Quyết bám giữ ngư trường Hoàng Sa
Quyết bám giữ ngư trường là tâm thế chung của nhiều ngư dân vừa trở về sau chuyến khai thác hải sản ở Hoàng Sa. Mặc dù bị các tàu Trung Quốc tấn công, gây hư hỏng phương tiện nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển. Với họ, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống khai thác nguồn lợi hải sản dồi dào và là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Vượt vòng vây
Sau hơn 20 ngày bền bỉ bám biển Hoàng Sa, tàu cá QNa-91297 có công suất 720CV theo nghề lưới vây của 2 anh em Trần Phi, Bùi Ngọc Dũng (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) vừa về đất liền. “Chuyến biển nhớ đời, có kinh qua như vậy mới thấy mình cần phải kiên trì hơn nữa để góp phần giữ vững ngư trường truyền thống. Các tàu Trung Quốc quá hung hăng, họ huy động một lượng lớn xâm phạm vào vùng biển chủ quyền của nước ta, và sẵn sàng lao cả chục chiếc vào tàu cá nhỏ hơn của chúng tôi” - anh Phi nói.
Tàu cá ngư dân Quảng Nam chuẩn bị vươn khơi bám biển. Ảnh: N.Q.V |
Trước chuyến biển này, khi nhận được tin Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép xuống vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc, anh Phi không khỏi lo lắng vì đây là cơ hội để Trung Quốc tiếp tục cản trở quá trình sản xuất của ngư dân. Ngư trường truyền thống sẽ bị thu hẹp lại. Đường ra, vào khi đánh bắt trên biển sẽ dài thêm vì phải chạy vòng tránh trớ tàu Trung Quốc, chi phí cho chuyến biển sẽ tăng lên. Tuy nhiên, anh Phi và các bạn biển vẫn kiên quyết ra khơi. Đầu tháng 5 vừa qua, thời tiết thuận lợi, anh Phi cùng 10 bạn biển vươn khơi, bám biển Hoàng Sa. Ra khơi chuyến này, tàu cá của anh Phi và anh Dũng chở theo khoảng 3.000 lít dầu, 1.000 cây đá cùng các nhu yếu phẩm khác. Thời điểm này, các tàu cùng trong đội đoàn kết sản xuất trên biển cũng nhổ neo hướng về vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Anh Phi kể, sau hơn 35 giờ đồng hồ vượt sóng, đoàn tàu dừng lại ở vị trí gần giàn khoan Trung Quốc khoảng 10 hải lý. Từ vị trí này, đi thêm 3 hải lý các ngư dân đã thấy hàng loạt tàu sắt của Trung Quốc lao tới với tốc độ rất cao. Có khoảng 10 tàu sắt lao trực diện về phía các tàu của ngư dân trong đội đoàn kết. Ban đầu, chúng xịt vòi rồng thị uy rồi 2 chiếc bất ngờ lao thẳng về phía tàu QNa-91297. Con tàu đảo nghiêng, có tiếng loảng xoảng của kính vỡ và tiếng lắc rắc của gỗ gãy phát ra từ ca bin tàu. Anh Phi kéo ga hết lực, cho tàu lao nhanh thoát khỏi gọng kìm của 2 tàu Trung Quốc. “Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy thân tàu bị xây xước, ca bin bị hỏng. Rấy may là không có ai thương tích. Chúng tôi tiếp tục bám biển dài ngày” - anh Phi kể.
Can trường bám biển
Trở về đất liền, những ngày qua, anh Phi lại tất tả chuẩn bị cho chuyến biển kế tiếp. Anh cho biết: “Trên đường chạy về đất liền, tôi đã điện thoại dặn vợ đặt đá cây, mua các nhu yếu phẩm để lại vươn khơi bám biển trong nay mai. Rất cảm kích là không chỉ người thân, hàng xóm láng giềng mà cả các anh em ở xa trong tỉnh cũng dõi theo hành trình bám biển của ngư dân chúng tôi. Nguồn tài nguyên quý giá của Tổ quốc, mình phải khai thác lấy. Tàu Trung Quốc càng xâm lấn, ngang ngược thì mình càng phải tăng thời gian bám biển”. Anh Phi kể, đây là chuyến biển đầu tiên của con tàu QNa-91297 này. Phải bán tàu cũ, góp vốn cộng với vốn vay 1,5 tỷ đồng không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, anh Phi và anh Dũng đóng mới được con tàu lớn có công suất 720CV này. Đây là cơ nghiệp nên 2 anh quyết không một ngày xa tàu, xa biển.
Trở về sau chuyến bám biển đợt này còn có tàu cá QNa-91559 công suất 450CV hành nghề lưới vây của anh Ngô Ri (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành). Trong chuyến biển vừa qua, tàu của anh Ri cũng bị hư hỏng do tàu Trung Quốc tấn công. Anh Ri kể: “Ban đầu tàu cá Trung Quốc dàn hàng ngang bao quanh các tàu cá chúng tôi. Bất ngờ chúng vây lại theo kiểu xếp quạt khiến chúng tôi bị ép sát. Sau khi phun vòi rồng trấn áp, tàu Trung Quốc húc thẳng vào tàu cá chúng tôi khiến ca bin tàu bị gãy. Chúng còn ném gạch, gỗ và các vật dụng khác về tàu chúng tôi. Anh em bình tĩnh phối hợp đối phó thoát được vòng vây nhưng tàu cá bị hỏng nhiều chỗ”. Anh Ri cho biết, anh sẽ gấp rút sửa chữa lại tàu cá để tiếp tục vươn khơi xa bám biển, bảo vệ chủ quyền. “Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Quảng Nam. Ngư dân chúng tôi rất đoàn kết vươn khơi bởi biết rằng nếu thiếu một con tàu hiện diện trên vùng biển này thì lực lượng của ngư dân chúng ta sẽ yếu đi một ít. Vả lại, nhân dân cả nước ủng hộ, sát cánh; lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư cũng luôn đồng hành thì mình càng phải bám biển, sản xuất tại vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”- anh Ri tâm sự.
Khi nghe tin các tàu cá QNa-91297 và QNa-91559 bị tàu Trung Quốc tấn công gây hư hỏng, nhiều đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã đến thăm, tặng quà và động viên các gia đình ngư dân có tàu bị nạn. Chị Đặng Thị Nhân (vợ anh Trần Phi) cảm kích nói: “Ngư dân Quảng Nam nói chung, ngư dân huyện Núi Thành nói riêng, trong đó có chồng tôi sản xuất tại vùng biển Hoàng Sa với tâm thế của những người giữ biển. Tai nạn trên biển là chuyện ai cũng nghĩ tới trước khi ra khơi dù rằng không ai muốn điều đó xảy đến. Nhận được sự thăm hỏi và những phần quà giàu ý nghĩa, chúng tôi rất cảm kích và được tiếp thêm sức mạnh trong những chuyến vươn khơi tiếp theo”.
NGUYỄN QUANG VIỆT