Nghề biển ở Cẩm An

NGUYỄN QUANG VIỆT 27/11/2013 08:00

Kiên tâm bám biển, biết cách giảm chi phí cho mỗi chuyến ra khơi, mạnh dạn tiếp thu nghề mới, đội lưới cản thúng An Bàng - An Tân và đội lưới quét Tân Thành - Tân Thịnh (phường Cẩm An, TP.Hội An) vừa giữ được nghề truyền thống vừa có thể ổn định cuộc sống.

Thành viên đội lưới cản thúng An Bàng - An Tân thu hoạch sau đợt thả lưới cuối cùng của chuyến biển.Ảnh: Q.VIỆT
Thành viên đội lưới cản thúng An Bàng - An Tân thu hoạch sau đợt thả lưới cuối cùng của chuyến biển.Ảnh: Q.VIỆT

Giữ nghề cũ

Đội lưới cản An Bàng là một trong những mô hình tiêu biểu về hiệu quả sản xuất trên biển trong những năm 1990. Ấy vậy mà, bẵng đi một thời gian dài sau đó, do chi phí chuyến biển tăng cao sản lượng đánh bắt thấp, đội lưới cản An Bàng giải thể. Những năm sau này, nhiều ngư dân trong đội lưới cản An Bàng trước đây tập hợp lại, động viên nhau quyết tâm bám biển đến cùng. “Nghề biển của Cẩm An chủ yếu tập trung ở đội lưới cản An Bàng. Khi đội không còn, ngư dân bán tàu, chuyển nghề, đồng loạt lên bờ làm dịch vụ du lịch - nghề được cho thức thời lúc đó. Được chính quyền phường động viên, chính quyền thành phố khuyến khích, năm 2009 chúng tôi xin thành lập đội đoàn kết lưới cản thúng An Bàng - An Tân và được phê duyệt” - ngư dân Phạm Hữu Ca, Đội trưởng đội lưới cản thúng An Bàng - An Tân nhớ lại.

Đánh bắt bằng thuyền thúng, trong khi thời tiết trên biển lại thất thường nên mỗi thuyền của ngư dân đội lưới cản thúng An Bàng - An Tân đều trang bị đầy đủ các thiết bị liên lạc như i-com, bộ đàm, máy định vị, áo phao. Để thường xuyên kết nối với đất liền, ngư dân trong đội luôn giữ liên lạc với lực lượng biên phòng.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện phong trào “Ngày biên phòng toàn dân” cụm Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên, đội lưới cản thúng An Bàng - An Tân là một trong 5 tập thể được UBND TP.Hội An tuyên dương, khen thưởng vì đã có nhiều đóng góp cho phong trào “Ngày biên phòng toàn dân” của thành phố.

Hiện tại, đội lưới cản thúng An Bàng - An Tân có 18 thuyền, tổng công suất 385CV, với sự tham gia của 54 ngư dân thuộc 2 khối An Bàng và An Tân. Trước đây, đội lưới cản An Bàng ra khơi bằng những tàu công suất lớn với sự tham gia của khoảng 10 thành viên/tàu và bám biển dài ngày nên chi phí rất lớn. Sau này, đội lưới cản thúng An Bàng - An Tân đánh bắt bằng các thuyền thúng có công suất 20 - 25CV, với 3 thành viên/thuyền nên chi phí giảm đi rất nhiều. Mặt khác, mỗi lần ra khơi, các thuyền trong đội giữ khoảng cách tương đối gần nên chia sẻ với nhau ngư trường cho nhiều luồng cá nổi, nhờ đó đánh bắt nhanh, càng giảm  thêm chi phí chuyển biển. “Sản lượng khai thác trong mỗi chuyến biển của đội bây giờ không thấp hơn so với mô hình trước đây, nhưng chi phí giảm đi rất nhiều nên hiệu quả đem lại cao hơn. Mỗi chuyến biển trung bình kéo dài khoảng 4 - 5 ngày, sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên được chia không dưới 3 triệu đồng” - ngư dân Lê Ngọc Kiên cho biết.

Nhập nghề mới

Ở phường Cẩm An, còn có một mô hình sản xuất trên biển khác là đội lưới quét Tân Thành - Tân Thịnh, cũng do những thành viên của đội lưới cản An Bàng trước đây thành lập, chỉ khác là họ nhập nghề mới: nghề lưới quét. Hiện tại, đội lưới quét này gồm 5 tàu cá có công suất từ 60 - 250CV, khai thác quanh năm với mỗi chuyến biển từ 5 - 10 ngày. Ngư dân Nguyễn Sáu - Đội phó đội lưới quét Tân Thành - Tân Thịnh cho biết, nghề lưới quét mà ngư dân địa phương đang áp dụng có nguồn gốc từ các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa. Sau khi tham khảo, học hỏi, các thành viên trong đội cải tiến lại cho phù hợp với ngư trường đánh bắt của địa phương như kỹ thuật đan lưới, cách thả lưới, phao lưới to hơn, biên độ lưới dài hơn. Nhờ đó, ngoài hiệu quả đánh bắt cao, đội lưới quét đã tiết kiệm được thời gian kéo lưới, giảm rủi ro mất lưới khi đánh bắt. Do lao động ít, chừng 5 - 7 người/tàu nên tỷ lệ chia phần trên mỗi chuyến biển cao hơn.

Cũng được thành lập từ năm 2009, đến nay đời sống của 5 chủ tàu trong đội đã khấm khá lên thấy rõ, nhà cửa được xây dựng khang trang, mua sắm phương tiện hiện đại cho sinh hoạt. Như ngư dân Nguyễn Sáu, từ đầu năm đến nay, ngoài chi phí sinh hoạt, ông còn “để dành” được 50 triệu đồng từ nghề lưới quét. Mặc dù đội chỉ có 5 tàu cá nhưng sau mỗi chuyến ra khơi, các thành viên đều thu xếp thời gian họp đội, chia sẻ khó khăn, trao đổi kinh nghiệm để chuyến biển tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. “Trong lúc một số ngành nghề khai thác hải sản không đạt hiệu quả, khai thác cạn kiệt tài nguyên biển thì nghề lưới quét mà ngư dân Tân Thành - Tân Thịnh đang áp dụng là mô hình mới rất khả quan. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng nghề này ở địa phương, ngư dân rất cần được sự hỗ trợ về vốn để đầu tư phương tiện cũng như ngư lưới cụ” - ông Nguyễn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm An nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT