Báo động tàu cá gặp nạn trên biển
Từ đầu năm đến nay, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam liên tiếp gặp nạn trên vùng biển xa đã báo động về công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện sản xuất trên biển. Trong khi đó, việc ứng cứu các trường hợp gặp nạn rất tốn kém và còn nhiều khó khăn.
Tai nạn dồn dập
Được lai dắt vào bờ an toàn nhưng nét thẫn thờ vẫn còn hiển hiện trên gương mặt sạm nắng của ngư dân Phan Văn Thành (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành, chủ tàu cá QNa 90099). Anh Thành kể, vào tối 4.3, khi đang cùng 46 ngư dân câu mực khơi tại vị trí có tọa độ 10,50 độ vĩ bắc, 114,48 độ kinh đông thuộc quần đảo Trường Sa thì tàu cá đột nhiên bị hỏng máy. Dù rất nỗ lực nhưng anh và các bạn biển không thể nào khắc phục được sự cố. Tàu trôi dạt, đến sáng 5.3 thì đâm vào đá ngầm và mắc cạn tại vị trí có tọa độ 10,53 độ vĩ bắc, 114,41 độ kinh đông. Anh Thành liên hệ về Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà nhờ ứng cứu. Ngay sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã thông tin và hướng dẫn cho 2 tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành đang hành nghề câu mực khơi ở Trường Sa là QNa 91964 của ông Nguyễn Công Chất và QNa 90019 của ông Phạm Bé tiếp cận. Sau khi đưa thuyền viên, vật tư, nhiên liệu lên tàu của mình, 2 tàu cá đến ứng cứu liền lai dắt tàu bị nạn về đất liền.
Ngư dân bỏ chuyến biển lai dắt tàu cá bị nạn vào bờ. Ảnh: N.Q.V |
Trước đó, ngày 1.3, tàu cá QNa 90334 của ngư dân Lê Văn Năm (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) bị hỏng máy rồi trôi dạt khi đang khai thác ở vùng biển Hoàng Sa. Nhận được thông báo khẩn cấp, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã liên lạc và hướng dẫn 2 tàu đánh bắt cùng ngư trường là QNa 90125 và QNa 91827 của ngư dân Huỳnh Văn Diệp đến hỗ trợ sửa chữa nhưng bất thành. Không thể làm gì hơn, ông Diệp đã vào bờ và đưa 2 thợ máy ra quần đảo Hoàng Sa để sửa chữa. Do máy bị hỏng nặng không thể khắc phục được nên 2 tàu cá của ngư dân Huỳnh Văn Diệp đã phải lai dắt tàu cá QNa 90334 vào bờ. Theo thống kê của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 8 vụ tàu cá của ngư dân Quảng Nam gặp nạn khi đang sản xuất tại các vùng biển xa. “Đây là con số rất đáng báo động bởi nó dồn dập hơn cùng kỳ rất nhiều. Đáng nói là trong khi thời tiết trên biển thuận lợi cho sản xuất của ngư dân thì do hỏng máy đã khiến cho nhiều phương tiện ngưng sản xuất mà nhiều tàu khác cũng phải ngừng đánh bắt để đến hỗ trợ, lai dắt vào bờ” - Thượng tá Nguyễn Trường Quy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà nói.
Ra khơi xa trong 2 tháng liền nhưng chủ tàu Huỳnh Văn Diệp đã không đánh bắt được gì vì phải liên tiếp ứng cứu tàu bị nạn. Ngày 19.2, tàu cá QNa 91298 của ngư dân Huỳnh Văn Song (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành) bị hỏng máy, trôi dạt trên biển và được tàu cá QNg 94559 của ngư dân Quảng Ngãi kéo về trú tại đảo Bông Bay (quần đảo Hoàng Sa) rồi liên lạc về đất liền nhờ ứng cứu. Nhận được tin tàu QNa 91298 gặp nạn, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã huy động 2 tàu đánh cá QNa 91827 và 90125 của ngư dân Huỳnh Văn Diệp ứng cứu. Đội tàu của ông Diệp đã ngưng sản xuất, đến tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống rồi lai dắt tàu bị nạn về đất liền an toàn vào ngày 27.2.
Nỗ lực hạn chế rủi ro
Thời gian qua, để hạn chế thiệt hại đáng tiếc về người và phương tiện khi gặp nạn trên biển, Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, đã thành lập nhiều tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và nghiệp đoàn nghề cá để ngư dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi không may gặp rủi ro. Mặt khác, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; nâng cao công tác đăng kiểm định kỳ và tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá tại các đồn biên phòng trước khi ra khơi. Thực tế đã cho thấy mỗi khi tàu cá gặp nạn là các ngư dân khác cùng ngư trường khai thác đã không ngần ngại bỏ chuyến biển, ứng cứu kịp thời. Tuy nhiên, dù đào tạo được nhiều máy trưởng và đăng kiểm tàu cá ngày càng được siết chặt nhưng tàu cá vẫn liên tục bị hỏng máy mỗi khi ra khơi. Ngư dân Huỳnh Văn Song cho biết: “Trước khi ra khơi xa, tàu cá của chúng tôi đã được ngành chức năng kiểm tra kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật. Mặc dù tàu cá đã được chứng nhận đảm bảo an toàn nhưng chỉ mới ra khơi là máy đã bị hỏng mà không thể nào khắc phục được”. Trong khi đó, ông Trần Quang Kiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam khẳng định: “Công tác đăng kiểm, kiểm tra các thông số kỹ thuật đảm bảo an toàn cho tàu cá mỗi khi ra khơi đã được tiến hành đúng quy trình trong thời gian qua. Tuy nhiên, do máy mà các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh sử dụng hầu hết là máy thủy lực đã qua sử dụng, trong đó nhiều tàu gắn máy quá cũ nên khó tránh khỏi những lỗi đáng tiếc khi đang hoạt động trên biển”.
Thượng tá Nguyễn Trường Quy cho rằng, 2 ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa rất rộng lớn, khó ứng cứu kịp thời khi không may tai nạn xảy đến với tàu cá. Trong khi đó, hễ khi nào bị hỏng máy thì các chủ tàu nhờ tàu khác cùng ngư trường ứng cứu hoặc liên hệ với đồn biên phòng nhờ hỗ trợ chứ hiếm khi cầu cứu đến lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Bất cập nằm ở chỗ khi được cứu nạn thì ngư dân không phải chi trả phí còn nếu cứu hộ thì khoản phí mà ngư dân phải trả lên đến vài trăm triệu đồng. “Nếu yêu cầu cứu hộ tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì ngư dân phải tốn đến 400 - 500 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn, vượt quá chi trả của ngư dân. Cấp trên nên chăng xem xét lại, đồng nhất cứu hộ với cứu nạn để hỗ trợ ngư dân kịp thời khi không may gặp nạn trên vùng biển xa. Lai dắt tàu bị nạn quá tốn kém, bỏ chuyến biển thì ngư dân thua lỗ. Bởi vậy Nhà nước cũng cần xem xét lại để có cơ chế hỗ trợ cho các chủ tàu khi họ dám bỏ chuyến biển để lai dắt tàu gặp nạn vào bờ” - Thượng tá Nguyễn Trường Quy nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT