Chuyển đổi nghề

NGUYỄN QUANG VIỆT 13/05/2014 15:37

Cơ cấu lại các nhóm nghề khai thác hải sản để nâng cao giá trị kinh tế của chuyến biển, đồng thời đảm bảo tính bền vững trong khai thác là định hướng chung hiện nay. Với điều kiện thực tế tại Quảng Nam, nghề lưới rê hỗn hợp được xem là hướng mở để ngư dân đầu tư, phát triển góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Câu mực khơi gặp khó

Quảng Nam có nhiều tàu khai thác hải sản tại các vùng biển xa, nhất là ngư trường thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện số tàu có công suất từ 90CV trở lên khai thác xa bờ là 376 chiếc, tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Nhóm nghề khai thác hải sản xa bờ của ngư dân Quảng Nam tập trung chủ yếu vào nghề câu mực khơi và lưới vây. Tuy nhiên, trong khi nghề lưới vây vẫn hoạt động hiệu quả thì nghề câu mực khơi cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Trần Văn Trường - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết: “Nhiều chuyến biển của ngư dân theo nghề câu mực khơi trên địa bàn đã thua lỗ trong năm vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu là giá thành sản phẩm tăng vọt mà giá bán hải sản giảm xuống đến phân nửa. Nghề này rất nguy hiểm, nhiều ngư dân đã thiệt mạng trong lúc sản xuất. Các nghiên cứu cũng cho thấy nguồn lợi mực xà đã giảm xuống ở mức đáng báo động trong thời gian qua. Chủ trương của huyện Núi Thành là chuyển đổi nghề này, giúp ngư dân tăng hiệu quả sản xuất ở mỗi chuyến biển”.

Nghề câu mực khơi giảm sút cần được chuyển đổi sang nghề lưới rê hỗn hợp sản xuất hiệu quả.Ảnh:  QUANG VIỆT
Nghề câu mực khơi giảm sút cần được chuyển đổi sang nghề lưới rê hỗn hợp sản xuất hiệu quả.Ảnh: QUANG VIỆT

Tái cơ cấu các nghề khai thác hải sản là vấn đề cấp thiết hiện nay. Các kết quả nghiên cứu về khai thác hải sản tại Quảng Nam thời gian qua cho thấy nếu tiếp tục đặt trọng tâm vào nghề câu mực khơi chỉ khai thác được duy nhất đối tượng mực xà thì sẽ đi đến xu hướng… tự diệt. Nguồn lợi này giảm nhanh khiến sản lượng đạt thấp chỉ là một nguyên nhân. Sự cạnh tranh sản phẩm khai thác được của nghề này cũng đã giảm sút đến mức báo động trong thời gian qua do thương lái Trung Quốc - đối tượng thu mua mực xà duy nhất tại Quảng Nam đã không còn nhu cầu. Giá mực xà liên tục giảm trong thời gian qua là ví dụ quá rõ ràng. Vậy thì, chuyển đổi sang nghề sản xuất nào có thể đem lại hiệu quả sản xuất lớn? Ông Trần Quang Kiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết: “Giá trị kinh tế thu được trong mỗi chuyến biển của nghề lưới rê hỗn hợp được manh nha hình thành trong thời gian gần đây trên địa bàn huyện Núi Thành, mở ra triển vọng chuyển đổi nghề trong khai thác hải sản của Quảng Nam”.

