Vì những chuyến vươn khơi
Tinh giản thủ tục hành chính, giải quyết nhanh gọn hồ sơ, tạo điều kiện tối đa để ngư dân có tàu đánh bắt khơi xa tăng thời gian bám biển là câu chuyện rất đáng ghi nhận trong cải cách hành chính ở Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam (gọi tắt là Chi cục Thủy sản).
Cán bộ Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam kiểm tra và chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá tại cảng Kỳ Hà. Ảnh: Q.VIỆT |
Thêm điểm giải quyết hồ sơ
Có mặt tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành) vào lúc 8 giờ ngày 22.5, chúng tôi có cơ hội chứng kiến buổi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tàu cá của ngư dân trên địa bàn huyện Núi Thành. Vào thời điểm này, nhiều chủ tàu đã nộp hồ sơ và chờ giải quyết các thủ tục hành chính cho phương tiện khai thác hải sản của mình. Và 30 hồ sơ của ngư dân đã được giải quyết ngay trong buổi sáng, các chủ tàu được cấp giấy phép khai thác hải sản hoặc gia hạn thời gian khai thác. Nhiều ngư dân cho biết, trước đây, để gia hạn giấy phép khai thác hải sản cho tàu cá, chủ tàu phải lên TP.Tam Kỳ nộp hồ sơ ở Chi cục Thủy sản. Sau khi kiểm tra đầy đủ giấy tờ, thấy hợp lệ, cán bộ thủy sản mới viết giấy hẹn. Chủ phương tiện phải chờ trong vòng 2 ngày, giấy phép gia hạn thời gian khai thác hải sản mới được chứng thực. “Hiện nay, để tạo thuận lợi cho ngư dân, ngành thủy sản tổ chức thêm điểm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Kỳ Hà vào ngày thứ Năm của tuần thứ 3 trong tháng. Các thủ tục diễn ra nhanh gọn, hồ sơ của chúng tôi đã được giải quyết ngay trong buổi sáng, rất tiết kiệm thời gian” - ông Nguyễn Duy Truyền (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang), chủ tàu cá QNa 90609 có công suất 120CV cho biết.
Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác hải sản, Bộ NN&PTNT vừa ban hành Chỉ thị số 805/CT-BNN-TCTS về tăng cường công tác quản lý tàu cá. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quản lý tàu cá chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tiến hành rà soát, thống kê nắm chắc số tàu thuyền. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiểm tra, đôn đốc, tăng cường tập huấn công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho cán bộ của UBND các huyện, xã đã được UBND tỉnh phân cấp quản lý khối tàu cá có công suất nhỏ. Các cấp, ngành quản lý chặt chẽ, tuyên truyền cho chủ cơ sở đóng tàu quy định của nhà nước về quản lý tàu cá, yêu cầu kỹ thuật và giám sát kỹ thuật trong quá trình đóng mới tàu cá. (L.V) |
Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục về đăng ký, đăng kiểm cho tàu cá hay đăng ký thuyền viên của ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn được thực hiện đều đặn trong các ngày làm việc tại văn phòng của Chi cục Thủy sản. Tuy nhiên, để các hồ sơ, thủ tục được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi hơn cho ngư dân, ngành thủy sản Quảng Nam đã tổ chức thêm 2 điểm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Kỳ Hà (vào ngày thứ Năm của tuần thứ 3 trong tháng) và phường Cửa Đại, TP.Hội An (vào ngày thứ Ba của tuần đầu tháng). “Để tăng thêm thời gian bám biển, qua đó nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho ngư dân, chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để ngư dân rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho tàu cá của mình. Việc mở thêm 2 địa điểm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở Núi Thành và TP.Hội An (từ tháng 1.2013 - PV) là rất cần thiết, giúp ngư dân dễ dàng có mặt tại các vùng biển của Tổ quốc” - ông Trần Quang Kiến, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói.
Thuận lợi cho ngư dân
Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, ngư dân Quảng Nam cư trú trên địa bàn rất rộng, trải dài từ TP.Hội An cho đến Núi Thành; hồ sơ tàu cá của ngư dân rất đa dạng, nhiều loại. Bởi vậy, thời gian qua, xảy ra không ít trường hợp ngư dân mang các loại hồ sơ đến chi cục để giải quyết thì xảy ra tình trạng thiếu cần bổ sung. “Có một số thủ tục hành chính mà khi ra khơi bắt buộc ngư dân phải đáp ứng. Trước thực trạng ngư dân ở xa khi đến chi cục mà hồ sơ chưa đáp ứng nên phải chạy lui chạy tới, tốn tiền bạc, giảm thời gian bám biển, chúng tôi đã sáng kiến ra chuỗi “3 trong 1”, tức là đồng thời tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và kiểm tra, chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá của ngư dân tại địa điểm gần nơi họ định cư nhất” - ông Giỏi nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Giỏi, trong thời gian qua, số lượng hồ sơ tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh cần phải giải quyết và giải quyết nhanh ngày một nhiều. Bởi vậy, đơn vị luôn tìm mọi cách để đảm bảo giải quyết hồ sơ, đồng thời nâng cao chất lượng trong công tác xử lý. Đơn vị đã niêm yết tất cả quy trình, thủ tục giải quyết các loại hồ sơ tại văn phòng chi cục và các điểm giải quyết thêm ở Kỳ Hà, Cửa Đại. Các biểu mức thu phí, lệ phí về đăng ký, đăng kiểm tàu cá cũng được phổ biến, công khai ở các điểm trên. Điều đó tạo thuận lợi tối đa, giúp cho ngư dân, các tổ chức, cá nhân khác tiếp cận, tìm hiểu. “Để nâng cao chất lượng phục vụ, chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng, cung cấp số điện thoại, địa chỉ, e-mail của lãnh đạo chi cục để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của ngư dân, các tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Những vướng mắc, sự chậm trễ, phiền hà trong việc giải quyết hồ sơ sẽ được chấn chỉnh ngay nếu có” - ông Nguyễn Văn Giỏi khẳng định.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để có thể áp dụng đồng bộ các biện pháp cải cách hành chính nhằm tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ tàu cá của ngư dân.
NGUYỄN QUANG VIỆT