Ngư dân Cù Lao Chàm bội thu hải sản
(QNO) - Ngư dân Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) đã có được những chuyến biển bội thu hải sản trong vụ sản xuất chính này nhưng để phát triển bền vững cần chính sách hỗ trợ cụ thể.
Ngư dân xã đảo và thành quả chuyến biển vừa khai thác. |
Được mùa, được giá
Không khí yên tĩnh buổi tinh mơ ở Cù Lao Chàm nhanh chóng xua tan bởi tàu thuyền nườm nượp cập bờ. Cùng “bạn” khiêng vội các thúng hải sản lên bờ, chị Trần Thị Tư ở thôn Bãi Làng - ngư dân theo nghề lưới rê từ 5 năm nay khoe: “Được mùa lại được giá, mấy chuyến biển gần đây trúng lắm, ngư dân chúng tôi ai cũng phấn khởi. Mật độ các chuyến biển của chúng tôi dày hơn hẳn trước đây”. Từ đầu vụ cá nam đến nay, nhiều chuyến biển từ khuya cho đến rạng sáng gia đình chị Tư thu được chủ yếu mực, ghẹ và cá mú. Theo đó, ghẹ loại 1 giá 350 nghìn đồng/kg, loại 2 giá 250 nghìn; mực nang có giá 130 nghìn đồng/kg còn cá mú bán được 150 nghìn đồng/kg, cá hồng bán được 100 nghìn đồng/kg. Tại thôn Bãi Làng, nhiều gia đình ngư dân như Nguyễn Tám, Phan Văn Tí cũng bội thu hải sản từ đầu vụ cá nam đến nay. Nhiều gia đình đã thu được 2 - 3 triệu đồng trong chuyến biển từ đêm đến sáng.
Cách cầu cảng Bãi Hương không xa, một khu chợ hải sản mới được hình thành. Anh Nguyễn Thành, ngư dân chuyên nghề lưới rê ở thôn Bãi Hương cho biết: “Hải sản tươi rói mới đem từ biển vào nên bán rất nhanh. Đây là một trong những chuyến biển trúng nhất của chúng tôi từ đầu vụ cá nam đến nay. Thu được 1 tạ mực nang bán được hơn 1 triệu đồng, 1 tạ tôm loại 1 cũng bán được 2 triệu đồng”.
Ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp cho biết, ngay sau khi TP.Hội An phát động ra quân đánh bắt vụ cá nam, hơn 500 lao động của hơn 200 tàu thuyền trên địa bàn xã đã ra khơi. Từ khi mở màn vụ cá chính đến nay, mỗi chuyến cập bờ của ngư dân đều đầy ắp hải sản. “Chưa thể khẳng định trước nhưng thường bội thu đầu vụ báo hiệu một mùa biển thành công. Hiệu quả kinh tế tương đối cao của các chuyến biển trong thời gian qua mang lại lợi nhuận khá lớn với ngư dân xã đảo. Lâu lắm rồi, ngư dân xã đảo mới có được sự khởi đầu vụ sản xuất chính suôn sẻ như vậy” - ông Tân nói.
Cần chính sách hỗ trợ bền vững
Cũng theo ông Tân, bội thu đầu vụ cá nam là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên nhìn chung, cơ cấu nghề của ngành khai thác hải sản tại địa phương vẫn chưa đa dạng. Từ đầu năm 2013 đến nay, nghề lưới rê hoạt động hiệu quả nhất. “Trước mắt, việc nhân rộng nghề lưới rê làm ăn hiệu quả cho ngư dân là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu triển khai, sẽ gặp một số khó khăn như chi phí đầu tư ngư lưới cụ để chuyển đổi nghề khá lớn trong khi nguồn vốn của ngư dân hạn chế nên không phải ai cũng chuyển đổi được. Nghề lưới rê chủ yếu khai thác ở các vùng khơi xa nên rất cần tương trợ, giúp đỡ nhau khi sản xuất trong khi đó mô hình tổ, đội đoàn kết vẫn còn là điều mới mẻ đối với ngư dân địa phương” - ông Tân nói.
Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết, trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế tại xã đảo đã có một số thay đổi. Một bộ phận ngư dân khai thác hải sản manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, hiện tại, sản xuất trên biển vẫn thu hút đến hơn 75% dân số là ngư dân. Trong khi đó, đa số lao động ngành này có trình độ còn hạn chế, chưa qua đào tạo nghề. Phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương còn nhỏ, công suất thấp. “Trong thời gian qua, ngư dân xã đảo đã nhận được sự tiếp sức từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và Trung ương nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Cái khó nằm ở chỗ, ngư dân không đủ tài sản để thế chấp vốn vay hoặc đối ứng, các thủ tục vay vốn quá rườm rà. Vì vậy, cần một cơ chế thông thoáng hơn để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay cũng như hỗ trợ đào tạo nghề để các chuyến biển của ngư dân đạt hiệu quả cao hơn” - ông Nguyễn Văn An nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT