào. Nếu mình từ bỏ, không bám biển nữa nghĩa là mình đã chịu thua mất rồi. Rứa thì răng được?”.
(Ngư dân Nguyễn Riện - thuyền trưởng tàu cá QNa-91927)

Không dừng lại ở việc vây ráp, tàu của Trung Quốc còn tìm cách đâm, húc vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. Như tàu QNa-91559 của thuyền trưởng Ngô Ri đã bị tàu của Trung Quốc đâm, húc làm hư hỏng phần đuôi tàu. Anh Ngô Thanh Việt, ngư dân trên tàu QNa-91559 kể: “Vào ngày 14.5, khi tàu chúng tôi đang tổ chức đánh bắt, khai thác cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 10 hải lý thì đột nhiên 47 chiếc tàu sắt của Trung Quốc ùa lên vây ráp. Trong đó, tàu sắt số 11075 đã đâm thẳng vào phía sau mạn phải khiến tàu hư hỏng khá nặng. Lúc đó, chúng tôi cố gắng đánh lái sang phía trái để tránh né, rồi chạy về phía các tàu cá của mình. Gần một tháng trời đều như vậy, chưa khi nào được ngủ một giấc cho ngon, lúc nào cũng phải canh chừng chúng nó truy đuổi…”.

Quyết tâm bám biển

Có mặt tại buổi đón tiếp ngư dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang biểu dương tinh thần, quyết tâm cao của các ngư dân, đồng thời khuyến khích bà con tiếp tục bám biển, làm kinh tế trên vùng biển đặc quyền của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết UBND tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi.
Dịp này, UBND tỉnh đã hỗ trợ 2 triệu đồng/tàu, 1 triệu đồng/ngư dân; UBND TP.Hội An hỗ trợ 300 triệu đồng cho 15 tàu; UBND huyện Núi Thành hỗ trợ 500 nghìn đồng/ngư dân; Đảng ủy Khối doanh nghiệp hỗ trợ mỗi tàu 1 triệu đồng và 500 nghìn đồng/ngư dân. Ngoài ra, UBND xã, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang cũng đã có những phần quà hỗ trợ cho 15 tàu cá và 150 ngư dân vừa trở về.

Dù gặp nhiều khó khăn, sản lượng đánh bắt giảm sút nhưng nhiều ngư dân cho biết sẽ tiếp tục vươn khơi, quyết tâm bám biển. “Ngư trường Hoàng Sa lâu nay là của chúng ta, từ đời ông, đời cha tôi đã đánh bắt ở đó. Lãnh hải của mình thì mình làm, không sợ một thế lực nào. Nếu mình từ bỏ, không bám biển nữa nghĩa là mình đã chịu thua mất rồi. Rứa thì răng được?” - Thuyền trưởng Nguyễn Riện khẳng định. Nhìn vào ánh mắt của ông, không ai dám nghi ngờ lời khẳng định đó. Dù đã 71 tuổi, nhưng nhiệt huyết vì biển đảo của ông như đang gặp lúc bừng cháy. Đó cũng là tâm lý chung của những ngư dân cũng như các lực lượng đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Thượng tá Vũ Quốc Trường - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết, đơn vị luôn đồng hành với ngư dân trong mọi hoàn cảnh. “Chúng tôi thường xuyên vận động ngư dân bám biển, làm kinh tế trên vùng biển đặc quyền của chúng ta. Chúng tôi luôn theo dõi, nắm bắt thông tin của ngư dân khi họ vươn khơi, để mỗi khi gặp sự cố, chúng tôi có mặt kịp thời, sẵn sàng cứu nạn hay khắc phục, giúp bà con yên tâm bám biển…” - Thượng tá Trường nói.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh cho biết, hội đang tập trung tuyên truyền ngư dân tiếp tục bám biển. Ông nói: “Phải tuyên truyền cho ngư dân hiểu những chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước để tiếp tục bám biển, làm kinh tế trên vùng biển đặc quyền của mình”. Còn thuyền trưởng Nguyễn Riện thì nêu quyết tâm: “Gần 40 năm ở với biển, đó là cuộc sống của tôi rồi. Giờ tàu Trung Quốc có hung hăng đến mấy cũng chẳng sợ. Mình có được sự quan tâm của chính quyền, có sự giúp đỡ của cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và hỗ trợ lẫn nhau từ tổ đội đoàn kết…Vì vậy, không lý do gì chúng ta dừng lại hết. Trên tàu cá là lá cờ Tổ quốc. Ở đâu có cờ Tổ quốc, đó là lãnh hải của Việt Nam. Giờ không đơn thuần là đi đánh cá nữa mà là để khẳng định đấy là vùng biển đặc quyền của chúng ta…”. Đây cũng là lời khẳng định đanh thép của nhiều ngư dân đang từng ngày đối mặt với hiểm nguy trước sự hung hăng của tàu Trung Quốc.

NGUYỄN DƯƠNG - ĐOÀN ĐẠO
(Mời bạn đọc xem clip trên Báo Quảng Nam điện tử tại địa chỉ: www.baoquangnam.com.vn)

NGUYỄN DƯƠNG - ĐOÀN ĐẠO