Nhân rộng nghề lưới rê hỗn hợp

Nghề lưới rê hỗn hợp phát triển mạnh mẽ tại Nam Định từ năm 2003. Trong vòng 10 năm qua, nghề này được nhân rộng qua hoạt động sản xuất tại các địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kiên Giang… Đối tượng khai thác của nghề này là các loại hải sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao với loại cá thu, ngừ, chim, nhám... Ngư trường khai thác của nghề này cũng rất rộng khi có thể hoạt động hiệu quả ở cả tầng mặt lẫn tầng đáy với độ sâu trong khoảng 30 - 80m thuộc phạm vi thả lưới. Người có nhiều công trình nghiên cứu về khai thác hải sản ở Quảng Nam là ThS. Nguyễn Trọng Thảo (Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản - Đại học Nha Trang), cho biết: “Nhiều nghề đánh bắt các đối tượng hải sản khác nhau ở các tầng nước khác nhau sẽ giảm cường độ khai thác mà lại tăng năng suất đánh bắt là lợi thế rõ ràng để du nhập nghề lưới rê hỗn hợp. Ngoài ra, chuyển đổi sang nghề này sẽ giúp địa phương xây dựng lại chính sách phân phối, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Với các cơ sở đó, sẽ là hợp lý nhất khi chọn nghề lưới rê hỗn hợp để chuyển đổi nghề, qua đó tái cơ cấu hoạt động khai thác hải sản tại địa phương”.

Nghề lưới rê 3 lớp cải tiến cho hiệu quả sản xuất cao
Những ngày qua, nghề lưới rê 3 lớp cải tiến (nghề mới được ngư dân xã Duy Vinh, Duy Xuyên ứng dụng và nhân rộng trong thời gian qua) cho hiệu quả cao. Ngư dân Trần Văn Chín (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, chủ tàu cá QNa 92378 có công suất 180CV), cho biết: “Ra khơi 10 ngày, tàu tôi khai thác được khoảng 1,5 tấn gồm mực nang, cá hố, cá chim..., bán được 250 triệu đồng, trừ chi phí hết 55 triệu đồng, chủ tàu thu được gần 80 triệu đồng, các “bạn” được chia mỗi người 5 triệu đồng”. Nghề lưới rê 3 lớp cải tiến đã được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam tập huấn, nhân rộng cho ngư dân trên địa bàn xã Duy Vinh từ năm 2010 đến nay, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển cho ngư dân địa phương.

Vào thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, nghề lưới rê hỗn hợp mới có phương tiện duy nhất của ngư dân Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành). Với 3 chuyến biển, thả tổng cộng 14 mẻ lưới trong thời gian gần đây, anh Tăng thu được tổng cộng 3 tấn cá, nhiều nhất là cá thu. “So với các nghề lưới cản, lưới quét, lưới kéo, pha xúc mà gia đình tôi đã từng sử dụng thì nghề lưới rê hỗn hợp là sản xuất nhàn nhã nhất do sử dụng tời kéo lưới. Nghề này có ưu điểm lớn là có thể khai thác được quanh năm. Với chuyến biển trong thời gian 7 - 10 ngày, trung bình chúng tôi bán được 130 triệu đồng sản phẩm đánh bắt được. Sau khi trừ chi phí, phương tiện có thể thu nhập 100 triệu đồng/chuyến biển. Theo tính toán, mỗi năm, tôi có thể khai thác được đến 26 chuyến biển” - anh Tăng nói.

Thực tế sản xuất trên biển bằng nghề lưới rê hỗn hợp tại nhiều địa phương trong cả nước đã cho thấy việc chọn cấu trúc lưới (kích thước mắt lưới, độ thô chỉ lưới, chiều cao của 3 phần lưới và chiều cao chung của lưới) như thế nào để phù hợp với các ngư trường khác nhau và các đối tượng hải sản khác nhau vẫn chưa có mẫu số chung. Có địa phương khai thác ở độ sâu từ 80m trở lên như Ninh Thuận, có địa phương khai thác ở độ sâu 60 như ngư trường vịnh Bắc Bộ hay 40m đối với khu vực phía Nam. Trong khi đó, ngư dân Quảng Nam lại có tập quán sản xuất ở ngư trường có độ sâu rất lớn. Chiều cao lưới lớn để sản xuất ở độ sâu này có ưu điểm là phạm vi đánh bắt rộng, ngược lại lực cản của lưới lớn hơn đòi hỏi tàu có kích thước lớn để chuyên chở. Ông Trần Quang Kiến cho rằng, khi nhân rộng nghề này trên toàn tỉnh thì phải thiết kế, thi công, cải tiến các mẫu lưới cho phù hợp, đồng thời lập chủ động kế hoạch đánh bắt thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ và ứng dụng sát hợp thực tế.

 NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT