Rủ nhau đóng tàu mới bám biển

TRẦN HỮU 30/05/2014 09:33

Bất chấp Trung Quốc đe dọa, đâm chìm tàu đánh bắt, ngư dân ở các vùng biển Quảng Ngãi đã ra làng nghề sửa chữa, đóng tàu truyền thống Tân Phú (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đặt đóng mới phương tiện bám biển dài ngày.

Ngư dân Trương Khanh Chương ở làng biển Phước Thiện - xã Bình Sơn rất yên tâm khi chọn đóng mới tàu ở làng nghề truyền thống Tân Phú.Ảnh: TRẦN HỮU
Ngư dân Trương Khanh Chương ở làng biển Phước Thiện - xã Bình Sơn rất yên tâm khi chọn đóng mới tàu ở làng nghề truyền thống Tân Phú.Ảnh: TRẦN HỮU

Làng nghề đóng sửa tàu thuyền Tân Phú (xã Tam Phú) hoạt động cầm chừng mấy năm qua bỗng hồi sinh trở lại trong hơn một tháng nay.  Trước hành động ngang ngược của các tàu Trung Quốc ngoài biển Đông, ngư dân làng biển Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nuôi quyết tâm đầu tư phương tiện bám giữ ngư trường đánh bắt truyền thống. Tại các cơ sở đóng tàu nằm sát sông của làng Tân Phú, có nhiều tàu đang thi công gấp rút, phương tiện lớn nhất có công suất 450CV, nhỏ nhất là 250CV. Ông Trần Xuân Trung - chủ một cơ sở đóng tàu thuyền của làng Tân Phú cho biết, mùa biển này trời yên biển lặng, khai thác của ngư dân đạt năng suất cao nên ngư dân có vốn đóng mới tàu lớn để vươn khơi bám biển dài ngày hơn. Từ khi Trung Quốc xâm lấn trái phép vùng biển Hoàng Sa, nhiều người ở tận huyện Bình Sơn ra đây đóng tàu. “Hiện nay, tôi đang đóng mới cho ngư dân làng biển Phước Thiện – xã Bình Hải 3 chiếc tàu loại lớn, một số khách hàng phương xa còn đến đặt hàng nhưng tôi chưa dám nhận bởi khó khăn là thợ thạo nghề này rất ít” – ông Trung nói. Cạnh truyền đà của ông Trung là truyền đà của ông Trần Trọng đang thi công nước rút 6 phương tiện công suất lớn cho ngư dân làng biển Phước Thiện. Tại bến đò nằm ở ngã ba sông này, nhẩm đếm có hơn 10 tàu thuyền lớn nhỏ đang đóng mới, chạy đua với thời gian. Tiếng búa đục phát ra dồn dập, tiếng ngư dân thúc giục lao động vang dội cả khúc sông. Ông Trọng bộc bạch: “Từ tết đến chừ các truyền đà ở làng làm không hết việc. Chưa năm nào làng nghề “trúng mánh” nhiều đơn đặt hàng như thế này”.

Từ cuối 2013 đến nay, toàn tỉnh có 6 tàu công suất lớn từ 600CV trở lên đã hạ thủy. Tính đến thời điểm này, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã hỗ trợ ngư dân đóng 12 chiếc tàu công suất từ 600CV đến 1.000CV (mức hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/chiếc).

Lặn lội từ huyện Bình Sơn ra đây đóng mới tàu, ông Trương Khanh Chương nói: “Ngư dân ở Quảng Ngãi nói chung và huyện Bình Sơn nói riêng là khách hàng truyền thống của cơ sở này. Loại tàu của chúng tôi khi hạ thủy sẽ đánh bắt lưới vây ngày kiêm hành nghề thu mua hải sản trên biển cho ngư dân Phước Thiện. Làng nghề đóng, sửa tàu thuyền Tân Phú có thương hiệu lâu nay nên ngư dân rất an tâm đặt hàng. May mắn là tôi đặt cọc tiền đóng tàu sớm chứ không chủ cơ sở không nhận nữa vì hiện bãi đóng đã không còn chỗ trống nào. Theo tiến độ thì tháng 7, tôi sẽ có tàu vươn khơi”. Theo lời ông Chương, chiếc tàu của ông đang đóng có chiều dài 16,5m, bề rộng 4,2m, chiều cao mặt nước là 1,9m. Công suất lắp máy là 250CV. Tổng cộng chi phí đầu tư cho con tàu này đủ điều kiện vươn khơi đánh bắt gần 1 tỷ đồng. Nhiều ngư dân ở Bình Sơn cũng cho biết thêm, dịch vụ hậu cần nghề biển ở Quảng Ngãi phát triển rầm rộ trong thời gian qua, nên việc đóng tàu công suất từ 250 - 450CV rất phù hợp, là phương tiện có thể “tiếp sức” cho tàu mã lực lớn khai thác dài ngày hiệu quả hơn.

Theo ông Trần Ngọc Hoàng – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi, chuyên đóng tàu ở làng nghề Tân Phú, nhờ chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi của Nhà nước mà năm 2014, các khách hàng ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng và các huyện trong tỉnh như Núi Thành, Thăng Bình đã đặt hàng tấp nập. Trước đây bình quân mỗi năm  chỉ đóng 6 - 7 phương tiện thì các tháng đầu năm đã đóng hơn 5 phương tiện. Chính quyền xã Tam Phú xác nhận, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục chiếc tàu thuyền mới của ngư dân lần lượt hạ thủy từ làng nghề đóng sửa tàu thuyền Tân Phú để ra khơi bám biển, bảo vệ vững chắc ngư trường truyền thống. Nhiều thợ mộc giỏi đã dần có suy nghĩ tích cực hơn để vực dậy làng nghề truyền thống đóng tàu tưởng chừng như đang lụi tàn.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU