Trúng đậm mực cơm
Những ngày qua, ngư dân các vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh trúng đậm mực cơm. Nghề chụp mực, lưới vây mùng phát triển rất rầm rộ trong thời gian gần đây và liên tiếp có những chuyến biển bội thu.
Trong sương sớm tờ mờ, tại chợ biển Rạn (xã Tam Tiến, Núi Thành) đã thấy nhiều thúng chai chở ăm ắp mực cơm từ tàu vào bờ tiêu thụ. Từng ki mực được bày ra chật bãi biển, cảnh mua bán rất tấp nập. Do khai thác gần bờ nên mực ở đây còn tươi nguyên, nhiều con da vẫn còn ửng đỏ, nhấp nháy phản xạ với ánh sáng. Ông Nguyễn Công Tin, một ngư dân khai thác nghề chụp mực trú thôn Tân Bình Trung (xã Tam Tiến) cho biết, mực cơm đang rộ ở vùng biển gần bờ. Bình thường nghề chụp mực rong ruổi theo các đàn mực, cá lớn cách bờ hơn 10 hải lý, nhưng gần đây thì chủ yếu bám trụ với ngư trường gần bờ. Sau một đêm khai thác, tàu của ông Tin thu được hơn 2 tạ mực, bán gần 15 triệu đồng, mỗi ngư dân thu nhập khoảng 2 triệu đồng.
Đưa mực vào bờ tiêu thụ. Ảnh: H.Quang |
Theo ước tính của ngư dân, những ngày qua tại chợ biển Tam Tiến mỗi sáng có hàng chục tấn mực được đưa vào tiêu thụ. Các nghề chủ yếu khai thác được loại hải sản này là chụp mực, lưới vây mùng. Tại xã Tam Tiến hiện có khoảng 50 phương tiện làm nghề chụp mực, lưới vây mùng, những ngày qua có những chuyến biển bội thu, chủ yếu là mực cơm. Vì khai thác gần bờ nên chi phí của mỗi chuyến biển thường thấp (khoảng hơn 1 triệu đồng/phương tiện) nên nhiều ngư dân có thu nhập cao. “Năm nào cũng vậy, đầu mùa biển thường trúng mực cơm. Mực đầu mùa rất ngon, sức tiêu thụ cũng lớn. Nghề chụp mực chủ yếu làm ăn vào mùa này, bắt đầu từ tháng 5 âm lịch trở đi biển thường rất vắng, lại phải khai thác ở ngoài khơi, có năm liên tiếp có những chuyến biển lỗ dầu…” - ông Tin cho biết.
Tại các vùng biển Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình) những ngày qua ngư dân cũng trúng đậm mực cơm. Ông Trương Công Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh cho biết, nhiều phương tiện lưới vây, chụp mực ở địa phương cũng thu nhập hàng chục triệu đồng từ mực cơm sau mỗi chuyến biển. Hiện giá mực tại đây dao động từ 70 - 90 nghìn đồng/kg, mức giá này sụt giảm rất nhiều so với thời điểm cách đây gần 1 tháng (khoảng 160 nghìn đồng/kg). Tình trạng được mùa mất giá vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều vùng biển ngang, nhưng với loại mực cơm vì sức tiêu thụ thường ổn định nên ít xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, theo ông Hùng đây là loại hải sản rất khó chế biến để tiêu thụ một lượng lớn khi nhiều phương tiện đồng loạt được mùa. Hiện các cơ sở chế biến và cơ sở thu mua hải sản ở Bình Minh chủ yếu gom mực cơm, cấp đông và điều tiết đưa ra thị trường để giữ giá… “Hiện Bình Minh có khoảng 130 phương tiện lưới vây và chụp mực, trong đó chụp mực chiếm khoảng 30%. Nghề chụp mực phát triển mạnh trong thời gian gần đây và có hiệu quả kinh tế cao, nhiều ngư dân địa phương tiếp tục đầu tư sắm mới phương tiện với vốn hàng tỷ đồng” – ông Hùng nói.
HÀ QUANG